Đặt mình trong thời cuộc!

Một sự kiện đang được nhiều người mong chờ là cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với công nhân lao động khu vực Đồng bằng sông Hồng với chủ đề 'Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn', dự kiến diễn ra vào ngày 5-5, tại tỉnh Hà Nam. Rất nhiều vấn đề trong thực tiễn đời sống lao động sẽ được trao đổi liên quan đến chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, của doanh nghiệp về việc làm, thu nhập, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Nhiều năm qua, câu chuyện tiền lương chỉ đáp ứng 70-80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động vẫn là nỗi trăn trở lớn. Khó khăn vẫn hiện hữu, nhất là với công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất: Lao động vất vả, phải tăng ca, thêm giờ; và mặc dù sống rất tằn tiện, không dám tiêu pha ngay cả với nhu cầu thiết yếu mà cũng chẳng dư dả.

Chuyện lương bổng là vậy. Nhưng đó chưa phải là khó khăn duy nhất. Thực tế còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến đời sống công nhân như chuyện nhà ở, việc học hành của con cái, đời sống văn hóa tinh thần, chính sách bảo hiểm xã hội, y tế… cũng cần tháo gỡ.

Năm 2008, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TƯ về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tháng 1-2016, Ban Bí thư cũng ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Có thể thấy, trong 10 năm qua, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách mạnh mẽ nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu mà các nghị quyết, chỉ thị đặt ra thì việc thực hiện chưa đạt yêu cầu. Công nhân, người lao động chưa được hưởng thụ đời sống tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Hiện nay, đứng trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang rộng mở, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới hơn nữa chính sách với người lao động. Không chỉ dừng lại chuyện bữa ăn, nhà ở, đời sống văn hóa tinh thần, thu nhập cho người lao động, mà cả vấn đề mang tính chiến lược như làm sao nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực? Làm sao để giai cấp công nhân Việt Nam với vai trò tiên phong phải sẵn sàng để đón nhận cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại?

Từ cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân lao động sắp diễn ra, có thể thấy việc các cấp quản lý và tổ chức Công đoàn lắng nghe, cùng suy nghĩ với người lao động, giải quyết kiến nghị của người lao động, luôn có chính sách chăm lo, đãi ngộ hợp lý là một yêu cầu rất thực tế và có vai trò quan trọng. Việc Thủ tướng liên tục tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu đời sống công nhân cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tìm cách cải thiện đời sống người lao động.

Tất nhiên, trong tiến trình ấy không thể thiếu trách nhiệm của cả doanh nghiệp, chính quyền cơ sở và chính người lao động. Doanh nghiệp phải xác định người lao động là một nhân tố cấu thành không thể thiếu và ưu tiên hàng đầu vẫn là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, xem đó là điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Và bên cạnh việc chính quyền, các cấp công đoàn phải hết sức chăm lo, quan tâm bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì cũng đòi hỏi sự góp sức, chuyển động, đổi mới của chính những người công nhân, lao động. Tất cả họ cần phải cố gắng học hỏi nhiều hơn, làm việc tích cực hơn để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng suất lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và thời đại. Phải đặt mình trong thời cuộc, không chỉ biết trăn trở mà phải có những hành động thiết thực đóng góp sức lực, trí tuệ vì gia đình, vì doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước.

Nữ Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/900617/dat-minh-trong-thoi-cuoc