Dấu ấn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: Bài 10 - Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020 các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) trong tỉnh đã đào tạo, cung cấp cho thị trường lao động trong tỉnh khoảng 18.000 người trình độ ĐH và sau ĐH, trong đó trình độ sau ĐH khoảng 1.330 người. Các chuyên ngành đào tạo chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kỹ thuật công trình, nông, lâm, ngư nghiệp, sư phạm, văn hóa, thể thao và du lịch...

Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức trong giờ thực hành. Ảnh: Phong Sắc

Trong thời đại công nghiệp tri thức không ngừng lớn mạnh và giữ vai trò chủ đạo thì nhân tố con người – nguồn nhân lực càng trở nên quan trọng. Xác định rõ điều này, nhiều năm qua, tỉnh ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm đào tạo, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với cả nước, Thanh Hóa đang trong giai đoạn “dân số vàng”, điều này cũng đồng nghĩa với một lực lượng lao động hùng hậu. Và, sẽ là một thuận lợi nếu chúng ta biết khai thác triệt để và sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động vẫn còn là khâu yếu trong tổng hòa các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ thực tế đó, để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng. Ví như, Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ cán bộ, như: Cơ chế, chính sách liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH và sau ĐH của Trường ĐH Hồng Đức với các trường ĐH nước ngoài; hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo và thưởng khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; hỗ trợ hoạt động và thu hút, đào tạo cán bộ, giảng viên cho Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa...

Bám sát chủ trương, đường hướng, đặc biệt là thực hiện mục tiêu Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 291-QĐ/TU ngày 27-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành, nhất là các trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bổ sung cho các lĩnh vực của tỉnh. Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020 các cơ sở giáo dục ĐH trong tỉnh đã đào tạo, cung cấp cho thị trường lao động trong tỉnh khoảng 18.000 người trình độ ĐH và sau ĐH, trong đó trình độ sau ĐH khoảng 1.330 người. Các chuyên ngành đào tạo chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kỹ thuật công trình, nông, lâm, ngư nghiệp, sư phạm, văn hóa, thể thao và du lịch... Cũng trong thời gian trên, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho 392.988 người, trong đó, trình độ cao đẳng 10.458 người, trung cấp 32.656 người, sơ cấp 129.926 người, dưới 3 tháng 219.948 người.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các trường ĐH trong tỉnh cũng đã chủ động hợp tác với các trường ĐH trong và ngoài nước triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Một ví dụ điển hình, sau gần 10 năm thực hiện Đề án “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực có trình độ ĐH và sau ĐH với các trường ĐH nước ngoài”, đến nay, Trường ĐH Hồng Đức đã gửi 202 học viên đi đào tạo nước ngoài theo đề án, trong đó có 22 tiến sĩ, 153 thạc sĩ và 27 ĐH. Nhiều chương trình liên kết mang lại hiệu quả tích cực, như, Chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh với Trường ĐH Soongsil (Hàn Quốc) đã đào tạo thành công khóa 1 với 46 học viên và đang đào tạo khóa 2 với 22 học viên. Chương trình phối hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học với Trường ĐH Zielona Gora (Ba Lan), hằng năm, gửi hàng chục sinh viên theo học với các giáo sư hàng đầu thế giới về các chuyên ngành vật lý ứng dụng, công nghệ môi trường, quản lý kinh tế tại Trường ĐH Zielona Gora...

Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Ở cấp tỉnh và huyện, 5 năm qua, đã tổ chức đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho hơn 900 người trong nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp trưởng phòng trở lên; đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho hơn 4.000 người là trưởng, phó phòng, nguồn quy hoạch trưởng, phó phòng và tương đương; bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho 2.393 người. Đến nay, số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện có trình độ tiến sĩ tăng từ 18 người năm 2015 lên 39 người, trình độ thạc sĩ tăng từ 638 người năm 2015 lên 1.004 người. Ở cấp xã có 2.108 cán bộ, công chức được đào tạo trình độ ĐH, cao đẳng, trung cấp, nâng tổng số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 99,83%. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có khoảng 76.000 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp, gồm: đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho hơn 42.000 lượt người, đào tạo quản trị doanh nghiệp cho hơn 30.000 người; đào tạo cán bộ trợ giúp doanh nghiệp cho 3.500 lượt người...

Kết quả trên đã góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm lao động trong khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, tăng lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Hiệu quả sử dụng lao động trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từng bước được nâng lên. Ước tính hết năm 2020 lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước có 886.900 người, chiếm 37,9% tổng lao động, giảm 158.100 người so với năm 2015; ngành công nghiệp - xây dựng là 821.300 người, chiếm 35,1%, tăng 220.300 người; ngành dịch vụ là 631.800 người, chiếm 27%, tăng 94.800 người.

Có thể thấy, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực là giải pháp then chốt tạo bước phát triển vượt bậc và hiện đại hóa nhanh chóng. Trước tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là khi Thanh Hóa đã và đang hình thành nhiều trọng điểm phát triển kinh tế như Khu Kinh tế Nghi Sơn, Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng... với khả năng thu hút một lượng lớn lao động thì giải pháp này càng phải trở nên quan trọng và cần được phát huy hiệu quả. Để làm được điều này, ngoài rà soát, đánh giá, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, cần chủ động “đi tắt đón đầu” trong khâu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Quá trình đào tạo phải gắn liền với sử dụng, bởi khi nguồn nhân lực phát triển và khai thác hiệu quả sẽ tạo nên xung lực mạnh mẽ giải phóng mọi tiềm năng, lợi thế đưa kinh tế - xã hội không ngừng phát triển. Nếu đào tạo tràn lan, không đáp ứng nhu cầu xã hội, khiến không ít các cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp không chỉ là một thực trạng đáng buồn, mà còn gây lãng phí nhân lực, tài lực cho địa phương.

Phong Sắc

Bài 11: Động lực then chốt trong tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/bai-10-dao-tao-va-su-dung-nguon-nhan-luc-dap-ung-yeu-cau-phat-trien/125889.htm