Dấu ấn của cảm thức lưu vong trong tiểu thuyết Nabokov

Mặc dù, 'Lolita' là cuốn sách của Nabokov được độc giả biết đến nhiều nhất, nhưng 'Pnin' đã tạo dựng danh tiếng cho ông với vai trò một nhà văn sử dụng ngôn ngữ Anh độc đáo.

Pnin là tiểu thuyết thứ 4 được viết bằng tiếng Anh của Nabokov. Từ khi bắt đầu xây dựng nhân vật Pnin, Nabokov đã có kế hoạch viết một loạt những câu chuyện về nhân vật này, để đăng trên tờ New Yorker, sau đó sẽ tập hợp lại thành một cuốn sách, nhằm đảm bảo thu nhập cho ông trong khi ông tìm cách liên hệ với các nhà xuất bản để in Lolita.

Khi Nabokov gửi bản thảo tiểu thuyết Pnin hoàn chỉnh cho vài nhà xuất bản của Mỹ vào mùa thu năm 1955, họ đã từ chối vì lý do là “quá ngắn”. Đến tháng 8/1956, Doubleday đã đồng ý xuất bản cuốn sách. Pnin chính thức có mặt trong các hiệu sách của nước Mỹ vào tháng 3 năm sau, và nhanh chóng nổi tiếng.

Tác phẩm tạo được cơn sốt trên đất Mỹ, biến Nabokov trở thành tác giả nổi tiếng. Ngay tuần thứ hai sau khi ra mắt, Pnin đã được tái bản và Nabokov được tạp chí Newsweek đánh giá là “một trong các nhà văn tinh tế nhất, hài hước nhất, cảm động nhất nước Mỹ ngày nay”. Pnin cũng được đề cử tranh giải National Book Award for Fiction năm 1958.

Tiểu thuyết Pnin của Nabokov với bản dịch Việt ngữ của Thiên Lương.

Tiểu thuyết Pnin của Nabokov với bản dịch Việt ngữ của Thiên Lương.

Pnin là câu chuyện về Timofey Pnin, một giáo sư lưu vong dạy tiếng Nga tại Waindell College ở New York. Tác phẩm đã tái hiện lại một bức tranh hài hước nhưng đầy sầu muộn của tri thức Nga lưu vong, giữa cuộc sống đầy những phức tạp trên đất Mỹ hiện đại thực dụng.

Nabokov rời quê hương sau khi kết thúc những năm thiếu niên. Năm 1919, ông cùng gia đình đã tới được nước Anh và theo học tại Trinity College, Đại học Cambridge. Nabokov thành công trong việc hòa nhập với đời sống mới bằng thứ ngôn ngữ tiếng Anh hoàn hảo. Ông là một những câu chuyện thành công trong hàng ngũ những kẻ tha hương. Nabokov không chỉ sống như một nhà văn bằng ngôn ngữ mới, ông còn là tác giả nổi bật của nền văn học Mỹ hiện đại.

Tuy nhiên, trước khi Nabokov đạt được vinh quanh, bản thân ông cũng đã trải qua những bi kịch cá nhân cay đắng. Cha của ông đã bị một người Nga lưu vong khác giết. Anh trai ông, Sergei, cũng chịu sự khổ nhục và cái chết đau đớn tại một trại tập trung của Đức.

Bi kịch của gia đình cũng khiến mối tình của ông với Svetlana Siewert tan vỡ. Sau này, cuộc hôn nhân của ông với Véra Evseyevna Slonim cũng đem lại rất nhiều khốn khó cho gia đình bởi gốc gác Do Thái của bà.

Ngày 19/5/1940, Nabokov đến Mỹ không phải để tìm kiếm danh vọng và sự giàu có mà bởi sự tuyệt vọng cuối cùng để trốn thoát Đức Quốc xã, khi chúng bước chân vào Paris chỉ vài ngày sau đó.

