Dấu ấn cá nhân qua từng bài viết

Đối với mỗi nhà báo, được bạn đọc và cơ sở 'chọn mặt gửi vàng' là điều rất đáng hãnh diện. Tôi may mắn có được niềm hãnh diện đó cho mình khi không ít lần được bạn đọc và cơ sở gửi lời tri ân…

Nhiều nhà báo nói, viết về mảng an ninh trật tự dễ, người viết gần như chỉ cần tường thuật lại vụ việc một cách thuần túy sau khi được CQĐT cung cấp thông tin hoặc nghe nhân chứng kể lại. Những tình tiết như thời gian, địa điểm, cách thức, công cụ hoặc mục đích, nguyên nhân của vụ án sẽ tuần tự được người viết đưa ra. Nhưng thực tế, điều đó có đúng không? Và viết như vậy, bài viết có giá trị không? Hay là viết ra, bạn đọc chỉ nhặt một vài thông tin rồi cả bài báo bị trôi tuột?

Quá trình làm báo, gắn bó lâu năm với mảng an ninh trật tự- pháp luật, tôi thấy bài viết về mảng này nếu chỉ có nội dung thông tin thuần túy sẽ không níu được bạn đọc. Bởi lẽ, nhu cầu của bạn đọc, hầu hết họ chỉ quan tâm đến những vụ án nóng, gây xôn xao dư luận. Mà số vụ như vậy là không nhiều; hơn nữa báo nào, trang thông tin nào cũng có, cũng tập trung tối đa khai thác. Và ưu thế thông tin thường thuộc về một số tờ báo của ngành công an- điều đó là hiển nhiên.

PV trong một lần tác nghiệp tại CA quận Hà Đông. Ảnh: L.A

PV lấy gì để níu bạn đọc? Nói cách khác, làm cách nào để bạn đọc nhớ đến báo mình; thậm chí nhớ tên mình là điều rất khó. Bởi, khi làm được điều khác biệt, riêng biệt, thậm chí phải là “hơn những tờ khác” với cùng một nội dung thông tin. Điều này đòi hỏi người viết bài phải đào sâu, tự đặt ra cho mình mục tiêu thông tin và cái đích cuối cùng của bài viết mà mình hướng đến là gì? Ngoài thông tin cốt lõi, điều gì mình muốn gửi gắm đến bạn đọc? Muốn vậy, người viết cần có ý tưởng, đề cương sẵn. Và quá trình viết bài cũng như phần cuối bài viết, tác giả lần lượt đưa ra thông điệp muốn đưa ra.

Đã qua rồi cái thời viết về một vụ án là nhất nhất phải có các chi tiết: Hung thủ lấy gì gây thương tích cho nạn nhân? Hành động như thế nào… Lấy ví dụ, hung thủ cầm dao đâm nạn nhân thì phải là đâm bao nhiêu nhát, đâm vào đâu, thương tích như thế nào? Người nhà, hàng xóm bàng hoàng ra sao…

Cách viết này vừa gây hiệu ứng xấu, thậm chí phản cảm, vừa khiến bài viết mất đi giá trị; tuy thỏa mãn sự hiếu kỳ của một số ít bạn đọc nhưng biến bài báo không khác gì tường thuật một cuộc khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm hiện trường của CQCA rồi ghi chép lại. Nhà báo có nhiệm vụ vừa cung cấp thông tin chính xác đến bạn đọc nhưng bài báo mình viết ra phải mang đến cho độc giả nhiều ý nghĩa khác nữa như giá trị định hướng, cảnh báo dư luận…

Trong quá trình tác nghiệp và viết về các vụ án, nội dung chi tiết và chuẩn xác của vụ án tất nhiên là vấn đề tôi quan tâm nhất. Tôi thường hỏi sâu, hỏi kỹ các điều tra viên về những góc khuất trong từng vụ cụ thể nhưng không bao giờ đưa hết những thông tin mình có được vào bài viết. Tôi xác định, không nhất thiết phải “chạy xô” theo báo bạn để đưa bằng được chi tiết này, chi tiết kia vào bài nếu cân nhắc thấy điều đó là không cần thiết.

