Đặt tên cho những con đường

Là người con đất Việt nói chung, Thanh Hóa nói riêng, tuổi thơ của ai mà không được nuôi dưỡng trong lời ru ngọt lành của mẹ: 'Muốn coi lên núi mà coi/ Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng'. Bà Triệu - Triệu Thị Trinh là gương mặt tiêu biểu đại diện cho khí chất, tinh thần quả cảm, sự bất khuất, kiên trung của phụ nữ Việt trong những đêm trường Bắc thuộc.

Nét đẹp của thị trấn Hậu Lộc - nhìn từ đường Bà Triệu.

Sinh ra và lớn lên tại vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân, ngay từ thuở thiếu thời, Bà Triệu đã tỏ rõ chí khí hơn người. Năm 248, căm thù quân xâm lược giày xéo non sông, Bà Triệu đã cùng người anh của mình là Triệu Quốc Đạt tại vùng núi Nưa lau lách hoang sơ, địa hình hiểm trở ngày đêm tập hợp lực lượng, phất cờ khởi nghĩa. Câu nói của người con gái họ Triệu khi tuổi đời còn rất trẻ mãi vang vang trong trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Mặc dù chiến đấu rất kiên cường, có thời điểm nghĩa quân liên tiếp khiến quân địch hoảng sợ, chạy dạt, nhiều thành ấp của giặc Ngô lần lượt bị triệt hạ nhưng do sự tương quan lực lượng quá lớn, sau một cuộc bao vây ráo riết của quân giặc, Bà Triệu phải rút về núi Tùng (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc) rồi rút gươm tuẫn tiết tại đây. Tưởng nhớ công ơn của bà, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ, xây lăng mộ cho bà trên đỉnh núi Tùng, xây dựng đền thờ bà trên núi Gai và dựng một ngôi đình lớn ở giữa làng Phú Điền (cả 3 địa điểm này đều thuộc xã Triệu Lộc, Hậu Lộc), tôn bà làm Thần hoàng làng và quanh năm chăm lo việc thờ cúng.

Nhắc đến truyền thống cách mạng của quê hương Hậu Lộc, bên cạnh Lê Hữu Lập, mẹ Tơm... lịch sử ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Đinh Chương Dương. Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí Đinh Chương Dương đã đi khắp đó đây trên đất nước, sang Campuchia, Trung Quốc, thành lập và tham gia trong nhiều tổ chức yêu nước. Ông trải qua ba hệ ý thức tư tưởng: Thời kỳ đầu là tư tưởng của các sĩ phu yêu nước, thời kỳ thứ hai là theo tư tưởng quốc gia của các tầng lớp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cuối cùng là tư tưởng cộng sản. Dù ở bất kỳ hệ tư tưởng nào, đồng chí Đinh Chương Dương vẫn luôn hăng hái đấu tranh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Trải qua cảnh ngục tù khổ sở, bị tra tấn, hành hạ dã man nhưng đồng chí Đinh Chương Dương vẫn nêu cao tinh thần, khí tiết của người đảng viên kiên trung. Không chỉ hoạt động cách mạng nhiệt huyết, sôi nổi, đồng chí Đinh Chương Dương còn giác ngộ cho cả gia đình tham gia hoạt động cách mạng. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Muội, nuôi chồng, nuôi con, nuôi giấu các chiến sĩ cộng sản hoạt động. Cả sáu người con của ông, cả trai lẫn gái đều tham gia hoạt động cách mạng.

Nương theo dấu ấn lịch sử; đi giữa con đường Bà Triệu thênh thang nắng vàng; ngắm nhìn những biển tên tươi rói màu sơn, in đậm nét chữ được gắn ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc (theo Nghị quyết số 276/NQ-HĐND ngày 16-6-2020 của HĐND tỉnh) mới cảm nhận hết được sự vui mừng, phấn khởi xen lẫn niềm vinh dự, tự hào của đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Anh Hoàng Văn Minh (đường Bà Triệu, thị trấn Hậu Lộc) bộc bạch: “Tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào vì từ nay, trong địa chỉ gia đình mình có ghi tên con đường Bà Triệu - một nữ tướng, nữ anh hùng dân tộc. Không chỉ đối với đường Bà Triệu, việc đặt tên cho các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc theo tên các nhân vật lịch sử nổi tiếng là rất tốt, vừa giáo dục truyền thống cha ông vừa cho thấy bước phát triển trong quy hoạch đô thị của thị trấn”.

Việc đặt tên đường trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc gắn với tên những chiến sĩ cách mạng kiên trung tiêu biểu của huyện và tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển về mọi mặt của địa phương. Đây là nguồn động viên, động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Hậu Lộc kế thừa, phát huy truyền thống, không ngừng nêu cao tinh thần, nỗ lực phấn đấu xây dựng địa phương sớm trở thành đô thị văn minh. Ông Cao Công Thức, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hậu Lộc chia sẻ: “Việc đặt tên các tuyến đường trên địa bàn làm cơ sở cho việc đặt tên các ngõ, ngách, gắn biển số nhà trên địa bàn thị trấn và quy hoạch thị trấn mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội... là một trong những giải pháp hiệu quả, nhằm tăng cường chất lượng công tác quản lý đô thị, thuận lợi cho hoạt động giao dịch hàng ngày của Nhà nước và Nhân dân”. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh thị trấn sẽ có nhiều thay đổi về địa giới hành chính theo Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 ngày 16-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 4907/QĐ-UBND ngày 20-11-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc đến năm 2035. Theo đó, đến năm 2035, thị trấn Hậu Lộc sẽ mở rộng quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích của thị trấn Hậu Lộc, các xã Lộc Tân, Thịnh Lộc, Xuân Lộc và thôn Phú Thịnh, xã Phú Lộc với tổng diện tích là 1.458 ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2035 sẽ có khoảng 26.000 người. Mặt khác, việc đặt tên đường trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc gắn với các anh hùng dân tộc, chiến sĩ cách mạng kiên trung qua từng thời kỳ xây dựng và phát triển của tỉnh, huyện là điều kiện cần thiết để tiếp tục khẳng định, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa; góp phần nâng tầm mỹ quan đô thị, thể hiện sự phát triển về nét đẹp văn hóa đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay và trong tương lai.

Để việc đặt tên đường thực sự phát huy tối đa hiệu quả, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa tên gọi của các tuyến đường nhằm giáo dục, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa - lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước; từ đó ý thức được trách nhiệm của mình đối với mục tiêu chung xây dựng và phát triển thị trấn. Việc lắp đặt, gắn biển số nhà khi triển khai thực hiện phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, tuân thủ các quy hoạch được phê duyệt. “Trong thời gian tới, thị trấn tiếp tục huy động nguồn lực, thực hiện tốt việc chỉnh trang đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo xanh - sạch - đẹp, văn minh, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện” - ông Thức cho biết.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dat-ten-cho-nhung-con-duong/123953.htm