Đất nước của mình

'Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba'. Hôm nay, con dân nước Việt hướng về Đất Tổ tưởng nhớ các vua Hùng, những vĩ nhân của dân tộc buổi đầu dựng nước.

Cháu con Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ.

Thời đại Hùng Vương mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc với công nghiệp vô cùng vẻ vang, dựng nên Nhà nước Văn Lang cho người Việt Nam. Để rồi, các thế hệ con cháu muôn đời có một mái nhà chung là Đất Nước của mình. Nước Việt mến yêu.Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, những tấm gương tiền nhân luôn soi sáng con đường chúng ta đi. Trải qua biết mấy thăng trầm, biết bao cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ để giữ nước, giành bằng được tự do cho dân tộc, để người Việt Nam được là người Việt Nam kiêu hãnh ngẩng cao đầu thì công lao to lớn và chiến công hiển hách của những bậc dựng nước, của Vua Hùng và thời đại Hùng Vương là một mốc son chói lọi.

Hôm nay, chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên, tự hào về tổ tiên của mình, và điều đó càng thúc giục mỗi người chúng ta phải làm gì đó để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc kiến thiết đất nước, để đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu- vị lãnh tụ vĩ đại cùng Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh dựng nên một nước Việt Nam mới “chưa có tiền lệ trong lịch sử”. Đó là Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân.

Tự hào về Thời đại Hùng Vương của các Vua Hùng, chúng ta cũng vô cùng tự hào được sống trong Thời đại Hồ Chí Minh; được thụ hưởng thành quả từ những cuộc kháng chiến trường kỳ, từ những đau thương mất mát vô bờ bến của cả dân tộc. Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước của dân tộc trong thế kỷ XX là bản tráng ca bất diệt. Như Bác Hồ nói khi Người cùng những chiến sĩ thân yêu của mình dừng chân tại Đền Hùng trước khi về tiếp quản Thủ đô (năm 1954), rằng “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Dựng nước và giữ nước- trọng trách vô cùng nặng nề. Muốn làm được thì phải đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi một dân tộc đã đoàn kết lại, cùng chung ý chí thì không một sức mạnh nào, cho dù tàn bạo nhất, man rợ nhất có thể đánh bại. Truyền thống đoàn kết của người Việt có từ trong sâu thẳm của ký ức, nó kết tinh từ những ngày đầu các Vua Hùng dựng nước và lan tỏa, trao truyền mãi mãi cho các thế hệ con cháu mai sau.

Đoàn kết là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta. Trước những khúc quanh của lịch sử thì tinh thần đoàn kết càng ngời sáng. Chính vì thế, trong suốt chiều dài lịch sử, trước bao phen bị các thế lực ngoại bang xâm chiếm, nhưng cho dù chúng đến từ đâu, mạnh đến đâu thì người Việt Nam cũng không chịu sống quỳ. Âm thầm và dữ dội, người Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác chiến đấu giành độc lập tự do. Trong đêm dài nô lệ, những người con ưu tú của dân tộc được nhân dân đùm bọc chở che, và họ đã cùng nhân dân của mình bước vào những cuộc chiến đấu không cân sức, với niềm tin mãnh liệt vào tương lai- đó là độc lập cho đất nước, tự do của giống nòi.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay cũng trùng với dịp kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt- nhà nước khẳng định dứt khoát nền độc lập của người Việt Nam, mở ra và khẳng định truyền thống xưng Đế, tập quyền, thống nhất, các nguyên tắc cơ bản trong đường lối đối nội, đối ngoại trên tinh thần độc lập. Đây cũng là điểm bắt đầu của thời kỳ phục hưng mạnh mẽ của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Các sử gia đời sau cho rằng, việc Vua Đinh Tiên Hoàng chấm dứt loạn 12 sứ quân là rất kịp thời, nếu không có sự thống nhất quốc gia thì đất nước khó thoát khỏi họa xâm lăng từ phương Bắc một lần nữa (nhà Tống). Nhận xét về Đinh Tiên Hoàng đế, sử gia Lê Văn Hưu cho rằng, có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết.

Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt đã khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau ngàn năm Bắc thuộc. Ngày 12/4 vừa qua, tại một hội thảo khoa học quốc gia nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt tổ chức tại Ninh Bình- nơi Đinh Tiên Hoàng đế lập kinh đô, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, thì cũng nên có ngày Quốc lễ từ sự kiện thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt, để tôn vinh vai trò, ý nghĩa của Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử đất nước.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh đô về Hoa Lư đã thể hiện tinh thần bình đẳng với các Hoàng đế phương Bắc. Nước ta có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Quốc khánh 2-9, là ngày giành được chính quyền sau gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Ngày 30/4 là ngày thống nhất đất nước. Sự kiện Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán và ngày Đinh Bộ Lĩnh lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt cũng xứng đáng được lựa chọn là ngày lễ quốc gia - Quốc lễ.

Hai sự kiện trọng đại: Giỗ Tổ Hùng Vương và kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt cùng một thời điểm càng làm chúng ta khắc ghi công lao trời biển của tiền nhân, của những người mở nước, dựng nước và của biết bao con dân nước Việt bằng cách này hay cách khác đóng góp, hy sinh vì sự trường tồn của quốc gia, dân tộc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”- lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là lời hiệu triệu đối với tất cả những người Việt Nam yêu nước thương nòi. Cho dù ở bất cứ cương vị nào, ở bất cứ nơi đâu cũng đều cố kết trong ý nghĩa “đồng bào”.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/dat-nuoc-cua-minh-tintuc401925