Đặt tiền để được tại ngoại, vì sao ít áp dụng ?

Đặt tiền để được tại ngoại đã được quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự. Thế nhưng, thực tế quy định này rất hiếm hoi được áp dụng

Đặt tiền bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam, đã được quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự 2003, sau đó tiếp tục nêu trong bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Thế nhưng, thực tế quy định này rất hiếm hoi được áp dụng.

Thực tế, sau khi bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 có hiệu lực, phải đến năm 2013 mới có thông tư liên tịch hướng dẫn quy định đặt tiền bảo đảm.

Sau đó, khi BLTTHS 2015 có hiệu lực thi hành, các cơ quan liên quan cũng ban hành Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm.

Trường hợp nào được đặt tiền ?

Liên quan đến tiền là... nhạy cảm

Theo một lãnh đạo Viện KSND TP.HCM, từ khi Thông tư liên tịch 06/2018 có hiệu lực thi hành, đến nay Viện KSND TP.HCM cũng như các viện KSND quận/huyện tại TP.HCM chưa áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm thay thế tạm giam cho vụ án nào. Lý giải, vị lãnh đạo này cho biết: “BLTTHS 2015, Thông tư 06/2018 quy định chi tiết, cụ thể từng trường hợp được áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm, trường hợp nào không, số tiền tối đa bao nhiêu. Nhưng nhiều khi cán bộ tiến hành tố tụng làm tốt, làm đúng vẫn ngại điều tiếng. Vì từ trước đến nay, trong vụ án cứ liên quan đến tiền là nhạy cảm nên hiện cũng chưa thực hiện”.

Theo luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, Thông tư 06/2018 nêu cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án sẽ quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về đối tượng được đặt tiền bảo đảm, Thông tư 06/2018 cũng nêu các cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định áp dụng căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tình trạng tài sản, nhân thân của bị can, bị cáo; bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm, có tình tiết giảm nhẹ (như tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại...); việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

“Luật cũng quy định các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền như bị can, bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm; bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã; phạm nhiều tội; phạm tội nhiều lần. Vì vậy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu thấy bị can, bị cáo có đủ điều kiện thì cơ quan tiến hành tố tụng được quyền áp dụng cho đặt tiền bảo đảm”, LS Hoan đánh giá.

Cơ quan tố tụng ngại áp dụng

Quy định có cụ thể, nhưng thực tế rất ít trường hợp được áp dụng mà nguyên nhân chủ yếu là... cơ quan tố tụng ngại, lo có thể phát sinh những tình huống phức tạp, không đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử.

Điển hình gần đây là vụ tai nạn nghiêm trọng ở khu vực Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Khuya 21.10.2018, bà Nguyễn Thị Nga (47 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) sau khi nhậu đã điều khiển ô tô BMW chạy trên đường Điện Biên Phủ, hướng từ Q.1 về Q.Bình Thạnh với tốc độ cao. Đến ngã tư Hàng Xanh, xe của bà Nga tông vào nhiều xe máy đang dừng đèn đỏ và 1 taxi làm 1 người tử vong, nhiều người bị thương... Cơ quan CSĐT Công an Q.Bình Thạnh đã khởi tố vụ án “vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ”, khởi tố, bắt tạm giam bà Nga để phục vụ điều tra. Bị can cùng gia đình có đề nghị được đặt tiền để tại ngoại; cơ quan tiến hành tố tụng liên quan có xin ý kiến cấp trên, nhưng do vụ án đang được dư luận quan tâm, việc đặt tiền bảo đảm lại chưa thực hiện bao giờ nên các cơ quan tiến hành tố tụng... ngại áp dụng

Tháng 2.2019, cơ quan tiến hành tố tụng Q.Bình Thạnh thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú, đồng thời có lệnh cấm xuất cảnh đối với bà Nga. Lý do bị can được tại ngoại là “có nơi cư trú rõ ràng, được sự bảo lãnh của gia đình, có 7 người bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can, đồng thời bà Nga tích cực bồi thường cho người bị hại nên không cần thiết phải tạm giam”.

Một trường hợp khác, năm 2015, ông Byron McLaughlin (61 tuổi, quốc tịch Dominicana) từng có đơn cầu cứu đến Báo Thanh Niên về trường hợp thuộc cấp của mình, là người VN, bị tạm giam để điều tra hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Việc vị thuộc cấp bị tạm giam đã khiến 4 công ty của ông tại Bình Dương phải ngưng sản xuất và gần 700 công nhân tạm thời không có việc làm. Để hạn chế thiệt hại do hành trình tố tụng kéo dài, ông Byron McLaughlin tự nguyện nộp hơn 3 tỉ đồng (ông cho rằng tương đương số tiền tranh chấp) vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra; đồng thời có đơn xin đặt tiền bảo đảm để thay đổi biện pháp ngăn chặn cho thuộc cấp được tại ngoại, nhưng cơ quan tố tụng không chấp nhận.

Làm đúng sẽ giảm tạm giam

LS Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, nhìn nhận từ trước đến nay rất ít trường hợp được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền bảo đảm. “Thực tế, cùng một số quy định như có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, nhiều tình tiết giảm nhẹ, thay vì đặt tiền bảo đảm nhiều thủ tục phức tạp, sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác nếu có khiếu nại, tố cáo, nên thông thường cơ quan tiến hành vẫn ưu tiên áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú hơn”, LS Nghiêm phân tích.

Còn theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Viện trưởng Viện KSND Q.3 (TP.HCM), khi áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền, thì bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan thực hiện một số nghĩa vụ theo khoản 2, điều 122 BLTTHS 2015, trong đó có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn... “Nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì sẽ bị tạm giam trở lại, đồng thời tiền đặt bảo đảm bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Còn khi bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì viện kiểm sát, tòa án có trách nhiệm trả lại họ số tiền đã đặt”, bà Nhuệ nói và cho rằng cải cách tư pháp đang tiến đến hạn chế tạm giam, trừ những trường hợp buộc phải tạm giam theo quy định, thì việc đặt tiền bảo đảm để được tại ngoại nên mở rộng áp dụng nếu bị can, bị cáo có đề nghị, phù hợp với quy định pháp luật và họ có điều kiện thực hiện.

Phan Thương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/dat-tien-de-duoc-tai-ngoai-vi-sao-it-ap-dung-1090875.html