Dắt xe máy ngược chiều trên vỉa hè trước mặt CSGT: Cực chẳng đã, người dân mới phải 'lách luật'

Chuyên gia giao thông cho rằng, người dân lựa chọn giải pháp như vậy là 'cực chẳng đã'. Bởi, thực tế tuyến đường này quá tắc, mà nguyên nhân xuất phát từ việc triển khai tuyến buýt nhanh BRT.

Hàng người rồng rắn ngược chiều trên đường Tố Hữu trước sự bất lực của CSGT.

Quy hoạch thiếu tầm nhìn!

Sáng 5.11, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh hàng trăm người đang tham gia giao thông bằng cách dắt bộ xe máy đi ngược chiều trên vỉa hè đường Tố Hữu. Xuất hiện trong clip là hình ảnh 2 người mặc trang phục của lực lượng cảnh sát giao thông đứng làm nhiệm vụ.

Ngay sau đó, clip nói trên được chia sẻ với tốc độ chóng mặt cùng nhiều ý kiến phản hồi từ cộng đồng mạng xã hội Facebook.

Video: Thấy CSGT, đoàn người lũ lượt dắt xe máy đi bộ ngược chiều trên vỉa hè

Lý giải về việc này, chị Huyền Trang, một người hằng ngày đi trên con đường này cho biết, mỗi buổi sáng, đường Tố Hữu tắc dài 1-2km. Mặt đường nhỏ hẹp, chỉ có 3 làn xe, trong khi đó, mật độ dân cư cao, tạo áp lực giao thông rất lớn.

"Chúng tôi không ai muốn đi ngược chiều hay phải dắt bộ trên vỉa hè cả, nhưng phải chịu thôi. Tôi mong rằng, trước khi ban hành các biện pháp cấm đoán, hay xử phạt, cơ quan chức năng nên tìm ra giải pháp hợp lý cho quy hoạch tuyến đường này", chị Trang cho hay.

Trong khi đó, anh Trần Hùng, một người dân sống ở tòa chung cư gần mặt đường Tố Hữu cho biết, tuyến đường này là ví dụ điển hình cho quy hoạch thiếu tầm nhìn của Hà Nội.

"Một con đường lẽ ra có thể làm rất rộng vì sử dụng đất nông nghiệp, không phải di dời nhà cửa của dân để lấy mặt bằng, nhưng lại chỉ làm 3 làn xe cơ giới.

Tắc đường, chậm giờ làm và sự mệt mỏi khi phải đứng chôn chân mỗi ngày hàng giờ trong khói bụi, "cực chẳng đã" người dân phải nghĩ ra cách "lách luật" như thế", anh Hùng nói.

"Tổ chức giao thông ở cung đường đó chưa được hợp lý"

Liên quan vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, người dân lựa chọn giải pháp như vậy là "cực chẳng đã". Bởi, thực tế tuyến đường này quá tắc, mà nguyên nhân xuất phát từ việc triển khai tuyến buýt nhanh BRT.

"Theo khảo sát của tôi, tuyến BRT này quá ít người đi, trong khi lại chiếm phần đường quá lớn. Việc chiếm 1/3 lòng đường trong khi không có khách đi đã đẩy tất cả phương tiện khác ùn ứ vào 2/3 lòng đường vốn đã chật hẹp còn lại. Tôi nghĩ rằng, tốt nhất nên để BRT chạy như buýt thường", chuyên gia giao thông cho hay.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó phòng CSGT TP.Hà Nội - cho hay: "Qua nhận định, chúng tôi thấy rằng, cung đường đó có tổ chức điểm quay đầu phương tiện, nhưng vì phải đi thêm một đoạn nữa mới đến điểm lối mở quay đầu. Cho nên theo tâm lý, người dân "đốt cháy giai đoạn" bằng cách đi ngược chiều trên vỉa hè.

Nhận thấy việc vi phạm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, Phòng CSGT TP. Hà Nội đã phân công lực lượng CSGT túc trực ở cung đường đó để phân luồng.

Theo Phó Phòng CSGT TP. Hà Nội, sở dĩ xuất hiện tình trạng trên, bởi việc tổ chức giao thông ở cung đường đó chưa được hợp lý.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu, tổ chức lại giao thông, làm sao cho người dân đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn, vừa tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, vừa không phải đi quá xa".

Cường Ngô

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/dat-xe-may-nguoc-chieu-tren-via-he-truoc-mat-csgt-cuc-chang-da-nguoi-dan-moi-phai-lach-luat-640194.ldo