Trước khi đến Mỹ, Nabokov đã trải qua hai thập kỷ sống lưu vong như một người đàn ông không quê hương ở Đức và Pháp. Ông, cũng giống như vô vàn những nhà văn lưu vong của thế kỷ 20 như Thomas Mann, Elias Canetti, Aleksandr Solzhenitsyn, Isaac Bashevis Singer, Czesław Miłosz và Joseph Brodsky… quá thấm thía những nỗi đau thương, nhung nhớ và mất mát của kẻ buộc phải rời bỏ quê hương, đã cùng nhau tạo nên những tác phẩm văn chương đầy day dứt về lớp người lưu vong này.

Giáo sư Pnin chính là một nhân vật khơi dậy sống động hình ảnh của một tri thức lưu vong. Nabokov đã biểu đạt sắc sảo những trải nghiệm của bản thân, đồng thời thâm nhập vào nội tâm kín đáo của nhân vật một cách đầy tinh tế, trìu mến, đã tạo nên một người đàn ông loay hoay hòa nhập với đời sống mới, khi tâm tư trĩu nặng những ưu sầu hoài nhớ về cố hương.

Như thường lệ, Nabokov thể hiện sự vượt trội của mình về chi tiết. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, ông đặc biệt nhấn nhá với những khoảnh khắc xúc cảm bất chợt rung động của Pnin, đột ngột xen giữa những cảnh huống hài hước.

Như trong chương một của cuốn tiểu thuyết, sau những đoạn khiến khán giả bật cười vì sự “khờ khạo” của Pnin, trong cách ông đi nhầm tàu, cách ông phát âm tiếng Anh không rõ từ… chính là nhấn vào trạng thái cảm xúc của “Chút rờn rợn bắt nguồn từ cơn đau mới đây đang lôi cuốn sự chú ý mê hoặc của ông. Nó chỉ kéo dài vài nhịp tim”.

Cơn đau tim xuất hiện trong rất nhiều khoảnh khắc của cuộc đời Pnin. Liền sau đó là vô vàn những ảo ảnh của mất mát, chết chóc, chia lìa, buồn thảm xuất hiện trước mắt ông.

Chương một kết thúc ở đó, đầy nỗi buồn, và cũng chính là cánh cửa mở ra cho độc giả nhận diện về Pnin, một người đàn ông đầy những xúc cảm, suy tư và tử tế.

Ở những chương sau, hình thức câu chuyện vẫn diễn ra theo cách đó. Giữa những tình huống mắc kẹt của Pnin, Nabokov cho thấy sự thất bại của ông với cuộc sống ở Mỹ, bằng một chất văn chương nhiều nét châm biếm, hóm hỉnh nhưng cũng sâu thẳm nhiều cảm động.

Tâm hồn Pnin hoàn toàn khác biệt so với vẻ ngoài xấu xí, già nua, thất bại của ông. Tâm hồn Pnin là một tâm hồn đẹp đẽ, hoài vọng, lưu giữ những nét quyến rũ cố hữu của người Nga.

Cái cách ông đối xử với người vợ cũ, và cách ông chăm sóc Victor, con trai của vợ đã làm bật lên tính tử tế, ấm áp sâu xa của một tâm hồn đẹp. Hình ảnh Pnin rất ngốc khi nói tiếng Anh, nhưng lại trở nên sắc bén trong những tranh luận về văn chương Nga, ngôn ngữ Nga, về Lev Tolstoy hay Dostoyevsky….

Pnin sống ở Mỹ, nhưng lại đắm chìm trong một không gian nước Nga mộng mơ cũ kỹ. Nước Nga ấy cắm rễ sâu trong lòng ông, thường tấn công ông bằng nỗi nhớ quặn thắt, bằng lòng hoài nghi buốt nhói.

Pnin trên đất Mỹ cũng là hình ảnh một kẻ không nhà. Ông “lang thang” từ nhà trọ này tới nhà trọ kia. Với những phòng trọ đầy sách vở, ông vẫn cặm cụi học, đọc và dạy cái thứ tiếng đang ngày càng “hèn mọn”.

Cho đến chương cuối cùng, ông tìm được một ngôi nhà nhỏ, ở đó, ông bày biện nó giống như ngôi nhà trong giấc mơ của mình. Ngôi nhà nhỏ với những món đồ ấm áp mà ông từng khao khát có được từ những ngày còn ở quê nhà. Rốt cuộc, cuộc đời ông sau đó vẫn là phải không quê hương, không nhà ở.

