Dấu ấn chiến tranh trong các tác phẩm văn học Việt Nam

Chiến tranh đã đi qua nhưng dấu ấn của đề tài này trong văn chương Việt Nam chưa bao giờ nguội lạnh.

Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh

Nỗi buồn chiến tranh đã giành được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 và giải thưởng Châu Á năm 2011.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh xoay quanh hồi ức đứt đoạn của một người lính về chiến tranh và một thời tuổi trẻ sống, chiến đấu trong bom đạn. Cuộc sống của anh chìm đắm trong chiến tranh khi không thể dứt ra khỏi những cơn dằn vặt việc anh là người sống sót duy nhất của một trung đội trinh sát.

Không chỉ viết về chiến tranh, tác phẩm còn là sự chứng thực của những biến động xã hội mà người Việt Nam phải trải qua sau những năm tháng chiến đấu vì tự do.

Bảo Ninh, tên thật là Hoàng Ấu Phương, ông tham gia quân ngũ năm 1960 và chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Sau khi giải ngũ, ông tập trung vào con đường viết văn chuyên nghiệp. Ngoài tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh viết năm 1990, Bảo Ninh còn có hai tập truyện ngắn nổi tiếng cũng viết về chiến tranh là Trại bảy chú lùnGió dại.

Nỗi buồn chiến tranh được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua. Cuốn sách đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 và giải thưởng Châu Á năm 2011.

Cuốn sách cũng đã được dịch sang tiếng Anh với tựa đề The Sorrow of War ra mắt năm 1994, đến nay đã được dịch ra hơn 10 ngôn ngữ, và là một trong số ít tác phẩm Việt Nam được đánh giá cao ở các nước trên thế giới.

Quân khu Nam Đồng - Bình Ca

Quân khu Nam Đồng là một hiện tượng xuất bản của văn học Việt Năm năm 2015.

Quân khu Nam Đồng kể về khu tập thể nhà binh lớn nhất của thủ đô Hà Nội, một khu gia binh điển hình và là một đại gia đình quân nhân thu nhỏ của thời chiến.

Tại khu tập thể Nam Đồng, 500 gia đình cán bộ quân đội và 70 vị tướng sinh sống và hoạt động. Tác giả Bình Ca là một nhân chứng sống của đời sống chiến tranh nơi đây, từ những lo toan trăn trở của người lớn cho đến cuộc sống sinh hoạt của lớp trẻ thấp thoáng tình yêu và tình bạn.

Tác phẩm được viết bằng bút pháp hiện thực, vừa dí dỏm, vừa tự nhiên, dựa trên những tư liệu có thật mà không cường điệu cuốn hút người đọc. Cuốn sách dày hơn 400 trang nhưng không có một nhân vật cố định. Thay vào đó, mỗi chương gồm nhiều câu chuyện nhỏ kể lại bằng lời của các nhân vật, tất cả góp lại thành một câu chuyện mạch lạc và giàu ý nghĩa.

Quân khu Nam Đồng mới chỉ được xuất bản năm 2015, là cuốn sách đầu tay của tác giả Bình Ca nhưng đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà văn lớn và là hiện tượng xuất bản của năm.

Bộ 3 tác phẩm Quê nhà, Quê người, Mười năm - Tô Hoài

Bộ ba Quê nhà, Quê người và Mười năm đã giúp Tô Hoài nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.

Bộ ba tiểu thuyết Quê nhà, Quê người Mười năm viết về ba khoảng thời gian khác nhau, ba hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng là sự nối tiếp trong mạch chảy câu chuyện mà Tô Hoài đã tái hiện lại của cùng một vùng quê.

Quê nhà viết về cuộc chiến đấu của những người anh hùng vô danh vốn chỉ quen với việc cày cấy, nhưng một khi thực dân Pháp xâm lược, họ sẵn sàng đứng dậy bảo vệ vùng đất yên bình của mình.

Quê người vẫn là hình cảnh làng quê nghèo đói ấy, nhưng những con người phải sống tha hương, chơ vơ lạc lối trên chính mảnh đất quê nhà. Mười năm tái hiện không khí hào hùng của mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Tô Hoài đến nay đã hoạt động hơn 60 năm trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, tiểu luận, kịch bản phim. Ba tác phẩm Quê nhà, Quê người Mười năm đã mang về cho Tô Hoài vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1.

Bất khuất - Nguyễn Đức Thuận

Bất khuất là một cuốn tự truyện của một người chiến sĩ bị tra tấn suốt 8 năm trời nhưng vẫn không chịu khuất phục.

Bất khuất là cuốn tự truyện của một người chiến sĩ với sức chịu đựng phi thường, bị tra tấn suốt 8 năm trời nhưng vẫn không khuất phục.

Cuốn sách thuật lại toàn bộ thời gian Nguyễn Đức Thuận bị bắt và chịu tù đày từ nhà tù Sơn La đến Côn Đảo. Ngày ngày, ông phải chịu đủ mọi cực hình, từ đánh đập, bỏ đói bỏ khát cho đến nhốt chung với cọp. Tác giả đã cho chúng ta thấy hình ảnh một người anh hùng thực sự.

Nguyễn Đức Thuận (1916-1985) nguyên là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngày 4/2/2008 ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bất khuất là cuốn sách duy nhất của Nguyễn Đức Thuận được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 4/1967 với hơn 200 nghìn bản in tại miền Bắc. Cuốn sách đến nay đã được dịch ra hơn 5 thứ tiếng khác nhau. Bất khuất một thời đã từng được coi như cuốn sách gối đầu giường của nhiều người Việt và được đưa vào hệ thống giáo dục.

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 - Trần Mai Hạnh

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã giành được giải thưởng Văn học năm 2015 của các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 phác họa lại hình ảnh những tướng lĩnh quân đội Sài Gòn trong bốn tháng cuối cùng của chiến tranh năm 1975. Từ những tư liệu có thật thu thập được, Trần Mai Hạnh đã tạo nên một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử tái hiện lại trung thực những gì đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam cộng hòa.

Tác giả Trần Mai Hạnh vốn là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam hoạt động tại chiến trường miền Nam. Ông được cử trở thành phóng viên đặc biệt tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để ghi lại những thời khắc gian nan nhất cũng như hào hùng nhất của quân đội Việt Nam.

Năm 2015, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã được tôn vinh trong giải thưởng dành cho các nhà văn, nhà thơ khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Giải thưởng văn học ASEAN. Tác phẩm cũng nhận được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2014 cho hạng mục văn xuôi. Tháng 4/2017, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh nhằm kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thu Hoài

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dau-an-chien-tranh-trong-cac-tac-pham-van-hoc-viet-nam-post766024.html