Dấu ấn ba năm, tầm nhìn chiến lược

Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 'Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội' là nghị quyết chuyên đề đặc biệt và rất thành công của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XVI. Tạo nên dấu ấn đậm nét qua 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã cho thấy tầm nhìn chiến lược, bài học sâu sắc về ban hành văn bản chỉ đạo bám sát cuộc sống.

Tuyên truyền, đối thoại để giải quyết các khiếu nại, tố cáo là giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại với người dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, ngày 17-7-2020.

Bài 1: Một chủ trương đúng đắn

Từ nguyên nhân ra đời đến nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết số 15-NQ/TU “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” (Nghị quyết 15) đã cho thấy tính chất đặc biệt quan trọng. Đây là một chủ trương đúng đắn xuất phát từ đòi hỏi bức thiết của đời sống và là sự sáng tạo đặc biệt của Đảng bộ Thủ đô.

Bám sát hơi thở cuộc sống

Cách đây hơn 3 năm, ngày 15-4-2017, tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, khi thực hiện lệnh bắt 4 người để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất quốc phòng trên địa bàn, một số người dân đã tổ chức bắt giữ trái phép 38 cán bộ và các chiến sĩ công an đang thực thi nhiệm vụ, gây rúng động dư luận. Các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp vận động, thuyết phục, nhưng phải 7 ngày sau, khi lãnh đạo thành phố về tận nơi đối thoại, nhóm người này mới chịu thả người.

Nhớ lại thời điểm đó, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương cho biết, không chỉ để mất an ninh trật tự trên địa bàn, Đảng bộ xã Đồng Tâm khi ấy đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Đảng trong quản lý cán bộ, đảng viên. Có thời điểm đã buông lỏng, bỏ mặc trong lãnh đạo, quản lý, điều hành nhiều nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, “điểm nóng” Đồng Tâm đã thôi thúc thành phố phải làm ngay việc rà soát, đánh giá toàn diện tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chất lượng tổ chức cơ sở Đảng ở xã, phường, thị trấn. Ngoài Đồng Tâm, thời điểm đó Hà Nội còn 16 vụ việc phức tạp khác có nguy cơ bùng lên thành “điểm nóng”. Đó là các vụ việc liên quan đến dự án xây dựng đường Vành đai II đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Mai Động (quận Hai Bà Trưng); Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì); khiếu kiện ở xã Cổ Đô (huyện Ba Vì); dự án Nghĩa trang Bãi Xém (quận Long Biên); giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy Bia châu Á - Thái Bình Dương (huyện Thường Tín); chính sách đất dịch vụ liên quan đến hai xã An Khánh và Lại Yên (huyện Hoài Đức); dự án trồng rau sạch tại xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên)... Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, 30 quận, huyện, thị xã, các ban đảng Thành ủy đã cùng vào cuộc và xác định đây là việc cần thiết và phải làm nhanh, chính xác để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Kết quả rà soát, phân tích, tổng hợp đã được cụ thể hóa trong Báo cáo số 102-BC/BTCTU ngày 2-6-2017 của Ban Tổ chức Thành ủy. Qua đó, 200 vụ việc phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến địa bàn 164 xã, phường, thị trấn (chiếm 28% tổng số xã, phường, thị trấn của thành phố) được thống kê, phân tích cụ thể. Báo cáo đã đưa ra bức tranh chân thực về tình hình an ninh, trật tự ở xã, phường, thị trấn, giúp Ban Thường vụ Thành ủy có cái nhìn tổng thể về vai trò và năng lực của các tổ chức cơ sở Đảng trên toàn thành phố.

Theo phân tích của Ban Tổ chức Thành ủy, phần lớn các vụ việc liên quan đến 3 lĩnh vực: Quản lý đất đai (83 vụ việc chiếm 41,5%), giải phóng mặt bằng (55 vụ việc chiếm 27,5%) và quản lý trật tự xây dựng (26 vụ việc chiếm 13%). Còn lại là các vụ việc liên quan đến các lĩnh vực như môi trường; tôn giáo; chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng xã hội hóa… Đây là cơ sở thôi thúc Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy phải có giải pháp chỉ đạo quyết liệt, không để xảy ra thêm một vụ Đồng Tâm thứ hai.

Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một nội dung trong các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt Chi bộ thôn 1, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng).

Đáp ứng mong đợi của cán bộ, đảng viên

Sau thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, ngày 4-7-2017, Nghị quyết 15 chính thức được ban hành, đề ra mục đích, yêu cầu và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đảng viên Lê Trung Kính (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm, tôi tin Thành ủy Hà Nội sẽ có chỉ đạo mang tính đột phá. Nghị quyết 15 ra đời đáp ứng mong đợi ấy, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và một Thủ đô bình yên”.

Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy nhìn nhận: “Cái hay của Nghị quyết 15 là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ràng buộc trách nhiệm của cấp ủy, cá nhân người đứng đầu cấp ủy”. Cụ thể, Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy và cấp ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy phải chịu trách nhiệm về công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; chủ trì chỉ đạo giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Ngoài ra, các cấp ủy Đảng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo đảm an ninh trật tự; công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết thỏa đáng những vấn đề dân sinh bức xúc thuộc thẩm quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến đại bộ phận cuộc sống người dân trên địa bàn, làm tăng niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp... Đảng viên Lê Quốc Ân, xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) nhận định: “Nghị quyết chỉ dài 7 trang, nhưng thực sự là cẩm nang để cấp ủy, chính quyền thực hiện củng cố, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, khi được Bộ Chính trị phân công về công tác tại Hà Nội (từ ngày 7-2-2020), trong quá trình tìm hiểu về những điểm đặc trưng nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy từ đầu nhiệm kỳ khóa XVI đến nay, ngay lập tức đã ấn tượng về nội dung của Nghị quyết 15. Đây chính là “đặc sản” của Hà Nội - một chủ trương rất đúng và trúng, có tầm nhìn chiến lược. Do đó, các cấp ủy phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt Nghị quyết 15, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cả trước mắt và lâu dài.

(Còn nữa)

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/974725/dau-an-ba-nam-tam-nhin-chien-luoc