Đặt sức khỏe lên hàng đầu, Luật sẽ đi vào cuộc sống

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã đi đúng đường lối, chủ trương của Đảng trong phát triển bền vững, coi trọng bảo vệ sức khỏe người dân, đặt ưu tiên giảm thiểu các vấn đề xã hội, đói nghèo, an ninh trật tự… lên trên lợi ích về mặt kinh tế.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia:

Thứ Năm, 19/12/2019, 06:26:58

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Đây là những khẳng định của TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia khi chỉ còn 10 ngày nữa, Luật sẽ có hiệu lực trong cuộc sống.

Phóng viên: Thưa TS Nguyễn Huy Quang, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được đánh giá là có khá nhiều giải pháp mạnh nhưng vẫn còn một số điểm chưa được như mong muốn. Ông có ý kiến thế nào về những thách thức của việc triển khai Luật Phòng chống tác hại rượu, bia khi chỉ còn 10 ngày nữa, Luật sẽ có hiệu lực?

TS Nguyễn Huy Quang: Việc ban hành Luật này là một sự tiến bộ của Việt Nam trong việc hình thành thể chế pháp lý có hiệu lực cao về phòng, chống tác hại của rượu, bia, giúp phòng ngừa và giảm các yếu tố nguy cơ như bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tiểu đường, tim mạch, giảm các tác hại về xã hội, trật tự an toàn như tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, giảm chi tiêu ngân sách và tài chính của người dân trong khắc phục các hậu quả do rượu, bia.

Chiến lược toàn cầu về kiểm soát rượu, bia của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khuyến nghị về ba giải pháp chính sách thiết yếu, hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ và giảm tác hại của rượu, bia bao gồm: hạn chế tính sẵn có, dễ tiếp cận; kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, tiếp thị, tài trợ và tăng thuế cao đối với rượu bia. Luật phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam đã tiếp cận theo khuyến cáo này.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm trong Luật chưa thực hiện được đầy đủ theo khuyến cáo của WHO như: Chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia. Điều này làm cho giá rượu, bia ở Việt Nam trở nên rẻ và dễ mua. Các quy định về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại rượu, bia dưới 5,5 độ còn rất nhẹ trong khi đây là phân khúc chính chiếm tới gần 90% sản lượng, các quy định về quảng cáo, bán rượu, bia trên môi trường mạng còn lỏng và chưa có cơ chế kiểm soát khả thi. Việc quản lý cấm phép kinh doanh rượu, bia chưa có cơ chế để hạn chế mật độ điểm bán rượu, bia. Điều này làm cho rượu, bia rất dễ tiếp cận….

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải thấy một thách thức rất lớn nữa, đấy chính là tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam khá cao với khoảng 80% người trưởng thành có uống rượu, bia và trước đây chúng ta chưa có các quy định kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng rượu, bia nên việc thay đổi thói quen của người dân từ chỗ chưa có sự kiểm soát chuyển sang tuân thủ các quy định của Luật là rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực cao.

Tuy nhiên, chúng ta lại đang phải đối mặt với khó khăn là trong Luật không có một Quỹ Phòng chống tác hại của rượu, bia giống như Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá. Việc không có kinh phí ổn định và bền vững để triển khai luật trong điều kiện ngân sách hạn hẹp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thi hành Luật. Đặc biệt việc thiếu kinh phí cho thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức, vận động người dân thay đổi hành vi sẽ rất khó khăn.

Phóng viên: Với tư cách là đơn vị triển khai Luật, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã có những hoạt động triển khai như thế nào?

TS Nguyễn Huy Quang: Trên cơ sở tham mưu của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai Luật, trong đó giao Bộ Y tế, Bộ Công Thương xây dựng hai Nghị định và các Thông tư để hướng dẫn chi tiết thi hành luật.

Trong đó, Bộ Công thương xây dựng Nghị định quy định về quản lý kinh doanh rượu, bia, quản lý rượu thủ công; quy định liên quan đến vấn đề về sản xuất, nhập khẩu các loại bia rượu. Nghị định của Bộ Y tế hướng dẫn các địa điểm công cộng không uống bia, rượu; hướng dẫn việc quảng cáo rượu, bia qua môi trường mạng, mức chi ngân sách cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và phân công trách nhiệm trong tổ chức thi hành Luật. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch riêng để tổ chức triển khai Luật trong ngành y tế từ Trung ương đến cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật cũng đang được quan tâm thực hiện. Một số tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Luật tại địa phương…

Hiện nay, Bộ Y tế đã trình Chính phủ và các thành viên Chính phủ cho ý kiến vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về y tế, trong đó có đề xuất tăng nặng chế tài xử phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực rượu, bia để làm cơ sở thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Phóng viên: Trong 7 năm xây dựng luật, đã có sự mâu thuẫn và tranh luận rất lớn giữa các bên về vấn đề sức khỏe của người dân và lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp. Với tư cách là nhà làm luật, khi Luật này được ban hành và sắp có hiệu lực tới đây, ông có những chia sẻ gì?

TS Nguyễn Huy Quang: Đây là một đạo luật có xung đột rất lớn về mặt lợi ích, trong đó có lợi ích về chính sách an sinh xã hội và lợi ích liên quan đến kinh tế.

Về an sinh xã hội, chúng ta đều biết việc sử dụng rượu, bia nhiều sẽ ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, đến kinh tế của mỗi gia đình. Thay vì chăm lo ăn uống, học hành cho con cái, nhiều gia đình lại tốn chi phí cho rượu, bia. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực tình dục… cũng ngày một gia tăng có nguyên nhân do rượu, bia gây ra.

Hiện nay, tỷ lệ tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia chiếm tới 36%, gây thiệt hại khoảng 1% GDP, tương đương khoảng. Có nhiều trường hợp người đàn ông là trụ cột của gia đình nhưng không may bị tàn tật, trở thành gánh nặng cho gia đình là một sự ám ảnh đối với người thân và xã hội.

Để nói về mặt lợi ích kinh tế, tôi cho rằng, nếu như thu ngân sách khoảng 50 nghìn tỷ/năm tại thời điểm 2018 thì số tiền phải bỏ ra để khắc phục hậu quả của bia, rượu ở mức thấp nhất đã lên tới 65 nghìn tỷ/năm, nhiều hơn nguồn ngân sách thu được từ rượu, bia.

Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh, chúng tôi đã đánh giá và cân nhắc nhiều yếu tố khi xây dựng Luật, nhưng quan điểm xuyên suốt là phải đặt lợi ích sức khỏe của người dân, lợi ích về mặt an sinh - xã hội lên hàng đầu. Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã đi đúng đường lối, chủ trương của Đảng trong phát triển bền vững, coi trọng sức khỏe của người dân, coi trọng các vấn đề về xóa đói giảm nghèo, coi trọng các vấn đề về trật tự an toàn xã hội lên trên lợi ích về mặt kinh tế.

Xin cảm ơn TS Nguyễn Huy Quang!

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/42631502-dat-suc-khoe-len-hang-dau-luat-se-di-vao-cuoc-song.html