Đất Thanh Hóa, gạo cứu đói và biệt phủ đại úy

Tỉnh Thanh Hóa hàng năm vẫn phải 'ngửa tay' nhận gạo cứu trợ từ trung ương thế nhưng một cán bộ công an cấp huyện chỉ mang hàm đại úy lại có thể sở hữu một 'biệt phủ' rộng tới 5.000m2…

 "Biệt phủ" của đại úy công an huyện Vĩnh Lộc Phạm Văn Công

"Biệt phủ" của đại úy công an huyện Vĩnh Lộc Phạm Văn Công

“Đất căn bản” mà quanh năm “đói”

Nước Nam xưa chỉ gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (đến Đèo Ngang ngày nay). Người xưa vẫn nói rằng Thanh Hóa là "đất căn bản" của nước Nam. Đất này núi không cao nhưng sừng sững, rừng không lớn nhưng rậm rạp, đồng bằng không nhiều nhưng màu mỡ, muôn vật hết sức phong phú tốt tươi.

Vậy mà trong mấy năm nay, không có năm nào tỉnh Thanh Hóa không “ngửa tay” nhận gạo cứu trợ từ trung ương. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay (tức mới chỉ 1,5 năm), tỉnh Thanh Hóa đã “ngửa tay” tới 4 lần.

Cụ thể, lần thứ nhất vào tháng 1/2017, nhận 650 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Lần thứ hai vào tháng 12/2017, nhận 328,7 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng của mưa lũ. Lần thứ ba vào tháng 2/2018, nhận 677,67 tấn gạo hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Lần thứ tư là ngay đầu tháng 5/2018, nhận 387 tấn gạo để hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2018.

Có lẽ, ít có địa phương nào ở Việt Nam hiện nay xin gạo nhiều như tỉnh Thanh Hóa.

Một tỉnh có đủ núi, sông, biển, ruộng, rừng, khoáng sản; một tỉnh có 2 thành phố, 1 thị xã, 1 khu kinh tế tỷ USD; một tỉnh dân đông dân thứ ba cả nước; một tỉnh từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vọng “phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”… vì sao vẫn phải “ngửa tay ăn xin” của thiên hạ?

Giá trị của vài trăm tấn gạo không quá lớn, không lẽ ngân sách của tỉnh Thanh Hóa không đáp ứng nổi mà cứ “đến hẹn lại lên” xin xỏ từ trung ương?

Đất sinh vua, đất phát chúa, văn thần, võ tướng các đời nhiều không đếm xuể... nhưng hiện nay lại là một trong những tỉnh xin gạo nhiều nhất nước.

Biệt phủ và nhiều hơn thế nữa

Trong khi người dân Thanh Hóa vẫn phải xin gạo cứu trợ từ trung ương thì công chức nhà nước ở Thanh Hóa lại thể hiện độ “chịu chơi” không kém gì bậc vương giả.

Như mới đây, dư luận xôn xao khi báo chí phát hiện ông Phạm Văn Công, đại úy công an huyện Vĩnh Lộc, sở hữu “biệt phủ” rộng tới 5.000m2 ngay mặt đường quốc lộ 217.

Chỉ là một đại úy công an nhỏ bé mà đã có khối tài sản lớn đến như thế, vậy những lãnh đạo cao cấp hơn sẽ có tài sản lớn đến bao nhiêu?

Câu trả lời thật khó. Nhưng hẳn dư luận vẫn chưa quên một ví dụ điển hình để tham chiếu là bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Bà Quỳnh Anh chỉ là một cán bộ tầm trung của Sở Xây dựng Thanh Hóa nhưng đã có trong tay khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng, gồm hàng loạt căn biệt thự, liền kề và những chiếc ô tô đắt đỏ như Cadilac, Mercedes.

Sự đối nghịch giữa một bên là quan chức với khối tài sản lớn và một bên là người dân với bữa cơm từ gạo cứu trợ có thể xem là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội Việt Nam.

Sự phân hóa giàu nghèo này không nên xem là một tất yếu của phát triển kinh tế mà cần phải được coi là một bất bình đẳng nghiêm trọng và là một nguy cơ lớn cho chế độ. Bởi sự phân hóa đó đến từ 2 giai tầng: quan chức và người dân.

Trong một xã hội dân chủ, còn có gì mỉa mai hơn là sự khốn cùng của người chủ và sự giàu lên của những công bộc mà nhiều khi sự giàu lên đó không được lý giải một cách thuyết phục.

Đại úy Phạm Văn Công nói rằng tài sản của ông có được là “nhờ mấy năm qua kinh doanh mỏ cát thuận lợi”. Một giải thích dễ nghe hơn những “buôn chổi đót”, “chạy xe ôm” hay “làm đến thối móng tay”… từng khiến dư luận ngán ngẩm.

Tuy nhiên, việc xem xét hoạt động kinh doanh mỏ cát của ông Công vẫn là điều không thể bỏ qua. Bởi ở một diễn biến khác, ông Công cho hay sở dĩ việc xây dựng “biệt phủ” trái phép diễn ra êm thấm trong hơn 1 năm trời là nhờ “được các anh em tạo điều kiện”.

Mức độ “tạo điều kiện” còn lớn hơn nữa khi ông Công thẳng thắn: “Nếu có đoàn kiểm tra tới, tôi có thể lách luật bằng cách cho vài bao gạo, ngô, khoai sắn... vào là thành kho chứa nông sản. Tôi nghiên cứu kỹ rồi, tới đây, Chủ tịch UBND huyện, thị sẽ có thẩm quyền ký quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả từ 20.000 m2 trở xuống để cho thuê 50 năm. Tôi sẽ trình Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc chuyển đổi toàn bộ số diện tích 4.590 m2 này là được”.

Thực là hiếm khi nào người ta "thẳng thắn" một cách hồn nhiên đến như vậy!

Có lẽ ông Công và cả lãnh đạo địa phương đều quên rằng đất đai đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Quản lý và sử dụng đất đai không hợp lý, gây thất thoát nguồn lực và lợi ích của nhà nước thì dẫu đến “củi tươi cũng phải cháy”, huống hồ là một sự việc tại cấp huyện.

Thụy Khanh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/goc-nhin-vnf-dat-thanh-hoa-gao-cuu-doi-va-biet-phu-dai-uy-20180504224206666.htm