Đất võ trời văn

Từ những ngày đầu khai sơn phá thạch, người Bình Định luôn phải gánh chịu sự khắc nghiệt của tự nhiên.

Tu luyện võ học, nâng cao khả năng phòng vệ là nhu cầu bức thiết, được đề cao. Những dấu chân đầu tiên hằn in lên “đất võ trời văn” đều gắn liền với huyền thoại. Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức từ 1 - 4.8.2010 có thể nói là một dấu son của miền đất võ.

Tinh hoa hội tụ

Ít có nơi nào mà võ cổ truyền dân tộc được yêu mến, trân trọng và truyền giữ bền chắc như ở Bình Định. Tương truyền, mấy trăm năm trước những lớp người đầu tiên phiêu dạt đến miền đất biên viễn đầy thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt này đã rất giỏi võ. Võ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống vốn luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc. Tinh thần thượng võ ngày càng được bồi đắp trở thành nét đẹp nhân văn, tinh túy nhất của cộng đồng.

Khi anh em nhà Tây Sơn khẳng định được thanh thế và dựng cờ khởi nghiệp, võ cổ truyền Bình Định bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất. Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các danh tướng đều là những người thuần thục thập bát ban binh khí (18 loại binh khí tập luyện võ cổ truyền). Mỗi bài võ, mỗi một đường quyền sau này đều trở thành vốn quý đối với nhiều thế hệ võ sư đam mê và gắn bó với tinh hoa võ học dân tộc.

Tây Sơn tam kiệt trong bước đường dựng nghiệp cờ đào của mình không chỉ để lại cho đời sau những chiến công hiển hách mà còn có các chiêu thức võ học danh trấn giang hồ. Đặc biệt hơn cả là từ việc thị sát rồi tiến đến nghiền ngẫm những thế gà chọi, người em út của nhà Tây Sơn - Đông Định Vương Nguyễn Lữ đã kết tinh thành chiêu thức võ học hết sức lợi hại, gọi là Hùng Kê quyền mà truyền nhân chính hiệu bây giờ là lão võ sư Ngô Bông, 81 tuổi.

Võ đường ở Bình Định xuất hiện khắp nơi, nhưng nổi tiếng nhất và lâu đời nhất vẫn là những võ đường ở Tây Sơn – quê hương của Tây Sơn tam kiệt. Dù đã trải qua hàng trăm năm, nhưng các võ đường vẫn truyền giữ bí kíp môn phái và thu hút được một lượng môn sinh không nhỏ đến tập luyện thường xuyên. Quy mô các võ đường không bề thế cho lắm, thường chỉ là một khoảnh sân gắn liền với không gian sống của vị chưởng môn và thân nhân trong gia đình.

Từ những võ đường nhỏ bé ấy, nhờ sức hút mãnh liệt của tinh thần thượng võ đã hình thành nên những làng võ vang danh khắp xứ. Mỗi tên làng thường định danh một bài võ mà không hề có đối thủ cạnh tranh. Làng Thuận Truyền thiên biến vạn hóa với những bài roi tuyệt đỉnh của sư tổ Hồ Ngạnh. Làng An Vinh lẫy lừng với những đường quyền công phu thượng thừa của Hương Mục Ngạc, Tám Cảng, Bảy Lụt…

Võ sư Phan Thọ năm nay 83 tuổi được xem là truyền kỳ đất võ Tây Sơn. Cuộc đời ông gắn liền với tinh võ cổ truyền từng xuất lộ từ buổi đầu khởi nghiệp của các đấng minh quân. Lão võ sư “Đạo cao long hổ phục - Đức trọng quỷ thần kinh” thuộc hàng cao thủ này sau bao năm thăng trầm cùng nghiệp võ vẫn trụ vững hiên ngang như một huyền thoại không thể nhạt nhòa. Từ lúc còn trai tráng, võ sư Phan Thọ đã lĩnh hội được những chiêu thức tuyệt kỹ của môn phái Tây Sơn như: quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên và Siêu công; côn pháp Bát quái…

Lão võ sư “để đời” không chỉ chuyện bán bò học võ, làm rạng danh môn phái trước các cao thủ nước ngoài mà giai thoại “song đấu” với đàn heo rừng, có con nặng hơn trăm ký được người đời truyền tụng cũng là chuyện hy hữu, có một không hai ở miền đất võ…

Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ (mặc áo dài) cùng các võ sĩ võ cổ truyền là người nước ngoài. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Lão võ sư Phan Thọ (giữa) và hai đệ tử của mình

Lan tỏa bản sắc

Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 3 năm 2010 là một trong tổng thể các hoạt động văn hóa, thể thao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với hơn 1.200 võ sư, võ sĩ võ cổ truyền đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau tham gia. Mỗi người một màu da, ngôn ngữ nhưng tất cả đều trân trọng dành tình cảm thiêng liêng với cội nguồn tinh hoa võ học của dân tộc Việt. Có thể nói đây là dịp để hậu duệ các môn phái chiêm nghiệm, tôn vinh những giá trị võ học của tiền nhân...

Lần thứ 3 tham dự liên hoan, nữ võ sư Hồ Hoa Huệ (chưởng môn Tinh võ đạo Việt Nam) cũng như nhiều vị chưởng môn khác vẫn ấp ủ một ước vọng: đến một lúc nào đó, võ cổ truyền Việt Nam được nâng lên thành quốc võ, trở thành nội dung thi đấu chính thức tại các giải thi đấu thể thao khu vực và thế giới... Được như thế, bản sắc võ cổ truyền Việt Nam mới thật sự lan tỏa sâu rộng và bền chắc hơn nữa đối với bạn bè năm châu.

Trong khuôn khổ liên hoan còn có Triển lãm binh khí, trang phục võ cổ truyền VN; bình chọn Người đẹp võ thuật; biểu diễn võ thuật và giao lưu với các võ đường tại TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn (Bình Định), đề xuất thành lập Ban vận động sáng lập Liên đoàn Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam…

Lễ khai mạc liên hoan bắt đầu vào lúc 19 giờ ngày 1.8 tại sân vận động Quy Nhơn với phần hội có chủ đề Nhịp cầu hữu nghị, gồm 3 chương: Lời chào Việt Nam – Lời chào thân ái!, Cùng chung tinh thần thượng võ, Hãy đến với chúng tôi - Việt Nam.

Đình Phú

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/dat-vo-troi-van-195821.html