Dấu ấn đối ngoại đa phương Việt Nam 2019

Năm 2019 đánh dấu một bước ngoặt lớn của Việt Nam trong hoạt động ngoại giao đa phương. Không chỉ góp những tiếng nói chủ động và tích cực vào các diễn đàn toàn cầu, Việt Nam đã trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục.

Ngày 7/6/2019 đã đánh dấu sự trở lại đầy thuyết phục của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với lần thứ hai trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Số phiếu trúng cử của Việt Nam là 192/193 phiếu, một con số cao kỷ lục trúng cử trong lịch sử bầu các thành viên của Liên Hợp Quốc. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam và ngược lại cũng là thành quả xứng đáng của Việt Nam sau quá trình dài vận động và đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới.

Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid cho biết: Tôi rất vui mừng khi thấy Việt Nam đã được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu rất cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với trách nhiệm, một trách nhiệm rất lớn của Việt Nam ở vị trí này trong nhiệm kỳ tới. Chúng tôi chờ đợi sự đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề mà thế giới đang quan tâm.

Thực tế, để có được sự tin tưởng này, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong quá trình hơn 40 năm tham gia vào Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 với những dấu ấn đáng kể. Ngay cả khi đã kết thúc nhiệm kỳ, Việt Nam cũng tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ với các vai trò như thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng kinh tế và xã hội Liên Hợp Quốc (2015-2019) và Hội đồng chấp hành UNESCO (2017-2021).

Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh, Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng: Đây là mức độ tự tin mới, tâm thế mới ở mức cao hơn của Việt Nam trong ngoại giao đa phương. Tôi nghĩ sự tự tin đó có ít nhất 3 cơ sở: Cơ sở thứ nhất chính là nền tảng thành công của ngoại giao Việt Nam, trong đó có ngoại giao đa phương trong thời gian vừa qua. Cơ sở thứ 2 chính là những kinh nghiệm cụ thể của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và đặc biệt trong Hội đồng Bảo an. Cơ sở thứ 3 là sự ủng hộ của các nước trong khu vực và các quốc gia ở ngoài khu vực.

Một dấu ấn rõ nét của Việt Nam trong công tác thúc đẩy giải pháp hòa bình năm 2019 là việc tổ chức thành công Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, một sự kiện cầu nối để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đối thoại và tiến gần hơn tới các vấn đề xung quanh tình hình hạt nhân Triều Tiên. Sự kiện đối ngoại này được dư luận quốc tế và khu vực đánh giá rất cao.

Nhà nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Giáo sư Carl Thayer, Australia khẳng định: Năm 2020 Việt Nam là thành viên không thường trực HĐBA LHQ và là Chủ tịch của ASEAN. Bản thân ASEAN luôn muốn đóng góp và hỗ trợ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, việc nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chọn gặp nhau ở Việt Nam trước khi các bạn làm Chủ tịch ASEAN cũng là sự gửi gắm vào ASEAN và Việt Nam với mong muốn ASEAN và Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Năm 2019, Việt Nam cũng tiếp tục tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc khi đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sang Nam Sudan - một trong những địa bàn nóng nhất trên thế giới hiện nay. Đây là đợt triển khai lực lượng tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc lớn nhất mà Việt Nam tham gia từ năm 2013.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, khẳng định: Kết quả to lớn nhất chúng ta đạt được có lẽ là nhận thức. Việc chúng ta đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến nam Sudan có ý nghĩa chính trị và mục tiêu hết sức rõ ràng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, đó là bảo vệ Tổ quốc từ xa. Chúng ta bảo vệ Tổ quốc bao hàm cả bảo vệ hòa bình. Thứ hai là nhận thức về bản lĩnh, con người, khả năng của quân đội Việt Nam. Và quan trọng nữa là qua đây, chúng ta nhận ra được cần phải học hỏi, bồi dưỡng, chuẩn bị thêm những gì để làm tốt nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

Cũng trong năm 2019, Việt Nam đã đón hơn 570 phái đoàn quốc tế, khoảng 1.700 đại biểu quốc tế đến tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019 (Vesak 2019). Qua sự kiện đối ngoại tôn giáo này, Việt Nam đã chuyển đi thông điệp mạnh mẽ: Vesak 2019 là dịp suy ngẫm về chân lý hòa bình, giảm thiểu xung đột, khổ đau của loài người, thúc đẩy tình hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia…Việt Nam luôn sẵn sàng là một thành viên tích cực thúc đẩy những giá trị nhân văn trong giáo lý và đạo đức của Đức Phật được hiện thực hóa, góp phần mang lại sự bình an, hạnh phúc cho nhân loại.

Khởi đầu cho chặng đường mới 2020, với việc đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo An ngay trong tháng 1/2020, Việt Nam có cơ hội đóng góp lớn hơn vào hoạt động của Liên Hợp Quốc. Trên cương vị của mình, Việt Nam cam kết theo đuổi những giá trị mục tiêu và nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, sẵn sàng làm việc với tất cả các quốc gia thành viên để giải quyết tất cả những thách thức mang tính truyền thống và phi truyền thống đối với toàn cầu./.

Minh Anh

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/doi-ngoai/dau-an-doi-ngoai-da-phuong-viet-nam-2019-546966.html