Đất nhiễm nấm gây bệnh, nhiều vùng ở Nghệ An ngừng trồng mới cam Vinh

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo tại một số địa phương có đất bị nhiễm nấm, người dân nên ngừng trồng mới cam Vinh, chuyển đổi sang trồng một số cây ngắn ngày để cải tạo đất.

Cam nhiễm bệnh hàng loạt

Quỳ Hợp là “thủ phủ” cam Vinh, trong đó diện tích cam phần lớn nằm trên địa bàn 2 xã: Minh Hợp và Nghĩa Xuân. Một thực trạng khiến người trồng cam ở đây thất thu trong những năm qua là nhiều vườn cam bị nhiễm bệnh, cây còi cọc, quả rụng non hàng loạt…

Vùng cam Vinh ở Quỳ Hợp rụng non hàng loạt trong nhiều năm qua. Ảnh: Quang An

Vùng cam Vinh ở Quỳ Hợp rụng non hàng loạt trong nhiều năm qua. Ảnh: Quang An

Ông Huỳnh Hữu Phước - chủ vườn cam 3 ha, ở xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp cho rằng: Nguyên nhân cam rụng nhiều là do cây cam bị nhiễm bệnh. Còn bệnh gì thì người trồng cam chưa biết được nguyên nhân, chỉ biết lá cam chuyển sang vàng chè, cây còi cọc.

“Có lẽ phải chặt bỏ hết vườn cam để trồng mới, hoặc chuyển sang trồng cây ngắn ngày để cải tạo lại đất, chứ nếu tiếp tục đầu tư chăm sóc vào vườn cam này sẽ thất bại, vì cây cam khó tính, cần đầu tư lớn” - ông Huỳnh Hữu Phước băn khoăn.

Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp) hiện có 330 ha cam kinh doanh. Tình trạng cam non rụng xảy ra từ nhiều năm nay, chủ yếu do cây bị nhiễm bệnh. Cây cam nhiễm bệnh, quả cam giảm chất lượng, giá bán thấp, nên người trồng cam không có lãi.

Những vườn cam còi cọc vì bị nhiễm bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Quan sát cho thấy, trên các trục đường vùng cam ở Quỳ Hợp, xuất hiện nhiều đống gốc rễ cam vừa được đào lên phơi khô làm củi. Người dân cho biết, cam bị nhiễm bệnh nặng, nên người ta phải đào lên để trồng cây khác.

Không những Quỳ Hợp, mà nhiều vùng cam Vinh ở Con Cuông, Tân Kỳ... cũng bị nhiễm bệnh nặng, cam rụng non hàng loạt.

Ngừng trồng mới cam

Ông Võ Văn Phong - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp) thông tin, trước thực trạng vùng cam Quỳ Hợp bị nhiễm bệnh nặng, cuối năm 2020, đơn vị đã mời Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) lấy mẫu đất xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân cây cam bị nhiễm bệnh. Sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu đất vùng trồng cam Quỳ Hợp bị nhiễm nấm Phytophthora gây bệnh trên cây cam vượt ngưỡng cho phép, công ty dừng ngay việc ươm cây giống, đồng thời khuyến cáo người dân ngừng trồng mới cam.

Người trồng cam ở Quỳ Hợp bất lực trước những cây cam bị bệnh vàng chè. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho rằng: Kết quả xét nghiệm mẫu đất của Viện Bảo vệ thực vật tại vùng trồng cam của huyện Quỳ Hợp có nhiễm nấm Phytophthora gây bệnh cho cây cam, là cơ sở để các địa phương có giải pháp khôi phục lại vùng cam trọng điểm của cam Vinh sau nhiều năm xuống cấp do sâu bệnh gây hại.

Nhiều gốc cam bị bệnh người dân đào lên phơi khô làm củi. Ảnh: Quang An

Ông Đức khuyến cáo, ngoài huyện Quỳ Hợp, một số vùng trồng cam nhiều năm của các huyện: Tân Kỳ, Con Cuông, Anh Sơn cũng nên ngừng trồng mới cam để cải tạo lại đất. Trừ một số vùng trồng cam mới như: Yên Thành, Thanh Chương có thể giữ nguyên, hoặc trồng mới. Những vùng đất trồng cam đã bị nhiễm nấm gây bệnh như đã khuyến cáo, ngoài ngừng trồng mới, nên phá bỏ cây cam nhiều năm tuổi, chuyển sang luân canh trồng mía, ngô, ổi, lạc, đậu… trong vòng 3 đến 5 năm.

Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, bà con nên bổ sung hàm lượng mùn cho đất, như bón phân hữu cơ, vi sinh, kết hợp tăng cường bón vôi bột khử nấm./.

Xuân Hoàng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/dat-nhiem-nam-gay-benh-nhieu-vung-o-nghe-an-ngung-trong-moi-cam-vinh-282511.html