Dấu ấn chiến sĩ 'sao vuông' ở vùng lũ

Trong đợt lũ lớn xảy ra ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) ở các xã, thị trấn đã được huy động tối đa để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả.

Đặc biệt ở những địa bàn bị mưa lũ cô lập, chia cắt về giao thông, thông tin liên lạc thì những chiến sĩ “sao vuông” trở thành điểm tựa giúp dân vượt qua khó khăn.

Trong những ngày qua, chính quyền địa phương huyện Kỳ Sơn huy động tối đa lực lượng, nguồn lực để giúp nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử. Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ ở những đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn, lực lượng DQTV tại bản làng thuộc thị trấn Mường Xén và các xã cũng đóng góp vai trò vô cùng quan trọng.

Lượng dân quân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An phối hợp giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Ảnh: Tùng Trí

Xã biên giới Tà Cạ với dân số nằm phân bố chủ yếu dọc theo bờ sông Nậm Mộ, trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều bản làng như Na Nhu, Hòa Sơn, Cầu Tám… bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Nhiều nhà dân, công trình phúc lợi xã hội tại các bản bị lũ, sạt lở đất đe dọa, trong khi mọi phương án hỗ trợ ứng cứu từ bên ngoài gần như vô vọng. Thời điểm đó, các chiến sĩ dân quân vốn là con em của bản làng đã trở thành điểm tựa, tổ chức lực lượng tại chỗ để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Mưa lũ qua đi, ngôi nhà kiên cố của gia đình anh Moong Phò Ón, bản Hòa Sơn, đã bị vùi lấp gần như hoàn toàn. Trong sự lo âu, xót của, nhưng khi điềm tĩnh trở lại, anh Ón chia sẻ: “Khi trời mưa to kéo dài, nhà có nguy cơ bị đất sạt lở vùi lấp, anh em dân quân, bà con địa phương đã đến di chuyển được một số tài sản ra ngoài. Họ cũng động viên, rồi kiên quyết bắt chúng tôi rời khỏi ngôi nhà của chính mình đến nơi an toàn. Dù xót của nhưng tôi cũng chấp nhận làm theo và chỉ một thời gian ngắn khi mọi người rời đi thì ngôi nhà đã bị đất đá vùi lấp”. Đã nhiều ngày nay, anh Moong Văn Thuận, Tiểu đội trưởng dân quân bản Na Nhu, xã Tà Cạ, vẫn cùng đồng đội và nhân dân nỗ lực giúp các gia đình có nguy cơ sạt lở tháo dỡ nhà cửa chuyển đến vị trí mới. Mặc dù nằm sát bờ sông Nậm Mộ nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên trong đợt mưa lũ vừa qua, bản Na Nhu không có tổn thất về người cũng như tài sản lớn. Tuy nhiên, khi nước lũ trên sông Nậm Mộ rút xuống khiến cho bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, 18 ngôi nhà của dân bên bờ vực có nguy cơ bị cuốn trôi khi xảy ra đợt mưa lũ mới. Trong khi các lực lượng khác của địa phương đang được điều động đến các bản làng bị thiệt hại nặng hơn để giúp dân khắc phục hậu quả thì anh Moong Văn Thuận cũng đang tổ chức lực lượng dân quân tại chỗ cùng với bà con trong bản khẩn trương tháo dỡ những căn nhà có nguy cơ đổ sập. “Trong lũ, bản bị cô lập hoàn toàn, mình cùng những anh em dân quân khác đã túc trực ở những địa điểm xung yếu hỗ trợ nhân dân, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về tính mạng nhân dân. Lũ rút, nhiều ngôi nhà trong bản đang có nguy cơ đổ sập, không còn cách nào khác nên đã kêu gọi, tập trung nhân dân toàn bản để giúp đỡ các gia đình tháo dỡ nhà cửa chuyển đến nơi an toàn, nhằm tránh xảy ra những thiệt hại đáng tiếc”anh Moong Văn Thuận chia sẻ.

Do các bản làng, khu dân cư của xã Chiêu Lưu nằm phân tán trên diện tích tự nhiên rộng lớn, địa hình đồi núi dốc, sông suối chia cắt phức tạp nên trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều bản làng bị cô lập, nhiều trục đường giao thông liên thôn, xã bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng. Trên địa bàn của xã không có các đơn vị vũ trang đóng quân, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ chủ yếu dựa vào lực lượng tại chỗ. Trong nhiều ngày qua, 40 chiến sĩ dân quân của xã đã bám địa bàn để hỗ trợ nhân dân vượt qua thiên tai, ổn định cuộc sống. Trước cũng như trong khi mưa lũ, lực lượng dân quân được chia làm nhiều tổ công tác khảo sát địa bàn xung yếu của toàn xã để tiến hành di dời người, tài sản của hàng chục hộ dân ra khỏi vị trí nguy hiểm. Chốt chặn ở những đoạn đường, sông suối có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, kiên quyết không để nhân dân qua lại nhằm bảo đảm tính mạng. Sau lũ, họ tiếp tục là lực lượng nòng cốt hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Theo Trung tá Trần Võ Việt, Trưởng ban Dân quân (Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An): “Trong đợt mưa lũ diễn ra ở địa bàn phía tây Nghệ An, cùng với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang, chúng tôi đã huy động hơn 2.000 lượt chiến sĩ dân quân của các địa phương. Trong đó, tại huyện Kỳ Sơn, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất đã có khoảng 600 lượt chiến sĩ tham gia; họ thực sự là lực lượng tại chỗ kịp thời nhất hỗ trợ nhân dân tại các bản làng bị lũ cô lập, chia cắt. Những đóng góp âm thầm của họ đã góp phần giúp nhân dân giảm được sự thiệt hại và sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống”.

VIẾT LAM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dau-an-chien-si-sao-vuong-o-vung-lu-547513