Dấu ấn của những phó bí thư quân hàm xanh

Thời gian qua, việc đưa cán bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về cơ sở tham gia cấp ủy các xã biên giới là chủ trương đúng đắn, thiết thực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, quân đội và cấp ủy các tỉnh, thành có biên giới. Thực hiện chủ trương đó ở tỉnh Điện Biên và Sơn La đã góp phần quan trọng củng cố hệ thống chính trị, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng vùng biên ngày càng phát triển.

Nói dân nghe, làm dân tin

Theo giới thiệu của lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên, chúng tôi tìm gặp Đại úy QNCN Trần Ngọc Dũng, Đồn Biên phòng (BP) Thanh Luông. Vết sẹo dài như con rết trên khuôn mặt sạm đen là dấu tích trong một lần anh Dũng ra tay trấn áp tội phạm ma túy và bị thương tật mất sức lao động hơn 21%. Những tưởng tương lai đã khép lại, nhưng anh Dũng hồi phục và tiếp tục cống hiến trên cương vị mới-Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Luông, huyện Điện Biên.

Thiếu tá QNCN Lã Quý Bằng, Phó bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (giai đoạn 2017-2020) hướng dẫn dân bản trồng sa nhân tím.

Thiếu tá QNCN Lã Quý Bằng, Phó bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (giai đoạn 2017-2020) hướng dẫn dân bản trồng sa nhân tím.

Dẫn chúng tôi tham quan bản Hua Pe, đồng chí Trần Văn Tuân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Luông cho biết: “Hua Pe là bản 100% người Khơ Mú, mấy năm trước từng là bản đặc biệt khó khăn của xã nhưng giờ đây tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 4/28 hộ. Có được kết quả đó là nhờ áp dụng hiệu quả các mô hình, cách làm hay từ đề xuất của đồng chí Trần Ngọc Dũng”.

Được biết, với phương châm “trao cần câu hơn cho con cá” từ ngày nhận nhiệm vụ Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Luông, anh Dũng đề xuất với Hội nông dân xã mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho dân bản về ươm và trồng nấm, chăn nuôi gia cầm, gieo trồng các giống lúa có năng suất cao... Sau 5 năm, bản Hua Pe bứt phá đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) với thu nhập bình quân đạt 17-19 triệu đồng/người/năm. Trên cương vị Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Luông, nhiệm kỳ vừa qua, Đại úy QNCN Trần Ngọc Dũng cùng tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,4% năm 2016 xuống còn 8,9% năm 2020.

Cùng với đó, thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy Đồn BP Thanh Luông về phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, anh Dũng đã đăng ký giúp đỡ gia đình ông Lò Văn Đoàn, người vừa trở về sau 12 năm chấp hành bản án. Anh Dũng tự bỏ tiền lương của mình mua hàng trăm con gà, vịt, ngan giống tặng gia đình ông Đoàn để tăng gia sản xuất. Không chỉ xóa bỏ mặc cảm, đến nay, gia đình ông Đoàn từng bước thoát nghèo, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của địa phương.

Đại úy Vừ Quyền Mua, Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Sai, huyện Sông Mã hướng dẫn quần chúng khai lý lịch người xin vào Đảng.

Về huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, chúng tôi gặp Đại úy Vừ Quyền Mua, Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Sai. Năm 2016, thực hiện đề án “Bố trí chức danh cán bộ BĐBP tỉnh Sơn La tăng cường các xã biên giới” của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, anh Mua tăng cường về xã Mường Sai. Lúc ấy, Đảng bộ xã Mường Sai vẫn còn một bản chưa có chi bộ, đó là bản Co Đứa-bản người Mông có 100% hộ dân theo đạo Tin Lành. Anh Mua đã tham mưu cho Đảng ủy xã Mường Sai thành lập Chi bộ bản Co Đứa. Lúc đầu, Đảng ủy xã lâm thời lựa chọn đảng viên không phải người tại chỗ để thành lập chi bộ, đó là những đảng viên được tăng cường xuống cắm bản như giáo viên, lực lượng nghiệp vụ đang làm nhiệm vụ trên địa bàn... Cùng với phát hiện, tạo nguồn đảng viên, hằng ngày anh Mua đến tận nhà tuyên truyền, vận động quần chúng ưu tú tham gia bồi dưỡng cảm tình Đảng. Đến năm 2019, bản Co Đứa đã thành lập được chi bộ với 7 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên là con em của bản và là người theo đạo. Đến nay, 100% các bản của xã Mường Sai có chi bộ, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Không chỉ riêng anh Mua, anh Dũng mà đến các xã biên giới đặc biệt khó khăn ở hai tỉnh Điện Biên, Sơn La chúng tôi đều được lắng nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện để lại “dấu ấn” của các phó bí thư “quân hàm xanh” tăng cường xã.

Hiệu quả một đề án

Cách đây chưa lâu, chúng tôi có buổi làm việc với BĐBP tỉnh Sơn La. Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhấn mạnh, thực hiện đề án “Bố trí chức danh cán bộ BĐBP tỉnh Sơn La tăng cường các xã biên giới” của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, đến nay BĐBP tỉnh đã ban hành các quyết định điều động 17 đồng chí thực hiện tăng cường về các xã biên giới.

Sau gần 5 năm thực hiện, đề án đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, tạo tiền đề để các cán bộ BĐBP phát huy vai trò, chủ động tham mưu đề xuất nội dung, biện pháp xây dựng đảng, củng cố, kiện toàn các đoàn thể cơ sở; tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM. Từ năm 2016 đến nay, cán bộ BĐBP tăng cường xã đã cùng với cấp ủy phát hiện, bồi dưỡng 1.495 quần chúng ưu tú; trong đó, đã cử 849 quần chúng ưu tú tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng, 600 quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Cũng nhờ BĐBP tham gia làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp. Nhân dân các xã biên giới đoàn kết, tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế-xã hội.

Khu vực biên giới của tỉnh Ðiện Biên có 4 huyện, 29 xã, hơn 340 thôn, bản tiếp giáp với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Thời gian qua, trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy Điện Biên đã chỉ đạo Ðảng ủy BÐBP tỉnh phối hợp với 4 huyện biên giới (Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên, Nậm Pồ) đẩy mạnh thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về các xã biên giới. Ðảng ủy BÐBP tỉnh đã cụ thể hóa trong nghị quyết lãnh đạo, triển khai điều động 38 đồng chí cán bộ tăng cường cho 29 xã biên giới, trong đó có 29 đồng chí tham gia cấp ủy, giữ chức danh phó bí thư Đảng ủy các xã biên giới. Được biết, đến nay có 6 xã biên giới đạt chuẩn NTM. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được thực hiện hiệu quả. Trong thành công này, có “dấu ấn” đóng góp không nhỏ của các phó bí thư tăng cường xã.

Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên cho hay, việc tăng cường cán bộ biên phòng về cơ sở tham gia cấp ủy các xã biên giới đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn thể các xã biên giới; mối quan hệ giữa tổ chức đảng, chính quyền với nhân dân được củng cố; làm nền tảng vững chắc để xây dựng khu vực biên giới của tỉnh vững mạnh, ổn định và phát triển.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dau-an-cua-nhung-pho-bi-thu-quan-ham-xanh-655466