Dấu ấn Đàn chim Việt: Du học, cần lắm sự cần cù

Trong số đầu của chuỗi talkshow trực tuyến 'Chìa khóa du học Dấu ấn đàn chim Việt' vừa qua, ông Dimitry Trần - Đồng sáng lập công ty Harrison. AI cho biết 'Du học chính là đòn bẩy để tôi phát triển sự nghiệp sau này.'

Ông Dimitry Trần cùng em trai là Aengus Trần, với niềm đam công nghệ cùng áp dụng nền tảng xây dựng từ chuyến du học Úc, hiện tại là đồng sáng lập công ty Harrison.AI - startup trí tuệ nhân tạo (AI) về Y tế ngay trên đất Úc, thành công kêu gọi 20 triệu USD vốn đầu tư từ chuỗi bệnh viện Ramsay Health Care và nhiều quỹ mạo hiểm danh tiếng của thế giới.

Trước đó, ông giữ vai trò tư vấn chiến lược và là giám đốc sáng tạo tại Tập đoàn Y Tế Ramsay Healthcare, với hơn 200 bệnh viện tại Úc, Anh, Pháp, Malaysia và Indonesia.

Nếu… không đi du học

Ông Dimitry Trần chia sẻ, trước khi du học bản thân ông là “dân luyện gà” lớp chuyên Tin tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, với phương pháp học chỉ tập trung vào chuyên môn nhất định của mình. Điều đó đã trở thành lẽ thường trong nền giáo dục tại Việt Nam, khi thành tích của một học sinh được đánh giá chỉ dựa trên điểm số.

Ông Dimitry Trần - đồng sáng lập công ty Harrison.AI

Ông Dimitry Trần - đồng sáng lập công ty Harrison.AI

Và học lệch, hay học tủ, vẫn còn là một lối học phiến diện tạo nhiều hệ lụy không nhỏ về sau, nhưng vẫn là một “thói quen khó bỏ” trong hệ thống giáo dục. Cách học như thế tạo ra những lỗ hổng trong việc hoàn thiện nền tảng, tạo nên những tư duy rập khuôn, máy móc, thiếu tính sáng tạo và linh hoạt cho những kỹ năng khác.

Ảnh hưởng những quan điểm từ cách học có xu hướng thiên lệch, ông Dimitry cho biết “Khó khăn lớn nhất của bản thân khi đi du học đó là phải điều chỉnh định nghĩa thành công của mình”. Thời đó, các khái niệm về “kỹ năng mềm” vẫn còn khá mới đối với các du học sinh. Chỉ tập trung vào việc đạt được điểm cao trong trường lớp như tại Việt Nam, nhiều du học sinh đã phải “xây” lại từ đầu từ kiến thức, khái niệm thành công lẫn bộ kỹ năng cho mình. Cuộc sống của một du học sinh đã khiến ông nhận ra một điều: Điểm cao là một chuyện, cái chính khi đi làm người ta đòi hỏi là những kỹ năng mềm cơ bản, “liệu mình có khả năng giao tiếp hay khả năng đứng thuyết trình trước lớp hay không?”

Vì vậy, với ông Dimitry, du học là bước ngoặt đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, tạo bàn đạp cho sự nghiệp. Tìm cách để thích nghi, tự tìm kiếm để trang bị những kỹ năng cần thiết, mở rộng kết nối, gặp gỡ những người thầy đáng quý như ông Paul Ramsay và ông Kerry Goulston - Những người đã truyền cảm hứng cho Dimitry Trần bước vào lĩnh vực Y tế và thành công bây giờ.

Cần cù chắc chắn bù được thông minh

Để học tập và thành công ở Úc không phải là điều dễ dàng. Những rào cản về văn hóa, tâm lý, vốn ngôn ngữ chưa vững… khiến nhiều du học sinh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để bắt kịp bài học và giao tiếp. Ông Dimitry Trần cho biết: “Bài học lớn nhất tôi học được từ du học đó chính là sự siêng năng.”

Ông Dimitry Trần (thứ tư từ trái sang) cho biết “siêng năng” là chìa khóa để du học thành công.

Ông nhận định, các môi trường quốc tế thường dành những phần thưởng rất hậu hĩnh cho những người siêng năng. Từng trải qua nền giáo dục của cả Úc và Mỹ, ông Dimitry Trầnnhận thấy các quy cách giảng dạy và kiểm tra không mang tính đánh đố, kiến thức sẽ được hệ thống hóa từ giảng dạy sang các kỳ thi và áp dụng vào thực tế. Có thể nói đơn giản là “Học gì ra nấy”, và người học chỉ cần phải cố gắng và siêng năng hơn.

“Có thể mình chưa giỏi, mình chưa biết thuyết trình, tiếng Anh chưa tốt nhưng chỉ cần siêng hơn, chịu khó đọc và làm bài trước, khi làm việc nhóm xung phong nhận những việc khó và dành thời gian để đọc thêm tài liệu, thì việc thành công và có được kết quả tốt gần như là chắc chắn.”

Tuy nhiên, sự siêng năng không phải chỉ là mở sách vở ra và “học ngày học đêm”. Ông Dimitry nhấn mạnh, siêng năng để thành công phải là “work smarter, not harder”, phải siêng đúng cách, học đúng phương pháp. Sự siêng năng không được đánh giá bằng việc tới kỳ thi sẽ học cả cuốn sách bài giảng, mà biết chọn lọc, tìm hiểu, đào sâu vào đúng vấn đề cốt lõi.

Như ông Dimitry nói, siêng năng không phải là học hết, mà siêng năng là ở lại hỏi thầy cô sau giờ học phần nào quan trọng nhất, hay tìm hiểu và rút kinh nghiệm qua các anh chị khóa trên. Cách siêng năng đó vừa tiết kiệm được thời gian lại vừa đạt được hiệu quả cao.

Số thứ hai của chuỗi talkshow Chìa khóa du học - Dấu ấn Đàn chim Việt sẽ được tổ chức từ 11h30 ngày 11/04/2021. TS. Lý Quí Trung sẽ trò chuyện cùng ông Nguyễn Hải Đăng - Luật sư tư vấn và trạng sư được Tối cao pháp viện Australia và Tòa thượng thẩm tiểu bang New South Wales, Úc công nhận, với hơn 20 năm hành nghề tại Sydney, Úc.

Buổi trò chuyện sẽ xoay quanh chủ đề “Câu chuyện thành công của luật sư Việt trên đất Úc”, kể về chặng đường thành công của ông Nguyễn Hải Đăng trong lĩnh vực pháp lý; tìm kiếm những bài học thực tế, những khó khăn và thách thức của du học. Bạn trẻ cũng có thể tham gia thảo luận, hỏi đáp trực tiếp với TS. Lý Quí Trung và ông Nguyễn Hải Đăng. Đăng ký tham gia tại: https://isb.edu.vn/chia-khoa-du-hoc-dau-an-dan-chim-viet-so-2/

Kim Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/dau-an-dan-chim-viet-du-hoc-can-lam-su-can-cu-d185543.html