Đặt thuốc chữa ngứa, viêm nhiễm vùng kín có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

Khi mang thai chị em thường bị thay đổi nội tiết, tăng tiết dịch âm đạo nên vùng âm đạo luôn bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát triển gây ngứa, viêm âm đạo. Nhiều người băn khoăn việc đặt thuốc chữa ngứa, viêm nhiễm vùng kín có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

Tôi đang mang thai lần 2, thai được 4 tháng nhưng thời gian gần đây tôi thường bị ra nhiều khí hư, có mùi hôi và ngứa ở vùng kín. Trước đây khi chưa mang thai, nếu bị viêm, ngứa tôi thường ra hiệu thuốc mua thuốc về đặt. Nhưng hiện tại đang có bầu nên tôi băn khoăn có nên tự mua thuốc về đặt không và việc đặt thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi không? (chị Lê Lan, ở Cầu Giấy, Hà Nội)

Bà bầu tự ý dùng thuốc trong lúc mang thai, không theo chỉ định của bác sĩ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thế Vũ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Khi mang thai chị em thường bị thay đổi nội tiết, tăng tiết dịch âm đạo nên vùng âm đạo luôn bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát triển gây ngứa, viêm âm đạo.

Nếu bà bầu đang mang thai 4 tháng thì việc đặt thuốc tại chỗ không ảnh hưởng đến thai nhi nên có thể yên tâm dùng phương pháp đặt thuốc để điều trị bệnh.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc nào để đặt cần có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi, các thuốc bà bầu dùng trong lúc mang thai, dù theo đường tiêm, uống, đặt âm đạo… đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu dùng thuốc không đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Hơn nữa, viêm âm đạo do nhiều nguyên nhân gây ra và với mỗi nguyên nhân lại dùng những loại thuốc khác nhau. Việc tự ý mua thuốc về đặt có thể gây hại cho thai nhi và gây ra tình trạng kháng thuốc, làm ảnh hưởng đến việc điều trị sau đó.

Đặc biệt, với phụ nữ không có thai, việc tự ý mua thuốc về đặt để điều trị bệnh khi chưa rõ nguyên nhân sẽ rất nguy hiểm. Thuốc sẽ làm rối loạn môi trường vi khuẩn trong âm đạo, tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong âm đạo và sẽ làm bệnh ngày càng nặng hơn.

Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh viêm âm đạo sẽ gây nhiễm trùng ngược dòng (từ ngoài nhiễm trùng vào trong, đi qua cổ tử cung, lòng tử cung, qua vòi trứng gây viêm phần phụ, ứ dịch phần phụ) và hậu quả là gây dính cổ tử cung, viêm phần phụ hoặc vô sinh.

Để quá trình điều trị bệnh được hiệu quả, an toàn, chị em nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường và dùng thuốc điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ.

Chị em cần điều trị bệnh cho dứt điểm, thăm khám định kỳ theo y lệnh của bác sĩ và nên nhớ vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng nước sạch. Đồng thời chị em nên hình thành thói quen đi khám bệnh phụ khoa định kỳ, khoảng 3 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm khi có bệnh.

L.Minh

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/dat-thuoc-chua-ngua-viem-nhiem-vung-kin-co-anh-huong-den-thai-nhi-hay-khong-d9244.html