Khi viết, tôi cân nhắc từng câu chữ, từng hình ảnh của nạn nhân, thậm chí là hình ảnh của đối tượng. Có không ít trường hợp, tuy đối tượng có hành vi phạm tội nhưng tôi lại không chụp ảnh hay dùng ảnh của người đó mà dùng hình ảnh khác thay thế bởi dù những người này có gây án thì đứng sau họ vẫn là một gia đình.

Đã từng có ông bố, bà mẹ khi nghe con gây án, họ bị sốc dẫn đến đột quỵ, đau tim, tai biến… Nếu nhìn thấy ảnh con mình trên mặt báo với những nội dung về hành vi vi phạm pháp luật của con, họ sẽ càng đau khổ và bệnh nặng hơn… Đưa ảnh đối tượng dù không sai nhưng cũng nên cân nhắc, thận trọng. Đưa tin vụ án kịp thời là quý nhưng nếu chưa chắc chắn thông tin, tôi sẵn sàng chậm một nhịp so với nhiều đồng nghiệp khác, đổi lại thông tin của tôi là chuẩn xác; tránh việc phải đính chính hay cải chính thông tin về sau này.

Các bài viết của tôi về vụ án, tôi chọn lựa chọn từ ngữ phù hợp, không quá cực đoan để vừa đảm bảo nội dung thông tin đầy đủ, vừa mang đến cho bạn đọc cái nhìn nhiều chiều về đối tượng, nạn nhân, nguyên nhân gây án. Thêm nữa, tôi luôn cố gắng lồng ghép những nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong bài viết- là nội dung chính và cũng là nhiệm vụ chính của báo PL&XH như: cảnh báo do điều tra viên đưa ra, bài học cho mỗi người để hướng tới ý thức pháp luật và hành vi tuân thủ pháp luật….

Sau mỗi tình huống, mỗi vụ việc pháp luật mình thực hiện, tôi đều xâu chuỗi, tổng hợp lại những bài học quý cho bản thân, từ đó xây dựng cho mình thế giới quan, nhân sinh quan bao quát hơn, toàn diện hơn, đúng đắn hơn.

Và tôi đã từng có không ít may mắn, thậm chí là hãnh diện khi được bạn đọc, đơn vị cơ sở giới thiệu bằng sự tin yêu, quý trọng. Tôi nhớ có lần đi cùng một số đồng nghiệp, trong đó có cả đồng nghiệp báo của ngành CA đến CA phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng xin thông tin một vụ trộm cắp tài sản sau khi bài viết về một vụ cướp giật tài sản cũng do CA phường này tiếp nhận hồ sơ ban đầu được chúng tôi thực hiện vừa lên trang.

Tại buổi làm việc, Trung tá Nguyễn Bá Vệ - khi đó là Trưởng CA phường Lê Đại Hành nói rằng: “Trong những bài tôi đọc về vụ việc xảy ra tại phường, tôi ấn tượng nhất với bài viết của báo PL&XH vì bài viết đó nêu được nhiều hơn các báo khác ở chỗ đã đưa ra được những cảnh báo chuẩn xác - thứ bạn đọc cần hơn cả sau phần nội dung thông tin chính. Điều này, tôi chỉ thấy có ở báo PL&XH mà thôi…”.

Câu nói đó là sự công tâm của đơn vị cung cấp thông tin. Và những lời nói như vậy cũng thể hiện rằng, bài viết chỉ có sự khác biệt và làm người khác nhớ đến khi có dấu ấn cá nhân. Mỗi người cầm bút nên tìm tòi, sáng tạo để có lối thể hiện sinh động qua mỗi bài viết và nên nhớ: Dù cách thức làm báo có thay đổi, lối tiếp nhận thông tin của bạn đọc có đổi thay nhưng những bài viết hay, ấn tượng, sâu sắc thì sẽ ở lại mãi trong lòng bạn đọc…

Điệp Quyên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/dau-an-ca-nhan-qua-tung-bai-viet-117436.html