Đất mềm như thạch khiến động đất ở Mexico gây nhiều chết chóc

Mexico City được xây trên nền một hồ nước cổ xưa, chất đất mềm ở khu vực này đã làm tăng cường địa chấn của trận động xảy ra ngày 19/9 cũng như khiến nó có sức tàn phá khủng khiếp.

Các nhà địa chấn đang nỗ lực tìm hiểu về thảm họa khiến hơn 200 người thiệt mạng ở Mexico ngày 19/9. Họ nghiên cứu những điều bất thường về trận động đất mạnh cấp độ 7,1 tại miền Trung nước này, như nguyên nhân gây số thương vong quá cao, sự không xuất hiện của các cơn dư chấn và liệu thảm họa này có liên quan đến vụ động đất mạnh hơn, xa hơn nhiều xảy ra ở ngoài khơi miền Nam Mexico trước đó 12 ngày hay không.

Chất đất mềm như 'thạch'

James Jackson, giáo sư địa vật lý tại Đại học Cambridge, Anh, cho biết Mexico City được xây dựng trên nền đất sâu, mềm từng là phần đáy của một hồ nước. Ông nói rằng lớp đất này thay vì nâng đỡ thành phố thì lại làm khuếch đại ảnh hưởng của trận động đất.

Những rung chấn hay sóng địa chấn từ phần đá cứng bên dưới được khuếch đại do đất và trầm tích phía trên, khiến mặt đất và các kết cấu được xây dựng trên bề mặt rung lắc lâu hơn với cường độ mạnh hơn.

“Nó giống như là nhà xây trên lớp thạch mà phần đáy đang chao đảo", AP dẫn lời ông Jackson nói.

Cơn địa chấn cấp độ 7,1 khiến hàng chục công trình lớn nhỏ ở Mexico City sụp đổ, giao thông bị đình trệ. Các tòa nhà vẫn tiếp tục có nguy cơ gặp hỏa hoạn hoặc sập xuống do dư chấn.Ảnh: Reuters.

Theo nhà địa vật lý Geoffrey Abers từ Đại học Cornell, lớp trầm tích mềm là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho trận động đất năm 1985 tại thành phố Mexico City.

Tương tự, chất đất mềm cũng là nguyên nhân gây ra thương vong khủng khiếp trong trận động đất năm 2015 tại Nepal, do thủ đô Kathmandu được xây dựng trên nền một lòng hồ cạn.

Theo nhà nghiên cứu địa chấn Oliver Boyd của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), địa chất ở mỗi nơi một khác, song Los Angeles, Seattle và Vịnh San Francisco là những khu vực có chất đất mềm có thể khuếch đại sóng địa chấn. Trước đây, New Zealand từng gặp phải vấn đề tương tự khi động đất xảy ra.

Những cơn dư chấn biến đi đâu?

Nhà nghiên cứu địa chấn Paul Earle thuộc USGS cho biết các nhà khoa học không thể phát hiện bất kỳ cơn dư chấn nào kể từ sau trận động đất ở miền Trung Mexico ngày 19/9. Thông thường, khu vực động đất có thể trải qua một cơn dư chấn với cường độ nhỏ hơn, mạnh cấp độ khoảng 6,1.

Không giống phần lớn các trận động đất khác, thảm họa ở Mexico 3 ngày trước không phải là sự va chạm giữa hai mảng kiến tạo. Nó xảy ra ngay ở tâm mảng Cocos và là kết quả của áp lực do mảng kiến tạo này trượt xuống dưới mảng Bắc Mỹ.

Động đất do “trượt mảng” gây ra kiểu này ít kèm theo dư chấn, trận động đất năm 2001 ở Seattle là một ví dụ. Động đất ở miền Trung Mexico vừa qua có độ sâu hơn mức bình thường, khoảng 51 km. Các trận động đất sâu như vậy cũng ít có dư chấn hơn.

Một khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi động đất ở Mexico City nhìn từ trên cao. Ảnh: BBC.

Hai trận động đất trong vòng 12 ngày

Động đất ở bang Raboso ngày 19/9 là trận thứ hai trong vòng 12 ngày tại Mexico. Trận đầu tiên mạnh cấp độ 8,1, xảy ra ở miền nam nước này khiến ít nhất 90 người thiệt mạng.

Các nhà địa chất cho biết trận động đất thứ hai không phải là một dư chấn vì nó xảy ra quá xa, cách khoảng 650 km so với trận động đất đầu tiên. Hầu hết cơn dư chấn thường xảy ra trong phạm vi 100 km, ông Earle nhận định.

Vị trí hai trận động đất liên tiếp Mexico phải hứng chịu trong vòng 12 ngày. Đồ họa: BBC.

Tuy nhiên, ông chia sẻ rằng các nhà địa chấn sẽ thăm dò thêm để biết liệu có mối liên hệ nào giữa hai trận động đất này hay không. “Động đất xảy ra bất ngờ”, nhà địa chất Earle nói, “Đôi khi chúng xảy ra cách quãng, có lúc lại xảy ra cùng thời điểm”.

Ngụy An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dat-mem-nhu-thach-khien-dong-dat-o-mexico-gay-nhieu-chet-choc-post781547.html