Đất nước bước vào thế kỷ mới

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới. Toàn Đảng, toàn dân vững bước vào thế kỷ XXI.

Thời gian: 19 đến 22/4/2001. Địa điểm: Hà Nội. Số lượng đại biểu tham dự Đại hội: 1.168. Số lượng đảng viên trong nước: gần 2,5 triệu

BỐI CẢNH CHUNG

Kết thúc thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI. Toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Quan hệ song phương, đa phương giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt và công nghệ thông tin và công nghệ sinh học tiếp tục có bước phát triển nhảy vọt, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thành tựu quan trọng sau 15 năm đổi mới tạo thế và lực thúc đẩy công cuộc đổi mới nước ta đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối phó với những thách thức: tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chệch hướng XHCN, nạn tham nhũng quan liêu, “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch gây ra.

PHÁT HUY SỨC MẠNH

TOÀN DÂN TỘC, ĐẨY MẠNH

CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

Ðại hội nhìn lại chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam; tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội VIII; 15 năm đổi mới đất nước, 10 năm thực hiện chiến lược KT-XH, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong 20 năm đầu của thế kỷ 21; vạch ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Ðảng ta ngang tầm đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới; sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ Ðảng.

Ðại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị với tiêu đề “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Ðại hội đánh giá: Thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển KT-XH (1991-2000), chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Nền kinh tế từ tình trạng hàng hóa khan hiếm nghiêm trọng nay sản xuất đã đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhân dân và nền kinh tế; từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp đã chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN; từ chỗ chủ yếu chỉ có hai thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đã chuyển sang nền kinh tế có nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Ðời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện. Ðất nước đã ra khỏi khủng hoảng KT-XH; phá được thế bị bao vây cấm vận, mở rộng được quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Về những kinh nghiệm sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới, Ðại hội chỉ ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu. Ðó là, trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Ðổi mới phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Ðường lối đúng đắn của Ðảng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới.

Về đường lối phát triển KT-XH, Ðại hội IX của Ðảng nêu rõ: Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng XHCN; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN.

Mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2001-2010 là: Ðưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

SỰ KIỆN TRONG NƯỚC

- 29/4/2000: Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ trần.

- 13/7/2000: Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định thương mại. Sau đó hơn một năm, 11/12/2001, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ chính thức có hiệu lực.

- 20/7/2000: Mở thị trường chứng khoán tại Việt Nam, đưa Trung tâm giao dịch chứng khoán tại TP.Hồ Chí Minh vào hoạt động.

- 16 đến 19/11/2000: Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam.

- 28/12/2000: Tuyên bố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ trong cả nước.

SỰ KIỆN QUỐC TẾ

- 26/3/2000: V.Putin được bầu làm Tổng thống Nga.

- 13 đến 15/6/2000: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng, mở đầu tiến trình hòa giải giữa hai miền Triều Tiên sau 55 năm chia cắt.

- 11/9/2001: Nước Mỹ bị tiến công khủng bố ở Washington và New York, làm gần 3.000 người thiệt mạng.

- 11/12/2001: Trung Quốc trở thành thành viên thứ 143 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

XUÂN HOÀNG (Nguồn: daihoidang.vn)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202101/dai-hoi-dang-lan-thu-ix-dat-nuoc-buoc-vao-the-ky-moi-919142/