Đất mới cho ban nhạc trẻ

Dương Cầm đã quyết định mở ra series Bandlands Channel, trước hết là làm ra một sân chơi đúng nghĩa dành cho các ban nhạc.

Nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Dương Cầm.

Nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Dương Cầm.

Vài năm gần đây, sân chơi dành cho ban nhạc được để ý hơn. Song thực tế là vẫn còn khoảng trống, khi mà không có nhiều sân chơi có thể diễn ra định kỳ, thường xuyên. Với ý muốn hướng tới một sân chơi dành riêng cho các ban nhạc, trở thành vùng đất mới ươm mầm, phát hiện, phát triển các ban nhạc trẻ tài năng, triển vọng của Việt Nam, chương trình Bandland vừa chính thức ra mắt qua hình thức ghi hình và lên sóng đều đặn trên YouTube.

Nơi thể hiện đam mê

Nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Dương Cầm là người sáng lập cho chuỗi chương trình Bandland nhìn nhận, cách đây 10 năm, đời sống của các ban nhạc vẫn rất sôi động nhưng kể từ khi thời đại công nghệ kĩ thuật số ra đời, âm nhạc điện tử phát triển thì các ban nhạc đã không còn thịnh hành như trước nữa.

Nhận ra điều này, trong tư cách của một nhà sản xuất âm nhạc, Dương Cầm đã quyết định mở ra series Bandlands Channel, trước hết là làm ra một sân chơi đúng nghĩa dành cho các ban nhạc. Bandlands sẽ thực sự là một nơi để sống, để thỏa niềm đam mê âm nhạc dành cho các ban nhạc.

Bandland được thực hiện theo mô hình live in studio lên sóng trên kênh YouTube Bandland Channel. Trong 3 tháng vừa qua, Bandland đã thực hiện được 13 số, giới thiệu 7 ban nhạc, lên sóng đều đặn vào mỗi tối thứ 5 hàng tuần.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến mới thì hình thức này được cho là cách làm sáng tạo, không chỉ tạo sân chơi cho các ban nhạc mà còn mang tới cho khán giả những “thực đơn” giải trí mới mẻ. Đến thời điểm này, Bandland đã thu hút được hơn 100 ngàn lượt xem (view), đặc biệt đón nhận nhiều sự hào hứng của khán giả trẻ cho một sân chơi mới dành riêng cho các ban nhạc trẻ, đặc biệt là những ban nhạc indie.

Giữ vai trò nhà sản xuất, nhạc sĩ Dương Cầm cũng chính là người chịu trách nhiệm về âm nhạc. Sau 13 số đầu tiên, Bandland không chỉ gây ấn tượng về chất lượng âm thanh trong studio mà còn sống động về khả năng diễn live của các ban nhạc qua phần xử lý hậu kỳ được sản xuất bởi ê-kíp Bandland.

Là người được nuôi dưỡng và trưởng thành từ mô hình ban nhạc, và hiện đang là trưởng ban nhạc Background, Dương Cầm hiểu hơn ai hết nhưng khó khăn để duy trì và phát triển ban nhạc ở Việt Nam. Anh cho rằng, hiện nay các ban nhạc đang thiếu những sân chơi.

“Ngay cả tôi và các thành viên trong ban nhạc của mình cũng thiếu một sân chơi. Đa phần các ban nhạc thường chơi nhạc trong các bar, sân khấu ở quán cà phê nhạc sống, thậm chí chơi ở nhà hàng, tiệc cưới. Chúng ta đang thiếu sân chơi, cũng như sân khấu chuyên nghiệp dành cho ban nhạc”- Dương Cầm nói.

“Các ban nhạc hiện nay, các bạn rất tài năng, tôi muốn Bandland là sân chơi chung của chính mình và các đồng nghiệp. Mong muốn của chúng tôi là tạo nên cộng đồng tài năng, sự chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, bằng niềm đam mê, sự sáng tạo cho âm nhạc. Sân chơi Bandland hoàn toàn miễn phí. Các bạn chỉ cần đến đây chơi, thể hiện niềm đam mê, sự sáng tạo trong âm nhạc”- nhạc sĩ Dương Cầm nói.

Bandland hướng tới một sân chơi dành riêng cho các ban nhạc, trở thành vùng đất mới để các ban nhạc trẻ thể tài năng, triển vọng…

Hướng tới chuyên nghiệp

Để sân chơi mới này của các ban nhạc ngày một hấp dẫn, với sự tham gia đồng sản xuất của Muse Production, mô hình của Bandland chính thức ra mắt với concept và diện mạo mới. Số mở màn cho series live in studio bởi ban nhạc HUB đã lên sóng vào 20 giờ 30 phút 2/7 trên kênh YouTube Bandland Channel.

Nhạc sĩ Dương Cầm cũng tiết lộ, hướng đến ngoài tạo sân chơi chuyên nghiệp cho các ban nhạc, từ phòng thu ra sân khấu, Bandland sẽ tổ chức chuỗi chương trình 4 mùa trong năm với mục đích các ban nhạc trẻ sẽ có thêm cơ hội được giới thiệu sản phẩm, nâng cấp khả năng biểu diễn và đến gần với khán giả; bên cạnh mở rộng phát triển những hoạt động kích thích sự sáng tạo và nâng cấp nền tảng chuyên môn cho ban nhạc trẻ như trại sáng tác các chương trình, tọa đàm giáo dục âm nhạc, định hướng thưởng thức, quy trình sản xuất âm nhạc; cuối cùng hướng tới một lễ hội âm nhạc thường niên, các tour diễn dành riêng cho các ban nhạc tại Việt Nam.

Nhạc sĩ Anh Quân - thành viên chủ chốt của ban nhạc Anh Em cho rằng, hầu hết các ban nhạc chưa có sân khấu biểu diễn thực thụ và thị trường cho mình cũng chưa có. Thực tế cho thấy, các show bây giờ hầu như tập trung chủ yếu vào ca sĩ, gây khó khăn cho ban nhạc hiện nay. “Nói thuần túy về mặt thị trường, ban nhạc rất cực nhọc để phát triển và không được gì cả vì gần như là con số không”- nhạc sĩ Anh Quân thẳng thắn.

Hiện đã có khoảng 30 ban nhạc tại Hà Nội “xếp hàng” để được lên sóng Bandland, chưa kể đến những ban nhạc tại TP Hồ Chí Minh. Điều nhà sản xuất này hướng tới là từ sân chơi này, các ban nhạc sĩ trưởng thành hơn, có cá tính riêng và khi đó sẽ có những show diễn…

Mô hình Bandland sẽ bao gồm 2 số live in studio vào 20h30 phút tối thứ 5 (tuần thứ nhất và tuần thứ ba của tháng). Bandland live studio sẽ có thời lượng 15-25 phút mỗi số, gồm hai nội dung: Đời sống của ban nhạc (Life of Band) và Sản phẩm phòng thu (Live in studio). Ngoài ra, Bandland còn tổ chức một số live on stage vào tối thứ bảy (tuần thứ hai của tháng) tại sân khấu Tượng đài cảm tử, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dat-moi-cho-ban-nhac-tre-490837.html