Đất sản xuất chồng lấn lâm phần Vườn quốc gia Chư Mom Ray, dân thiệt thòi

Người dân Kon Tum mong sớm giải quyết vụ trên 305 ha đất chồng lấn ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray để họ yên tâm sản xuất.

Gần 20 năm nay, hàng trăm hộ dân ở hai xã Mô Rai và Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum luôn lao động sản xuất trong tâm trạng bất an. Nguyên nhân là diện tích hơn 305 ha đất sản xuất mà người dân canh tác ổn định đã bị vẽ chồng vào Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray, nay là Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Mong diện tích đất này sớm bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý để được cấp quyền sử dụng ổn định cuộc sống là nguyện vọng của người dân nơi đây.

 Đất sản xuất được người dân làng Bar Gốc sản xuất ổn định từ trước khi thành lập Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Đất sản xuất được người dân làng Bar Gốc sản xuất ổn định từ trước khi thành lập Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Làng Bar Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy có trên 160 hộ dân với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn257ha. Mặc dù đã canh tác ổn định từ hàng chục năm nay, chính quyền địa phương cũng đầu tư nhiều công trình thủy lợi kiên cố để phục vụ sản xuất, song chưa hộ dân nào trong làng được cấp quyền sử dụng đất. Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray khuyến cáo người dân không được trồng cây lâu năm trên diện tích đất này.

Nguyên nhân là đất người dân đang canh tác nông nghiệp thuộc lâm phần do Vườn quốc gia Chư Mom Ray quản lý. Ông A Lẻo, một người dân làng Bar Gốc cho biết, dân làng đã đến đây định cư, trồng cấy từ trước khi tỉnh Kon Tum thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray vào năm 1997 và Thủ tướng có Quyết định thành lập Vườn quốc gia Chư Mom Ray vào năm 2002.

“Từ năm 1986 tách từ làng Chốt về đây, ở đây rồi. Khu này canh tác cũng lâu năm rồi. Hiện nay, bà con thích trồng cà phê nhưng khu bảo tồn không cho. Phải giúp cho bà con, chỗ nào đất thấp để chuyển đổi cây trồng. Nguyện vọng của bà con là Nhà nước sớm đo, cấp cho bà con sổ đỏ để canh tác”, ông A Lẻo nói.

Vì lý do đất thuộc lâm phần của Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray nên gần 20 năm qua, người dân làng Bar Gốc luôn phải lao động sản xuất trong tâm trạng bất an. Cùng với việc không được cấp quyền sử dụng đất, các hộ dân dù muốn chuyển đổi diện tích cây ngắn ngày sang trồng các loại cây lâu năm, như: cao su, cà phê, bời lời để có thu nhập cao, song vì chấp hành quy định nên hiện chủ yếu bà con vẫn chỉ trồng được cây sắn và lúa nước.

Ông Trần Văn Định, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn, người đã gắn bó, chứng kiến từng bước đổi thay ở vùng đất này khẳng định, toàn bộ diện tích người dân sản xuất ổn định từ trước thời điểm thành lập Vườn quốc gia Chư Mom Ray và cách đây 17 năm bà con đã có nguyện vọng được cấp quyền sử dụng đất.

“Toàn bộ diện tích này bà con đã sản xuất trước thời điểm năm 1997. Nguyện vọng của bà con sau khi thành lập Vườn quốc gia Chư Mom Ray là đề nghị Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con có quyền lợi. Tuy nhiên, do vướng diện tích nằm trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray, đã kiến nghị nhiều lần rồi nhưng do phải có quy trình, thủ tục chứ không thể nói một cái mà làm ngay được”, ông Trần Văn Định cho biết.

Cách đây 5 năm, các ngành chức năng của tỉnh Kon Tum, gồm: Sở Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng đại diện UBND huyện Sa Thầy, Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã tiến hành họp, thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xử lý diện tích đất chồng lấn theo quy định.

Mong muốn của địa phương là được điều chuyển diện tích trên 257ha đất ở xã Sa Sơn và hơn 47ha ở xã Mô Rai thuộc diện đất người dân sản xuất ổn định từ trước bị khoanh vẽ chồng thành lâm phần của Vườn quốc gia Chư Mom Ray về cho địa phương quản lý, song từ đó đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: “Huyện cũng đã có kiến nghị với tỉnh, kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum. Sở cũng có báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao lại đất này cho dân sản xuất. Không có thì cũng có chủ trương hỗ trợ kinh phí để cho dân trồng rừng, ổn định đời sống. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có trả lời là hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thống nhất nội dung này”.

Gần 20 năm đã trôi qua, vì hơn 305ha đất sản xuất bị khoanh vẽ chồng vào lâm phần của Vườn quốc gia Chư Mom Ray, hàng trăm hộ dân ở ở xã Mô Rai và Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong lao động sản xuất.

Sự thiệt thòi ấy còn chưa biết đến bao giờ mới kết thúc vì xem ra hành trình vẽ lại bản đồ, chuyển trả lại đất cho chính quyền địa phương quản quản lý để có cơ sở cấp quyền sử dụng cho dân cũng không phải là chuyện một sớm một chiều./.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dat-san-xuat-chong-lan-lam-phan-vuon-quoc-gia-chu-mom-ray-dan-thiet-thoi-941384.vov