DATC - Khẳng định vai trò, chiến lược hoạt động trong bối cảnh mới

Trải qua hơn 16 năm hoạt động, đến này Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã cơ bản hoàn thành tốt những nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Tài chính giao. DATC đã đẳng định được vai trò, vị thế quan trọng trên thị trường mua bán nợ Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong bối cảnh mới.

DATC - Khẳng định vai trò, chiến lược hoạt động trong bối cảnh mới.

DATC - Khẳng định vai trò, chiến lược hoạt động trong bối cảnh mới.

Khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong việc tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản tồn đọng qua đó hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp và chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN); Đồng thời, tích cực, chủ động thực hiện chức năng mua bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường tiếp tục là những hoạt động trọng tâm của DATC trong năm 2019.

Trong bối cảnh thị trường mua bán nợ có nhiều thay đổi, do những vấn đề về cơ chế chính sách, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các tổ chức mua bán nợ của cả tư nhân và tổ chức mua bán nợ do Chính phủ thành lập sau khi Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành, hoạt động của DATC gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, toàn thể cán bộ, nhân viên của DATC đã mang lại những kết quả tích cực.

Tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của toàn thể lãnh đạo, nhân viên, năm 2019 đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, DATC đã quyết liệt đẩy mạnh công tác mua bán, xử lý nợ theo cơ chế thị trường thông qua tập trung mở rộng phạm vi xử lý nợ ra khu vực kinh tế tư nhân, mở rộng lĩnh vực hoạt động như quản lý, khai thác tài sản, dự án tồn đọng, đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản của hơn 100 Doanh nghiệp nhà nước… đã mang lại những kết quả tích cực.

Dự kiến, doanh thu từ hoạt động tiếp nhận, mua bán xử lý nợ, tài sản của DATC năm 2019 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với kết quả hoạt động năm 2018. Tính đến tháng 12/2019, DATC đã thực hiện tiếp nhận, mua bán xử lý nợ và tài sản đạt khoảng gần 100.000 tỷ đồng, bao gồm hoạt động mua bán, xử lý nợ theo cơ chế thị trường và hỗ trợ tiếp nhận, mua bán và xử lý nợ của khoảng 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong đó gồm một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn như: Vinalines, Tổng công ty dâu tằm tơ, Tổng Công ty xây dựng Đường thủy… và gần 3.000 DNNN chuyển đổi sở hữu thành công ty cổ phần.

Mặc dù vậy, trước bối cảnh định hướng điều hành nền kinh tế của Chính phủ có nhiều thay đổi, số lượng doanh nghiệp nhà nước cần hỗ trợ tiếp nhận, xử lý nợ ngày càng thu hẹp, công tác xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, DATC đã và đang xây dựng chiến lược hoạt động mới để phù hợp với tình hình mới. Cụ thể như:

Thứ nhất, tiếp tục là công cụ của Chính phủ để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trên cơ sở đa dạng hóa phương thức mua, xử lý nợ và tài sản và đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động; Chủ động nghiên cứu đề xuất Chính phủ mở rộng nội hàm hoạt động để từng bước tham gia hỗ trợ xử lý nợ ODA, nợ VDB, nợ đọng thuế, xử lý và khai thác tài sản công dôi dư theo ủy thác của Chính phủ, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp, các dự án tồn đọng có vốn nhà nước và vốn thuộc các thành phần kinh tế khác.

Thứ hai, phát huy và mở rộng vai trò là chủ thể chính của thị trường trong việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ, tái thiết doanh nghiệp và khai thác tài sản tồn đọng, hình thành các loại thị trường mới thông qua chuyển dịch dần các dịch vụ từ khu vực hành chính sang cho thị trường. DATC phấn đấu trở thành cầu nối và là đối trọng cho sự tham gia của các định chế tài chính nước ngoài, tiến tới mở rộng phạm vi hoạt động mua, bán xử lý nợ với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ ba, từng bước mở rộng ngành nghề hoạt động theo hướng phát triển DATC trở thành tập đoàn tài chính đa ngành để vừa tận dụng chuỗi giá trị trong các hoạt động cốt lõi là xử lý nợ, tái thiết doanh nghiệp, khai thác dự án và tài sản tồn đọng… Cùng với đó, DATC tiếp tục duy trì và tích lũy chuyên môn để sẵn sàng giúp Chính phủ ứng phó với khủng hoảng tài chính, vừa làm đối trọng vừa tăng cường tính liên kết, hợp tác với các tổ chức nước ngoài trong thị trường.

Để hỗ trợ cho chiến lược hoạt động của Công ty trong giai đoạn tiếp theo, DATC đã và đang tiếp tục hoàn thiện Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động, báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Nghị định được ban hành và thực thi sẽ giúp DATC tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua bán, xử lý nợ và tài sản hiện nay, đồng thời tạo sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường mua bán nợ giữa DATC và các tổ chức xử lý nợ công do Chính phủ thành lập, các Công ty quản lý tài sản của các ngân hàng và các tổ chức xử lý nợ tư nhân trên thị trường, qua đó hỗ trợ tạo lập, phát triển thị trường mua bán, xử lý nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Nguyễn Văn Tùng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/datc-khang-dinh-vai-tro-chien-luoc-hoat-dong-trong-boi-canh-moi-318156.html