Đất nước của những cơ hội kinh tế

Thời gian gần đây, báo chí khu vực và quốc tế liên tục có những bài viết đánh giá về những thành quả, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam và lý giải tại sao Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư nước ngoài.

Trong bài viết với tiêu đề “Vì sao các nhà đầu tư coi Việt Nam là "ngôi sao" tiếp theo của thế giới đang phát triển?” đăng trên tờ The Telegraph của Anh, ông Tom Stevenson, Giám đốc đầu tư tại Công ty Fidelity International cho rằng tiềm năng về lực lượng lao động, quá trình đô thị hóa, lợi thế về vị trí địa lý… là những yếu tố khiến Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Stevenson, Việt Nam có quy mô dân số hơn 95 triệu dân, một nửa trong số đó ở độ tuổi lao động và hai phần ba dưới 35 tuổi. Người Việt Nam được giáo dục tốt và rất nỗ lực. Lực lượng lao động của Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển với 1 triệu lao động tham gia vào thị trường mỗi năm.

“GDP của Việt Nam đang tăng trưởng ở mức xấp xỉ 7% mỗi năm và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà này trong tương lai gần. Phần lớn sự tăng trưởng của Việt Nam đang được thúc đẩy bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Samsung đã sản xuất phần lớn sản phẩm điện thoại thông minh tại Việt Nam. Hoạt động sản xuất lớn thứ hai của tập đoàn Intel bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ cũng là ở Việt Nam. Những đôi giày và nhiều bộ quần áo bạn đang mặc, rất có thể được sản xuất tại Việt Nam”, tác giả bài viết dẫn chứng.

 Grab thông báo sẽ đầu tư 500 triệu USD để mở rộng mạng lưới tại Việt Nam trong 5 năm tới. Ảnh: EPA.

Grab thông báo sẽ đầu tư 500 triệu USD để mở rộng mạng lưới tại Việt Nam trong 5 năm tới. Ảnh: EPA.

Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về địa trí địa lý khi nằm ở sườn phía nam của Trung Quốc và dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ dân này. Đô thị hóa cũng là một động lực chính khác của tăng trưởng tiêu dùng và dự kiến quá trình đô thị hóa tại Việt Nam sẽ được đẩy nhanh tốc độ trong thời gian tới.

Trong một bài viết khác đăng trên tờ “Liên hợp buổi sáng" (Singapore), Tổng giám đốc quản lý và tư vấn đầu tư nước ngoài thuộc ngân hàng UOB, Sam Cheong Chwee, cho rằng Việt Nam đang trở thành “ngôi sao sáng” về thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Đông Nam Á. Theo đó, những năm gần đây, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào thị trường Việt Nam không ngừng gia tăng. Số liệu thống kê của hội nghị về thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, chỉ riêng trong năm 2018, Việt Nam đã thu hút được lượng vốn FDI lên tới 16 tỷ USD.

Ông Sam Cheong Chwee nhấn mạnh, có được những thành quả nói trên là nhờ Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trọng tâm, qua đó giúp nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chẳng hạn như việc quy hoạch và xây dựng thành phố cảng Hải Phòng thành một trung tâm kinh tế mới tại khu vực Đông Bắc đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

“Sự tăng trưởng về kinh tế và công nghiệp sẽ giúp Việt Nam luôn là đối tác và thị trường quan trọng tại khu vực Đông Nam Á trong khoảng một thập kỷ tới”, ông Sam Cheong Chwee đưa ra kết luận trong bài viết trên tờ báo của Singapore.

Tương tự, tờ Korea JoongAng Daily mới đây cũng có bài viết nhận định Việt Nam là một “đất nước của những cơ hội kinh tế” và đang trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á. Các công ty Hàn Quốc hiện nay đang tiếp tục tăng cường hợp tác và đầu tư tại Việt Nam, điển hình là việc các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyosung và Kumho đang đầu tư vào các tổ hợp sản xuất lớn tại Việt Nam.

Về hợp tác thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong những năm tới, Việt Nam có thể tăng vai trò là trung tâm sản xuất của Hàn Quốc, đồng thời giúp nước này phát triển các công nghệ của riêng mình. Tổng số vốn mà các công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn 1992-2017 đã cán mốc 50 tỷ USD.

Bài viết cho rằng chỉ riêng quy mô đầu tư đã cho thấy sự kỳ vọng của các công ty Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam, và những thay đổi mạnh mẽ trong việc chào đón đầu tư nước ngoài được coi là yếu tố then chốt trong việc bảo đảm Việt Nam nhanh chóng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dat-nuoc-cua-nhung-co-hoi-kinh-te-593438