Đất nước hào sảng qua những bản hùng ca

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và giặc Mỹ xâm lược, nền âm nhạc cách mạng đã sớm hình thành với nhiều tên tuổi tài hoa. Sự kết hợp giữa giai điệu và ca từ của những nhạc sỹ đã vẽ nên một dáng hình Việt Nam vô cùng hào sảng trong âm nhạc cách mạng…

Bài hát "Cùng nhau đi hồng binh" của nhạc sỹ Đinh Nhu được biểu diễn nhiều lần trên sân khấu đã tái hiện lại không khí sôi nổi, hào hùng một thuở (ảnh Internet)

Với tài năng thiên bẩm, kiến thức thu nhận được và đặc biệt là lòng yêu nước nồng nàn, các thế hệ nhạc sỹ đã sáng tác nhiều bản hùng ca hào sảng về đất nước ngay trong những đau thương, mất mát của chiến tranh. Có thể nói, giải phóng dân tộc và ngợi ca Tổ quốc là chủ đề xuyên suốt trong các giai đoạn lịch sử của đất nước.

Ra đời trong nhà tù Hỏa Lò năm 1930, bài hát Cùng nhau đi hồng binh của nhạc sĩ Đinh Nhu với giai điệu và cảm xúc hùng hồn, rộn rã, tự hào đã sớm được phổ biến trong cả nước, là nguồn cổ vũ lớn cho anh em bạn tù. Hơn vạn lời tuyên truyền, những giai điệu hào sảng ấy đã động viên tinh thần quân dân ta rất lớn: Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…. Về sau, dù một số ca từ không còn phù hợp với thời đại nữa nhưng giai điệu hào hùng ấy vẫn đồng hành, cổ vũ, động viên tinh thần của quân và dân ta.

Sau Đinh Nhu, nền âm nhạc Việt Nam xuất hiện các nhạc sĩ tài hoa khác như: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… Những ca khúc của họ như Lên đàng, Diệt phát xít, Xếp bút nghiên, Du kích ca, Bạch Đằng Giang đều là những bản hùng ca đầy niềm tự hào dân tộc, đầy khí thế tiến công giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Với nhịp hành khúc đến tráng lệ, đầy sức chiến đấu và lời ca hùng hồn, đậm niềm tự hào dân tộc, ca khúc "Tiến quân ca" đã khích lệ, động viên tinh thần chiến sĩ khi ra mặt trận, với lý tưởng “chung lòng cứu quốc”. (Ảnh Internet)

Đặc biệt, trong giai đoạn này, Quốc ca của đất nước đã xuất hiện. Ra đời năm 1944, ca khúc Tiến quân ca sau khi in trên Báo Văn nghệ đã trở thành một ca khúc nổi tiếng. Với nhịp hành khúc đến tráng lệ, đầy sức chiến đấu và lời ca hùng hồn, đậm niềm tự hào dân tộc, ca khúc đã khích lệ, động viên tinh thần chiến sĩ khi ra mặt trận, với lý tưởng “chung lòng cứu quốc”. Bản hùng ca ấy có sức mạnh tiềm ẩn làm thức dậy tinh thần, tính cách anh hùng trong mỗi con người. Với việc được lựa chọn làm Quốc ca, Tiến quân ca đã trở thành mốc son chói lọi trong các sáng tác về đất nước. Bài hát cũng chính là động lực để nhạc sỹ Văn Cao tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc “đóng đinh” trong lòng khán thính giả cũng như nền âm nhạc Việt Nam như: Mùa xuân đầu tiên, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, Làng tôi, Tiến về Hà Nội, Sông Lô, Tình ca trung du…

Trong những giai đoạn lịch sử tiếp nối, chủ đề đất nước tiếp tục được các thế hệ nhạc sỹ tô đậm thêm bằng rất nhiều ca khúc hào sảng như: Việt Nam trên đường chúng ta đi (Huy Du), Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), Làng tôi (Hồ Bắc), Đất nước (Phạm Minh Tuấn), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến)... và hàng loạt ca khúc ghi lại bước hành quân, những khoảnh khắc trên chiến trường, nơi hậu phương của quân và dân ta. Ẩn hiện trong đó, chính là dáng hình yêu thương, là tầm vóc đất nước.

Quần đảo Trường Sa vừa là đề tài cho các nhạc sỹ vừa trở nên hào sảng hơn qua các sáng tác âm nhạc (Ảnh Internet)

Hình ảnh đất nước còn được khắc họa độc đáo trong những ca khúc về biển cả, về đảo xa. Từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước đến nay, nền âm nhạc cách mạng trở nên đa sắc, đa chiều hơn trong các sáng tác về tình yêu biển đảo. Nếu như Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước, Bạch Long Vỹ đảo quê hương của Huy Du là bản hùng ca hào sảng thì Việt Nam quê hương tôi của Đỗ Nhuận, Nha Trang mùa thu lại về của Văn Ký, Chiều trên bến cảng của Nguyễn Đức Toàn, Nơi đảo xa của Thế Song, Gần lắm Trường Sa ơi của Huỳnh Phước Long… lại là những bản tình ca thiết tha, trìu mến. Nhưng dù hào hùng hay mềm mại, tha thiết, khán thính giả vẫn cảm nhận được rất rõ tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong mỗi giai điệu lời ca, vẫn thấy trong đó lừng lững bóng hình đất nước.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, âm nhạc luôn đồng hành và các nhạc sỹ đã trở thành người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa. Âm nhạc cách mạng không chỉ khắc họa hình ảnh của đất nước mà còn khắc tạc vào tâm tư mỗi con người tình yêu quê hương, đất nước một cách cụ thể hơn, sâu sắc hơn.

Anh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-giai-tri/dat-nuoc-hao-sang-qua-nhung-ban-hung-ca/160381.htm