Dấu ấn Kafka trong văn học Việt

Nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa Kafka Festival 2018 tại Hà Nội, ngày 7/4, tại Heritage Space (Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm mang tên 'Franz Kafka – hơn cả một cái tên'.

Buổi tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa Kafka Festivan 2018. Ảnh: Thu Huyền

Tham dự buổi tọa đàm có sự góp mặt của các đại sứ Áo, Cộng Hòa Séc, Pháp, Đức và Thụy Sỹ tại Việt Nam. Ba vị khách mời cùng tham gia thảo luận là Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu, thành viên câu lạc bộ đọc sách bạn Đặng Thanh Hiền và bạn Nguyễn Thị Thùy Linh.

Vị trí của cái tên Kafka trong văn học thế kỷ 20 đã trở thành một sự thật không thể tranh cãi. Những yếu tố đặc trưng đã xuất hiện trong các tác phẩm của Kafka từ đầu thế kỷ 20 như: phi lý, hiện sinh, trinh thám...khi được hậu thế ứng dụng vào sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật thị giác và nhiều lĩnh vực khác sau này đều tạo nên những sức hút ngoài sức tưởng tượng.

Lý giải lý do đặt tên tọa đàm “Kafka – Hơn cả một cái tên, tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu khẳng định: Các tác phẩm của Kafka liên tục tạo cho người đọc sự diễn giải, sự suy ngẫm không chỉ bởi các nhà nghiên cứu văn học, không chỉ ảnh hưởng lên các sáng tạo văn học mà các tác phẩm của ông đã đi vào đời sống quần chúng.

Kafka thực sự đã vượt qua biên giới của Châu Âu để trở thành hiện tượng toàn cầu khi các tác phẩm của ông luôn gợi cảm hứng sáng tạo cho các loại hình nghệ thuật, kể cả những loại hình rất khó để chuyển tải như âm nhạc, kịch múa đương đại được chuyển thể từ vở kịch “Hóa thân” của Kafka.

Kafka mắc bệnh lao phổi, sự ám ảnh về bệnh tật luôn gây ra cho ông cảm giác bất lực, tội lỗi vì không thể đảm đương việc kinh doanh của bố và lập gia đình. Lý do bệnh tật ảnh hưởng rất nhiều đến việc sáng tác của ông, hầu như các tác phẩm của ông đều sử dụng chủ đề về sự ghẻ lạnh, sự tàn bạo về thể xác và tinh thần...

Trong tác phẩm truyện cực ngắn “Người canh gác” ta thấy dường như nó chứa chấp một trong những cái gì đó ám ảnh nhất của Kafka. Mẩu truyện gây ra cho nhân vật một cảm giác tội lỗi khi lén đi qua trước mặt người canh gác mà không xin phép. Dường như bất kỳ cử chỉ, hành động nào cũng khiến cho nhân vật sợ hãi vì trong họ luôn cảm nhận có một thế lực vô hình nào đó đi theo giám sát mình.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng, trong văn học Việt Nam sau 1975, ông đã gặp hơn một trường hợp mà sáng tác của họ với những chủ đề mà Kafka khơi dậy có sự gặp gỡ. Ví dụ như trong thơ của Văn Cao:

Ngủ dậy một sáng
Cả phố biến đâu mất
Không một bóng người đi
Im lặng hồ nước sâu thăm thẳm
Mặt đất đỏ màu gạch nung
Như miệng quả núi lửa
Anh đi tìm em
Tìm dấu vết những con đường
Chúng ta thường đi lại
Giữa mênh mông tôi gọi em mãi mãi
Thế kỷ chúng ta đứng lại nơi đây
Em ở đâu?
Thế kỷ chúng ta còn đang tiếp tục
Trên trái đất này
Hàng ngày đứng lại nơi đây
Tôi gọi em mãi mãi

Ngoài ra, còn một số nhà thơ, nhà văn mà trong sáng tác của họ cũng mang hơi hướng của Kafka như trong tác phẩm của nhà thơ Hoàng Hưng hay của nhà văn Bùi Ngọc Tấn...

Bạn Đặng Thanh Hiền chia sẻ: Tôi may mắn được biết các tác phẩm của Kafka qua các bài đánh giá, tôi cảm nhận được nỗi cô đơn của Kafka, một cảm giác khiến cho mình xa lạ với mình trước đó. Có một câu trong tác phẩm truyện ngắn cây cầu của Kafka “Một khi đã được bắc lên nếu không sập xuống thì không cây cầu nào thôi làm cây cầu”, nó như một tuyên ngôn kiêu hãnh về cái giá trị tồn tại của một thực thể trong đời sống nhưng đằng sau đó câu tuyên ngôn tồn tại sự mâu thuẫn nội tại. Kết thúc truyện, cây cầu vỡ vụn, nó có nghĩa cái chết là giới hạn cuối cùng mà con người có thể chạm đến để xác lập cái giá trị tồn tại.

Ngày 13/4 tới, một tọa đàm khác sẽ diễn tiếp tục diễn ra mang tên “Triết học trong nghệ thuật của Kafka” nhằm tìm hiểu rõ về tác phẩm của Kafka trong triết học.

Dự kiến, buổi tọa đàm sẽ diễn ra tại Nhã Nam Book and Coffee, Shop House 10, P6, Khu đô thị Times City, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thu Huyền

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/nghe-thuat-sang-tac/dau-an-kafka-trong-van-hoc-viet-35211