Đất rừng bị trục lợi, rơi vào nhóm lợi ích?

'Nếu chúng ta xem lại những người nắm một lượng diện tích đất lớn, đất tốt của nông lâm trường, hay danh sách của những người phát canh thu tô ở các địa phương, không nhỏ trong số họ là cán bộ hoặc liên quan đến cán bộ…'.

Mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn của Công TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, Bắc Giang.Ảnh: Đại Tiến

Mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn của Công TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, Bắc Giang.Ảnh: Đại Tiến

Đó là chia sẻ của TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn với PV Tiền Phong, bên lề tọa đàm về mô hình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, ngày 21/8.

Thiếu vốn, nợ đầm đìa, lo mất khoáng sản

Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trước đây, Yên Bái có 9 lâm trường quốc doanh, tỉnh định hướng chuyển 3 lâm trường thành ban quản lý rừng phòng hộ, 4 lâm trường thành Cty TNHH một thành viên và giải thể 2 lâm trường thua lỗ. Tuy nhiên, phương án cổ phần hóa, hoặc chuyển sang công ty 2 thành viên trở lên với 4 Cty TNHH một thành viên gặp vướng mắc, nhất là vấn đề kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.

“Với 4 lâm trường quy mô vốn nhỏ, thường xuyên thiếu vốn sản xuất. Diện tích cả 4 lâm trường chỉ khoảng 4.400 ha, chiếm 70% diện tích được giao, còn 30% diện tích đất đã giao nhưng không quản lý được”, ông Duy nói. Trong khi đó, đến nay, hai lâm trường (Văn Yên, Lục Yên) cũng chưa giải thể được, số nợ tới 40 tỷ đồng, trong khi phương án phá sản không được đề cập trong nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118. “Về giải thể, có bán hết tài sản cũng không đủ để trả nợ, trong khi đó tài sản trên đất là của dân. Do không có phương án phá sản, nên tỉnh lúng túng với 2 trường hợp này”, ông Duy nói.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, tỏ ra lo lắng về phương án sắp xếp. “Quảng Ninh đất rừng nhiều, nhưng dưới đất rừng lại nhiều khoáng sản. Cổ phần hóa thì nhiều anh muốn mua, nhưng quản lý kiểu gì, vì dưới đó là khoáng sản”, ông nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hậu cho biết, với 8 công ty lâm nghiệp, tỉnh sẽ chuyển 5 công ty lâm nghiệp thành Cty TNHH 2 thành viên trở lên. Do dưới rừng là khoáng sản, nên Quảng Ninh xây dựng tiêu chí khắt khe để chọn thành viên thứ 2 trở lên. Trong đó phải quy định rõ thành viên Nhà nước có quyết định như thế nào với kế hoạch kinh doanh, phát triển của đơn vị, trên cơ sở đó mới quản lý được tài nguyên dưới đất của đơn vị sau sắp xếp.

“Đây là nguyên tắc tiên quyết để quyết định lựa chọn thành viên thứ 2 trở lên, nếu không, Nhà nước không quản lý được phần tài nguyên dưới đất khi sắp xếp, cổ phần hóa các đơn vị”, ông Hậu nói.

Một lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đang sắp xếp 15 công ty lâm nghiệp, 10 công ty nông nghiệp. Cả 25 công ty này sau sắp xếp sẽ bàn giao về cho tỉnh khoảng 40.000 ha đất. Tuy nhiên, tỉnh chưa có tiền đo đất, cắm mốc, phương án chuyển đổi… trong khi tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra thường xuyên.

Tránh đầu cơ, trục lợi

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đặng Kim Sơn nói rằng, việc sắp xếp các công ty nông lâm trường thời gian qua rất khó khăn, phức tạp, bởi, quá trình này diễn ra từ những năm 1980 đến nay, trên những địa bàn phức tạp, gắn liền với quá trình chuyển đổi tổ chức sản xuất của các nông lâm trường giữa các bộ, ngành, địa phương. Thách thức lớn nhất là vấn đề sử dụng, quản lý đất nông lâm nghiệp. Thời gian qua, việc quản lý về cột mốc, ranh giới, xây dựng hệ thống dữ liệu bản đồ không chặt chẽ, nên nảy sinh việc chồng lấn, xen kẽ, cả về mục đích sử dụng lẫn đối tượng sử dụng.

“Khi sắp xếp nông lâm trường quốc doanh, chính sách thay đổi nhiều, không nhất quán. Nhiều trường hợp, lãnh đạo các nông lâm trường các thời kỳ cho thuê, giao khoán, liên doanh, liên kết thiếu kiểm soát, tạo nên tình trạng phát canh thu tô, sử dụng sai mục đích, sử dụng quá mức pháp luật cho phép và chúng ta lại chậm xử lý”, ông Sơn nói.

“Bất cập ở chỗ, một mặt chúng ta lãng phí khá nhiều đất đai nông lâm trường, mặt khác lại không tập trung được một quỹ đất lớn, có khả năng giao vào tay cho chủ đầu tư có năng lực”, TS Sơn nói. Ông cũng lưu ý, có những đối tượng không phải nhà đầu tư mà là đầu cơ, họ giữ đất vì mục đích khác, hoặc chờ tăng giá để kiếm lời. Do vậy, cần có cơ chế lọc các nhà đầu tư này ra, chọn được nhà đầu tư chiến lược cho nông lâm trường, nhằm dẫn dắt, xây dựng các chuỗi giá trị.

TS Sơn cũng lo ngại quá trình sắp xếp nông lâm trường, cũng tạo ra những kẽ hở, để nhóm lợi ích lợi dụng, thâu tóm phần diện tích đắc địa. Do vậy, cần có cơ chế giám sát để cán bộ địa phương làm gương, chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. “Cần có chính sách kiên quyết, vạch lại rõ ràng diện tích nào, địa bàn nào, đối tượng nào sử dụng sai mục đích, kiên quyết có biện pháp thu hồi, khắc phục, giao về tay nhà nước, giao các Nhà đầu tư xứng đáng, có năng lực, giao cho người dân cần đất”, ông nói.

Tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, liên quan đất đai nông lâm trường, ngày 23/8 sẽ có tọa đàm bàn sâu vấn đề này. “Cái bất cập nhất hiện nay là phải làm rõ đất nào là đất tranh chấp, đất nào là đất lấn chiếm, bởi hai khái niệm này khác nhau. Nhiều người muốn chuyển đất lấn chiếm thành đất tranh chấp, để sau này hưởng đền bù… Đâu có được. Anh đã lấn chiếm trái phép thì không có chuyện giải quyết gì cả”, Phó Thủ tướng nói.

Đề xuất phá sản nông lâm trường thua lỗ
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đến năm 2020, phải sắp xếp xong các nông lâm trường. “Sắp xếp là giai đoạn đầu tiên, vấn đề sau đó là đổi mới, phát triển và cho kết quả thế nào mới quan trọng”, ông Huệ nói.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần nghiên cứu phương án đề xuất phá sản với những nông lâm trường không giải thể được. Còn nếu không cho phá sản, mà giải thể được thì phải có cơ chế tài chính đặc thù.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/dat-rung-bi-truc-loi-roi-vao-nhom-loi-ich-1455223.tpo