Đất vùi 11 người Phước Lộc: Đi bộ 45km vào hiện trường

Đoàn cứu hộ đang đi bộ 45km tiếp cận vụ sạt lở đất vùi lấp 11 người ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.

Nước dồn về ầm ầm như thác đổ

Chiều ngày 29/10/2020, trao đổi với Đất Việt, UBND huyện Phước Sơn - Quảng Nam cho biết, hiện đoàn cứu hộ đã lên đường tiến vào xã Phước Lộc (giáp với tỉnh Kon Tum) để cứu hộ 11 người bị vùi lấp do sạt lở đất.

Vụ sạt lở nói trên xảy ra lúc 15h chiều qua (28/10), tuy nhiên do đường sá bị vùi lấp và mất liên lạc nên sáng nay cán bộ thôn mới báo được cho chính quyền.

Tỉnh ủy Quảng Nam ngay trong sáng nay đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở xã Phước Lộc để cứu hộ người dân.

Đoàn công tác gồm ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Đại tá Nguyễn Bá Thông - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang trên đường lên Phước Sơn khảo sát, tiếp cận hiện trường. Trung đội cơ động của Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã xuất phát đến hiện trường.

Điểm sạt lở ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Ảnh QNO).

Điểm sạt lở ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Ảnh QNO).

Ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hiện tại các tuyến đường và thôn 6 xã Phước Lộc bị đất đá vùi lấp, xe ô tô không thể di chuyển được.

Theo ông Quảng, từ Trung tâm huyện Phước Sơn đi đến xã Phước Lộc dài 45km mất khoảng 1h30 phút đi ô tô. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng tìm kiếm cứu nạn huyện Phước Sơn phải cắt rừng đi bộ để sớm đến được hiện trường.

Cũng trong sáng nay, theo báo cáo của Sở Công Thương, tại khu vực thủy điện Đăk Mi 2 (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn), hiện cầu qua sông Đăk Mi - gần nhà máy đã trôi dầm cầu không thể qua lại.

Cầu trên tuyến đường lên đập bị trôi và đường giao thông sạt lở nhiều đoạn.

Hiện có khoảng 100 công nhân làm việc tại nhà máy và các khu vực khác bị cô lập, chưa thể tiếp cận được, nhà máy đang lắp đặt và bị ngập nước toàn bộ, không có thiệt hại về người.

Ông Lê Xuân Tuấn - tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng Lượng Agrita Quảng Nam - cho biết, hiện có 200 công nhân, kỹ sư của công ty đang thi công nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 đang mắc kẹt ở 5 điểm trên chiều dài khoảng 10km.

Trước đó trong quá trình "rải quân" dựng lán trại thi công ở các điểm hồ đập của công trình thì xảy ra cơn lũ quá khủng khiếp dẫn đến sạt lở rất nghiêm trọng khiến tất cả mọi người mất liên lạc với nhau.

Theo ông Tuấn thì khả năng lương thực dự trữ ở các điểm mà công nhân đang mắc kẹt chỉ đủ ""nấu cháo cho ăn trong vòng 2 ngày tới". Giờ chúng tôi đang ở xã Phước Công nhưng không thể nào di chuyển vào được vì sạt lở quá nặng.

Cũng theo ông Lê Xuân Tuấn, chưa bao giờ chứng kiến một cơn lũ ở thượng nguồn đổ về với sức công phá mạnh như vậy.

"Người dân ở đây cho biết cả trăm năm nay từ đời xưa đến giờ chưa có khi nào xảy ra cơn lũ, nước dội về ầm ầm như như thác đổ.

Thiệt hại về vật chất là rất lớn nhưng hiện chưa thể thống kê được. Bây giờ chúng tôi hy vọng bằng ,mọi cách nhanh chóng khơi thông các điểm sạt lở để đưa 200 công nhân ra ngoài." - ông Tuấn nói.

Trong khi đó, tại Nhà máy thủy điện Đăk Mi 3 (xã Phước Lộc), do lưu lượng từ thượng nguồn sông Đăk Mi về hồ rất lớn (khoảng 10.000m3/s) làm ngập toàn bộ nhà máy đang vận hành.

Các vị trí sạt lở đất, vùi lấp nhiều người ở Nam Trà My và Phước Sơn (Ảnh VNE).

Nhiều nạn nhân sạt lở được cứu

Trong chiều ngày 28/10/2020, tại huyện Nam Trà Mỹ - Quảng Nam cũng xảy ra 2 vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng và Trà Vân.

Tại Trà Leng, vụ sạt lở đất khiến 45 người mất tích, đã tìm thấy 8 thi thể, 4 người bị thương được đưa đến bệnh viện; hiện còn 33 người mất tích.

Trong số những người đang mất tích có ông Lê Hoàng Việt - Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng.

"Anh Việt mất liên lạc sau vụ sạt lở, vợ anh thoát được ra ngoài. Gia đình có 4 người, 2 con đi học xa, không ở nhà" - một lãnh đạo UBND xã Trà Leng thông tin.

Trưa ngày 29/10/2020, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Theo thông tin chưa chính thức, trước khi xảy ra vụ sạt lở đất, 2 gia đình ở Trà Leng đã kịp chạy lên rừng, nên con số thương vong có thể không cao như dự báo ban đầu".

Hiện tuyến đường bộ huyết mạch từ trung tâm huyện Bắc Trà My lên huyện Nam Trà My bị sạt lở nghiêm trọng, các lực lượng đang tích cực giải phóng mặt đường để đưa phương tiện cứu hộ tiếp cận hiện trường (thôn 1, xã Trà Leng).

Bộ đội đã khắc phục xong một điểm sạt lở lúc 10h sáng nay. Theo lãnh đạo Quân khu 5, nếu chỉ còn một điểm sạt lở ở cuối huyện Bắc Trà My, từ nay đến đầu giờ chiều, công binh có thể thông tuyến lên ngã 3 Trà Leng, cách nơi các nạn nhân bị vùi lấp khoảng 17 km.

Còn tại xã Trà Vân, vụ sạt lở đất vùi lấp 20 người, khiến 12 người bị thương, 8 người mất tích. Ngay trong tối ngày 28/10, lực lượng chức năng tại chỗ tìm thấy 7 thi thể, còn một người mất tích.

Xã Trà Leng và xã Trà Vân cùng ở huyện miền núi Nam Trà My, cách nhau 45 km; giao thông khó khăn, địa hình phức tạp, chủ yếu là gò đồi xen với ruộng bậc thang.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dat-vui-11-nguoi-phuoc-loc-di-bo-45km-vao-hien-truong-3421527/