Dấu ấn 25 năm quan hệ Việt – Mỹ

Có người nói, cái 'duyên' quan hệ Việt - Mỹ sớm hơn rất nhiều, so với một phần tư thế kỷ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao (12/7/1995-12/7/2020). Tuy nhiên, phải nói rằng trong 25 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển 'kỳ diệu' vượt sự kỳ vọng của những người trong cuộc.

Gần 4 thế kỷ trước, Tổng thống thứ ba của Mỹ Thomas Jefferson (1743-1826) khi còn là Đại sứ tại Pháp (1784-1789) đã quan tâm đặc biệt giống lúa ở nước Việt xa xôi. Năm 1832, Tổng thống Mỹ Andrew Jackson (1767-1845) gửi tới Vua Minh Mạng bức thư đề nghị đặt quan hệ thương mại với Việt Nam xây dựng nền tảng ngoại giao lâu dài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình đi tìm đường cứu nước đã đặt chân đến New York và Boston. Sau này, Người mở đầu Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng trích đoạn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng...”.

Chiến tranh và những rào cản của chiến tranh đã ngăn lại những bước hợp tác từ hai phía và mọi thứ chỉ thực sự được khởi tạo và phát triển khi ngày 12-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, mở ra một thời kỳ mới cho quan hệ hai nước.

Hành trình 25 năm qua đã chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Mỹ. Hai nước vốn là cựu thù, trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài đã bình thường hóa quan hệ, trở thành đối tác và sau đó là Đối tác toàn diện.

Cái bắt tay xuyên suốt đầu tiên trong quan hệ Việt Nam - Mỹ có thể kể đến là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Việt Nam chủ trương coi vấn đề hậu quả chiến tranh, đặc biệt trong việc tìm kiếm hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam là một vấn đề nhân đạo, phía Việt Nam đã hợp tác nhiều mặt và sâu rộng với Mỹ trong vấn đề này.

Việt Nam chủ trương coi vấn đề hậu quả chiến tranh, đặc biệt trong việc tìm kiếm hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, là một vấn đề nhân đạo.

Việt Nam chủ trương coi vấn đề hậu quả chiến tranh, đặc biệt trong việc tìm kiếm hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, là một vấn đề nhân đạo.

Hiện nay, hai nước đã hồi hương hơn 1.000 bộ hài cốt quân nhân Mỹ, trong đó nhận dạng được hơn 800 trường hợp mất tích. Về phía mình, Mỹ đã cung cấp thông tin và những hồ sơ liên quan đến các trường hợp bộ đội Việt Nam hi sinh trong chiến tranh, giúp Việt Nam tìm kiếm và quy tập gần 1.500 hài cốt liệt sĩ. Chính phủ Mỹ liên tục tăng ngân sách cho các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành việc hỗ trợ tẩy độc sân bay Đà Nẵng năm 2018 và đang khởi động dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa; hỗ trợ hơn 125 triệu USD chăm sóc sức khỏe cho khoảng 1 triệu người khuyết tật Việt Nam và tài trợ 130 triệu USD cho các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Việt Nam ghi nhận nỗ lực của Mỹ trong việc thực hiện trách nhiệm đạo lý khắc phục hậu quả chiến tranh - đây là lĩnh vực quan trọng hàng đầu để xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Nhờ những kết quả trong hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh, hai nước đã từng bước vượt qua nghi kị, hiểu biết nhau nhiều hơn và mở rộng quan hệ chính trị - ngoại giao. Trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên và liên tục. Từ năm 2000 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện 10 chuyến thăm lẫn nhau, trong đó nổi bật là chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013 với việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng lần đầu tiên thăm chính thức Mỹ năm 2015 và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước ASEAN thăm Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2017. Về phía Mỹ, một số tổng thống đương nhiệm đã thăm Việt Nam, riêng Tổng thống Trump đã đến Việt Nam 2 lần.

Kinh tế - thương mại - đầu tư là nền tảng của quan hệ hai nước, cũng là lĩnh vực phát triển năng động và ấn tượng nhất. Từ 450 triệu USD vào năm 1995, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 170 lần lên 76 tỷ USD vào năm 2019. Kinh tế Việt Nam và Mỹ ngày càng gia tăng tính bổ trợ và tương hỗ lẫn nhau. Mỹ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Hợp tác Việt Nam - Mỹ không chỉ giới hạn trong các vấn đề song phương mà ngày càng mở rộng sang các vấn đề khu vực và toàn cầu. Điều này phù hợp với chủ trương của Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; phù hợp với lợi ích và sự phát triển của quan hệ hai nước.

Trải qua 25 năm bình thường hóa quan hệ và 7 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, những thành quả mà hai nước đạt được đã chỉ ra rằng hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam và Mỹ. Đây là xu hướng tất yếu và hoàn toàn phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, thể hiện nỗ lực, quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ trong chuyến thăm Mỹ năm 2015: “Từ hai nước cựu thù, chúng ta đã trở thành những người bạn, đối tác và đối tác toàn diện. Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta”.

Với nền tảng quan hệ đã được vun đắp thời gian qua và dư địa hợp tác còn rất lớn, hai bên có thể hoàn toàn lạc quan vào tương lai quan hệ song phương thời gian tới. Các thế hệ tiếp theo của hai nước cần quyết tâm và nỗ lực chung sức để đưa mối quan hệ đối tác này phát triển lên một tầm cao phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, quan hệ Việt - Mỹ là mối quan hệ có cả cơ sở về chiều sâu, chiều rộng để phát triển hơn nữa. Do vậy, “tầm chiến lược” mà cụ thể là “tầm” và “chất” chiến lược của mối quan hệ Việt Nam - Mỹ cần được thúc đẩy, làm sâu đậm thêm. Đương nhiên, trong quan hệ hai nước vẫn còn có những khác biệt và cọ xát với nhau nhưng với những gì đã có và những gì đang vun đắp, chắc chắn hai bên có thể giải quyết được ổn thỏa.

Hà Phương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/dau-an-25-nam-quan-he-viet-my-602148/