Tiểu thuyết Pnin, cũng như hầu hết các tiểu thuyết của Nabokov đều ẩn giấu đầy những ẩn dụ, những lớp lang. Câu chuyện về một người đàn ông tha hương, hay là câu chuyện về một tâm hồn chỉ còn ký ức để trú ngụ, là sự cô đơn, lạc loài, hay chính là sự bất hạnh của thế hệ, trước những biến động của lịch sử. Tâm hồn sâu thẳm của con người vẫn là điều Nabokov cần mẫn khai mở.

Bối cảnh chính trong Pnin cũng là bối cảnh của biết bao nhiêu tri thức châu Âu khi đối diện với nền văn minh thực dụng của đất Mỹ, đã được nhìn nhận rõ trong môi trường đại học. Ở đó những người lưu vong hoài nhớ quá khứ của mình một cách bệnh hoạn, đầy cao quý nhưng đầy mộng du.

Môi trường đại học giống như một xã hội thu nhỏ, trong đó hành vi xã hội và chính trị có thể được quan sát rõ ràng trong mối tương tác của các nhân vật. Từ đó tạo ra những tình huống hài hước, đồng thời làm bật lên tâm tư yếu đuối của mỗi con người, trong xúc cảm lưu vong.

Nabokov là một thiên tài văn chương, vẫn luôn khiến độc giả thán phục bởi cách ông làm tỏa sáng những điều “nhỏ bé”. Pnin đượcviết quanh quẩn xung quanh một người đàn ông tầm thường là thế, nhưng lại là một cuốn tiểu thuyết khơi dậy lòng cảm động sâu sắc. Chính tình cảm là thứ đã khiến người đàn ông bình thường Pnin tỏa sáng. Tình cảm là thứ khiến độc giả say đắm tiểu thuyết Pnin.

Một người đàn ông tầm thường, có thể lẫn với vô vàn người trong đám đông, nhưng Nabokov đã lưu giữ Pnin lại, thâm nhập sâu vào thế giới tâm hồn ông, và tạo nên một kiệt tác văn chương buồn bã nhưng đẹp đẽ và dịu dàng về một con người.

Pnin là tác phẩm có vị trí quan trọng trong văn nghiệp của Nabokov.

Tiểu thuyết Pnin có tiền thân là một truyện ngắn, được sáng tác sau khi Nabokov hoàn thành cuốn tiểu thuyết độc đáo và đầy tranh cãi, Lolita. Với sự ám ảnh không dứt về thế giới đen tối của Humbert trong Lolita, Nabokov tạo ra Pnin. Nhân vật đó là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với Humbert.

Nếu Humbert đẹp trai quyến rũ, tiếp xúc với người vợ của mình chỉ với mục đích “gần gũi” cô con gái Lolita vừa 12 tuổi, thì Pnin lại là một người đàn ông xấu xí, có phần khờ khạo, nhưng tử tế, ấm áp. Cách Pnin đối xử với người vợ cũ hay cậu con trai của vợ, cũng đầy dịu dàng. Đó là cách Pnin tạo nên sự ấm áp.

Nỗi ám ảnh của Humbert chính là sự thèm khát, nỗi ám ảnh của Pnin là sự hoài nhớ… Ở họ là tất thảy đối lập, nhưng Nabokov dựng nên hai thế giới đối lập ấy đều từ một vẻ đẹp lộng lẫy, ám ảnh đến mức cực đoan. Cuối cùng, Pnin hay Humbert đều phải chịu đựng bi kịch, từ chính nỗi ám ảnh của họ, đầy khắc khoải nhưng luôn thật đẹp.

Nabokov đã từng chia sẻ rằng, trong Pnin ông đã tạo nên một nhân vật hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trong cuốn sách nào khác của ông. Pnin là một người đàn ông thuần khiết, có đạo đức, lòng can đảm. Ông là một học giả, một người bạn trung thành, một người yêu sâu nặng. Với Nabokov, Pnin là một sự an ủi.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dau-an-cua-cam-thuc-luu-vong-trong-tieu-thuyet-nabokov-post800132.html