Đặt yêu cầu cao với doanh nghiệp đưa lao động làm việc ở nước ngoài

Quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.

Bắt đầu phiên họp thứ 46, sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Các quy định chặt chẽ với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là cần thiết nhằm nâng cao việc bảo đảm các điều kiện bảo vệ người lao động.

Đặt ra yêu cầu cao hơn

Trình Quốc hội dự thảo luật này tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ cho biết, lần sửa đổi này đặt ra yêu cầu cao hơn so với luật hiện hành về năng lực, uy tín và trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, luật hiện hành quy định, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ. Còn dự luật sửa đổi yêu cầu doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 5 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Dự thảo cũng không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực này. Một sửa đổi khác là dự thảo luật sửa đổi quy định người đại diện theo pháp luật có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 3 năm lên 5 năm.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sử dụng khái niệm “vốn chủ sở hữu” là không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp, sẽ thêm khái niệm mới trong hệ thống pháp luật. Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở nâng vốn chủ sở hữu lên 5 tỷ đồng, vị khác đề nghị không nên quy định cứng mức 5 tỷ đồng trong luật, mà nên như trong hướng dẫn của Chính phủ.

Theo một số đại biểu, quy định nâng điều kiện về người đại diện theo pháp luật từ có kinh nghiệm 3 năm lên 5 năm là chưa thuyết phục, nên giữ như quy định hiện hành.

“Ngay sau Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, phối hợp giải trình, bổ sung, báo cáo về một số nội dung, tổ chức lấy ý kiến về dự án luật...”, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thống nhất chỉ quy định về “vốn điều lệ” để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, thống nhất mức vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng và giữ quy định về thời gian 5 năm kinh nghiệm đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ.

“Vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và có liên quan trực tiếp đến người lao động với đặc điểm làm việc ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nên các quy định chặt chẽ, đòi hỏi cao hơn bình thường về điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực này là cần thiết và phù hợp để không chỉ góp phần tăng cường quản lý ‘đầu vào’, mà còn phải duy trì các điều kiện hoạt động đối với doanh nghiệp, nâng cao việc bảo đảm các điều kiện bảo vệ người lao động”, bà Thúy Anh giải thích.

Quy định về vốn chủ sở hữu

Với quy định về vốn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vẫn muốn dùng quy định vốn chủ sở hữu. “Vốn điều lệ thì do doanh nghiệp tự khai báo, có thể hôm nay khai rất cao, nhưng ngày mai không còn đồng nào. Vốn chủ sở hữu là vốn để duy trì thường xuyên. Với người lao động đi nước ngoài thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng. Vì vậy, vốn này về mặt pháp lý là để đảm bảo nếu xảy ra vấn đề gì, thì Nhà nước có quyền yêu cầu sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu, xử lý, hỗ trợ người lao động”, ông Dung nói.

Nhận xét “Bộ trưởng nói có ý đúng”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giải thích, có rất nhiều khái niệm về vốn, nếu ghi vốn điều lệ mà để trong vốn chủ sở hữu thì không ảnh hưởng gì đến Luật Doanh nghiệp, 2 khái niệm là khác nhau. “Theo tôi, vốn chủ sở hữu thì chuẩn hơn, vì vốn điều lệ có khi ghi rất cao, nhưng vốn chủ sở hữu không đạt được, cho nên có yêu cầu ít nhất vốn chủ sở hữu phải đạt được bao nhiêu thì mới đảm bảo”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ngoài quy định về vốn chủ sở hữu và tiêu chuẩn người đại diện, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn phải đáp ứng các điều kiện khác như đã ký quỹ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các doanh nghiệp này cũng phải có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và phải có trang thông tin điện tử.

Liên quan đến quy định doanh nghiệp chỉ được phép có 3 chi nhánh ở địa phương, một số đại biểu băn khoăn về việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đã bàn rất kỹ với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được biết, quy định này không ảnh hưởng gì, vì những nội dung của luật chuyên ngành khác với Luật Doanh nghiệp thì thực hiện theo luật chuyên ngành.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước quy định quá rộng

Liên quan đến ý kiến của một số đại biểu Quốc hội không tán thành việc tiếp tục duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, cơ quan thẩm tra đồng ý duy trì quỹ này nhưng cho rằng, Quỹ do người lao động, doanh nghiệp đóng góp là chính, không sử dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên việc xác định quỹ này là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là chưa thực sự phù hợp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, quy định tại dự thảo là quá rộng. Khi đi lao động ở nước ngoài thì người lao động đã phải đóng một khoản phí dịch vụ, trong đó có đào tạo, hỗ trợ nghề, dạy ngoại ngữ. Nếu quỹ này có tham vọng là để đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề cho người lao động thì vô tình sẽ tạo ra một khoản đóng góp thêm cho người lao động. Quỹ này nên gói gọn giải quyết các trường hợp rủi ro, phức tạp trong hợp đồng lao động, biến động thị trường.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dat-yeu-cau-cao-voi-doanh-nghiep-dua-lao-dong-lam-viec-o-nuoc-ngoai-d125843.html