Dấu ấn đa sắc tộc của thể thao Nhật Bản tại Olympic Tokyo

Với VĐV Bóng rổ Rui Hachimura của tuyển Nhật Bản, Olympic Tokyo là bước ngoặt quan trọng. Không chỉ vì đây là lần đầu Bóng rổ Nhật trở lại với Thế vận hội kể từ năm 1976, mà còn đánh dấu sự công nhận dành cho các VĐV mang hai dòng máu được đại diện đất nước Mặt Trời mọc thi đấu tại Olympic.

Hachimura (số 8) thi đấu tại Olympic. Ảnh: Reuters

Hachimura (số 8) thi đấu tại Olympic. Ảnh: Reuters

Cũng như hầu hết các trận đấu của đội tuyển bóng rổ Nhật trong 2 năm qua, tại Olympic Tokyo, Rui Hachimura - cũng là tiền đạo của CLB Washington Wizards - gánh trên vai trách nhiệm dẫn dắt các đồng đội. Sự có mặt của Hachimura được xem là động lực thúc đẩy tinh thần và nâng chất cho đội tuyển Nhật. Hachimura đã làm tốt vai trò chủ công ghi điểm trong các trận đấu của đội bóng rổ xứ sở Mặt Trời mọc. Thế nhưng, thất bại cả 3 trận ngay tại vòng bảng của tuyển Nhật cho thấy khoảng cách giữa nền bóng rổ Nhật với các nước châu lục khác còn khá xa.

Dẫu vậy, với Hachimura, anh đã có thể thực hiện mơ ước của mình từ thuở nhỏ. “Thi đấu tại Olympic là giấc mơ thời thơ ấu của tôi. Đây là sự kiện thể thao lớn nhất và tôi tự hào khi được tham dự”, Hachimura nói. Trước khi trở thành ngôi sao bóng rổ hàng đầu Nhật Bản, Hachimura có một tuổi thơ trắc trở với những định kiến dành cho một cậu bé mang hai dòng máu Nhật Bản và Benin (mẹ người Nhật và cha là người Benin). Nhưng bóng rổ đã mang Hachimura bước ra ánh sáng, mặc dù môn thể thao ban đầu anh tìm đến là bóng chày. Hachimura cho biết: “Phải cảm ơn người bạn thời thơ ấu của tôi, anh ấy thật sự kiên trì khi liên tục rủ tôi đi chơi bóng rổ trong 2 tuần liền”.

Một sự thay đổi vô tình nhưng lại đưa đẩy Hachimura trở thành trụ cột tại CLB bóng rổ trường trung học. Trong màu áo Trường Trung học Meisei, Hachimura đã dẫn dắt các đồng đội vô địch giải đấu toàn Nhật Bản trong cả 3 năm trung học. Tài năng của Hachimura đã khiến cho những tuyển trạch viên Giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) chú ý. Ngay sau đó, Hachimura đã được đại học Gonzaga tại Washington mời nhập học vào năm 2016. Gonzaga là trường đại học có đội bóng rổ nam tham dự giải hạng Nhất của Hiệp hội Vận động viên các trường học quốc gia Mỹ (NCAA). Hachimura chia sẻ: Ở Nhật đôi khi tôi bị định kiến là người da màu. Đến Mỹ thì nhiều lúc tôi bị trêu là người da màu nhưng sao lại chỉ nói tiếng Nhật. Và rồi tôi phải tập làm quen với việc đó, tôi phải thay cảm giác bối rối vì sự khác biệt từ bản thân thành động lực phải chứng tỏ giá trị của chính mình.

Năm 2019 là dấu son đáng nhớ trong sự nghiệp của Hachimura khi anh trở thành cầu thủ đầu tiên của Nhật được tuyển chọn ở vòng đầu tiên của NBA Draft (ngày tuyển chọn tân binh của NBA) bởi CLB Washington Wizards. Hơn 2 năm tranh tài tại NBA, chàng trai 23 tuổi cũng đồng thời trở thành chổ dựa của đội tuyển bóng rổ Nhật. Thất bại tại Olympic không có gì bất ngờ, nhưng người hâm mộ Nhật đang kỳ vọng Hachimura cùng với Watanabe (đang thi đấu cho CLB Raptor ở Úc) sẽ giúp tuyển bóng rổ Nhật cải thiện thứ hạng (hiện đang đứng thứ 42 thế giới).

Trong đoàn thể thao Nhật Bản tham dự Olympic Tokyo có ít nhất 30 VĐV mang hai dòng máu trong tổng số 582 VĐV. Thế nên, cùng với ngôi sao quần vợt nữ Naomi Osaka (có cha người Haiti và mẹ người Nhật), Hachimura là một biểu tượng của xã hội đa chủng tộc mà Nhật Bản muốn thể hiện tại Thế vận hội. Hachimura đã được chọn cầm cờ đoàn thể thao Nhật Bản tại lễ khai mạc, trong khi Naomi Osaka là người cầm đuốc thắp sáng đài lửa Olympic.

LÊ NGUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dau-an-da-sac-toc-cua-the-thao-nhat-ban-tai-olympic-tokyo-a136493.html