Dấu ấn đồng chí Đỗ Mười trên những công trình thanh niên cộng sản

Tôi có vinh dự được gặp và trực tiếp làm việc cùng anh Đỗ Mười gần 30 năm, từ khi anh còn giữ cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Với tôi, dù ở cương vị nào, anh luôn là vị lãnh đạo gần gũi, giản dị và sâu sát với cơ sở.

Trong giai đoạn từ năm 1971 đến đầu năm 1980, tôi công tác ở tỉnh Quảng Ninh, là Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh. Thời gian này, anh Đỗ Mười giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và rất gắn bó, quan tâm, giúp đỡ tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh là địa phương có nguồn than lớn, vào thời điểm đó, than vô cùng quan trọng, được ví như “dòng sữa mẹ” để phục vụ sản xuất, phục vụ phát triển công nghiệp của đất nước. Để khai thác, sản xuất than cần có vật tư, máy móc thiết bị... mà chủ yếu là mua và nhận viện trợ từ các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, anh Đỗ Mười rất quan tâm, tạo điều kiện về vấn đề này.

Vùng mỏ Quảng Ninh đa phần là công nhân sản xuất than nên nông nghiệp kém phát triển, bởi vậy việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho vùng mỏ được coi là nhiệm vụ thiết yếu. Đây là vấn đề quan trọng với không chỉ riêng với tỉnh Quảng Ninh mà với cả đất nước. Tỉnh Quảng Ninh cử hẳn một phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách vấn đề lương thực. Anh Đỗ Mười rất quan tâm, sâu sát nên đã tạo điều kiện, chỉ đạo các địa phương khác cung ứng về cơ bản lương thực, thực phẩm cho vùng đất mỏ.

Đồng chí Vũ Mão. Ảnh: Trần Minh.

Cũng trong khoảng thời gian này, anh Đỗ Mười phụ trách vấn đề phòng chống thiên tai, bão lụt. Quảng Ninh là địa phương thường xuyên phải hứng chịu bão. Là người sâu sát với cơ sở, bởi vậy cứ mùa mưa bão, anh Đỗ Mười lại trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình, kiểm tra, chỉ đạo sâu sát trong phòng chống bão lụt nên tôi có nhiều dịp được tiếp xúc, làm việc với anh.

Khi tôi là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, anh Đỗ Mười giữ cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách về xây dựng cơ bản. Dấu ấn sâu sắc nhất của anh là trên những công trường thanh niên cộng sản. Những năm đầu thập niên 80, đất nước thiếu điện trầm trọng và chúng ta bắt đầu xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại để nhanh chóng có điện phục vụ đất nước. Tôi còn nhớ mãi đêm giao thừa cuối năm Canh Thân 1980, đầu năm Tân Dậu 1981, dù bận nhiều công việc nhưng Anh Đỗ Mười cùng Ban Bí thư Trung ương Đoàn xuống thăm, động viên anh em trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Dù đã sắp đến giao thừa nhưng anh em vẫn tất bật hàn những mối hàn cuối cùng trên lò cao cho kịp tiến độ và dùng ánh sáng của những mỏ hàn thay cho pháo hoa đêm giao thừa.

Đặc biệt, anh Đỗ Mười là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách trực tiếp công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ngày ấy, Đoàn thanh niên nhận đỡ đầu các công trình xây dựng trọng điểm của đất nước nên gần như hằng tuần, hằng tháng, tôi và anh Đỗ Mười đều có mặt trên công trường để giao ban, nắm tình hình. Anh coi tiến độ công trình đặc biệt quan trọng, bởi khi xây dựng đập thủy điện đến cao độ 81, nếu không đạt tiến độ thì rất có thể nước lũ sẽ phá hủy tất cả. Anh Mười ngày đêm lăn lộn để giám sát, đốc thúc anh em gấp rút hoàn thành đúng tiến độ.

Không chỉ đặc biệt quan tâm, sâu sát đến tiến độ, chất lượng công trình mà anh Mười còn rất quan tâm đến đời sống của công nhân viên trên công trường Thủy điện Hòa Bình. Ngày đó, đất nước còn nhiều khó khăn, công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình có hàng vạn công nhân, kỹ sư. Anh trực tiếp chỉ đạo trung ương và các tỉnh cung cấp lương thực, thực phẩm về đây để phục vụ công nhân; phát động phong trào tăng gia sản xuất. Ngày ấy, trong ký ức của tôi vẫn còn nguyên vẹn về những phiên chợ “vồ”, họp từ 4-5 giờ sáng để đội ngũ công nhân kịp mua sắm lương thực, thực phẩm trước giờ vào ca.

Anh Đỗ Mười có quan hệ rất đặc biệt với các đồng chí chuyên gia Liên Xô trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đặc biệt là đồng chí Ba-ga-chen-kô, Tổng chuyên viên của công trình. Biết được hoàn cảnh gia đình đồng chí Tổng chuyên viên công trình ở quê nhà rất khó khăn, vợ bị bệnh nhưng không đủ tiền chữa trị; anh Mười đề nghị Trung ương Đảng và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô có chính sách đặc biệt để vợ đồng chí Ba-ga-chen-kô được vào chữa trị ở bệnh viện trung ương. Toàn bộ máy móc, thiết bị ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đều do Liên Xô viện trợ, giúp đỡ nên anh Mười tranh thủ các mối quan hệ để Liên Xô viện trợ kịp thời các thiết bị máy móc, bảo đảm công trình thi công đúng tiến độ.

Anh Đỗ Mười là người thận trọng, luôn cân nhắc, suy xét nhưng khi thấy hợp lý thì hoàn toàn tán thành chủ trương. Tôi còn nhớ kỷ niệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa IX tháng 6-1994, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành truyền hình, phát thanh trực tiếp các buổi chất vấn và trả lời chất vấn để nhân dân cả nước theo dõi. Lúc đầu, anh Đỗ Mười còn cân nhắc, đặt ra rất nhiều vấn đề nảy sinh như: Lộ bí mật quốc gia, đại biểu trả lời không đúng tầm mức... nhưng khi được giải thích thấu đáo thì anh hoàn toàn đồng ý. Sau đó, sự kiện này đã tạo được dư luận tốt trong nhân dân.

VŨ MÃO, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dau-an-dong-chi-do-muoi-tren-nhung-cong-trinh-thanh-nien-cong-san-551457