Đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho cụ bà 98 tuổi chảy máu dạ dày

Sáng 10/2/2020, tin từ Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ cho biết:các bác sĩ Khoa Tim mạch và Khoa Nội tiêu hóa đã phối hợp điều trị thành công cụ bà 98 tuổi. Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất mà Bệnh viện Trung ương Cần Thơ can thiệp đặt máy tạo nhịp tạm thời.

Vào 7h30 ngày 6/2/2020, bệnh nhân Trương Thị Ba, 98 tuổi, ở TP Cần Thơ nhập viện vì nôn ra máu, tiêu phân đen. Bệnh nhân cho biết, trong ngày đã nhiều lần đi tiêu phân đen kèm nôn dịch bầm đen nên phải vào viện.

Bà Ba có bệnh nền là tăng huyếp áp nhiều năm. Khi được đưa vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, niêm nhợt, mạch rất chậm, đều 38-40 lần /phút. Thăm khám lâm sàng, đo điện tâm đồ phát hiện tình trạng rối loạn nhịp chậm: blốc nhĩ thất độ III- nhịp thoát bộ nối- tần số tim 38 nhịp/phút.

Gia đình cho biết, bà Ba không sử dụng thuốc làm chậm nhịp tim trước đó, không có dấu hiệu nhồi máu cơ tim, không rối loạn điện giải, suy giáp....Bệnh nhân được xử trí cấp cứu với truyền dịch, truyền máu, thuốc ức chế bơm proton ... Hội chẩn nhiều chuyên khoa xác định, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nghi do viêm loét dạ dày tá tràng và blốc nhĩ thất độ III.

Các bác sĩ thống nhất hội chẩn xử trí cấp cứu rối loạn nhịp chậm trước vì nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất kỳ lúc nào đặc biệt bệnh nhân cao tuổi có thiếu máu đi kèm dễ có nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột tử do rối loạn nhịp tim.

 Sức khỏe của bện nhân Ba đã ổn định và qua cơn hiểm nghèo

Sức khỏe của bện nhân Ba đã ổn định và qua cơn hiểm nghèo

Hơn nữa để xác định rõ nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa cần phải tiến hành nội soi tiêu hóa. Để đảm bảo an toàn cho thủ thuật nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân cao tuổi có blốc nhĩ thất độ III, phải tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu qua đường tĩnh mạch trước.

Ê kíp đặt máy tạo nhịp tạm thời do Ths. Bs Thân Hoàng Minh tiến hành qua đường tĩnh mạch. Thời gian thủ thuật là 10 phút. Sau đặt máy tạo nhịp tạm thời, nhịp tim bệnh nhân là 60 lần/phút, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân thực hiện các can thiệp khi có chỉ định.

Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nội tiêu hóa để tiếp tục được theo dõi và điều trị tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, bà Ba không nôn ra máu và tiêu phân đen, niêm hồng, mạch, huyết áp ổn định. Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn thời gian tới.

Theo BS.CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn kiêm Giám đốc Trung tâm tim mạch BVĐK TW Cần Thơ, blốc nhĩ thất độ III (hay còn gọi là blốc nhĩ thất hoàn toàn) là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, khi mà tín hiệu dẫn truyền nhịp tim từ tâm nhĩ đến tâm thất bị chặn hoàn toàn, dẫn đến nhịp tim bị chậm bất thường, đe dọa tính mạng. Đây là loại rối loạn nhịp tương đối hiếm gặp, người ta ước tính tỉ lệ blốc nhĩ thất độ III trong dân số chung vào khoảng 0,04% .

Nguyên nhân của blốc nhĩ thất độ III rất đa dạng, bao gồm dị tật bẩm sinh, độc chất, bệnh lí nhiễm trùng, tự miễn, nhồi máu cơ tim, … Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân và được xem là vô căn. Tùy từng nguyên nhân cụ thể mà loạn rối loạn nhịp này có thể hồi phục được khi điều trị nguyên nhân hoặc không thể hồi phục.

Tuy nhiên ở đối tượng người cao tuổi, do bản thân tim đã bị tổn thương nhiều vì thoái hóa, bệnh lí mạch vành hay bệnh cơ tim nên khả năng blốc nhĩ thất độ III vĩnh viễn không hồi phục được là rất cao.

Một số trường hợp, blốc nhĩ thất độ III ở người cao tuổi hoàn toàn không có triệu chứng, một số người lại ghi nhận được các triệu chứng gợi ý như ngất, xây xẩm, chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực, đau ngực hay giảm khả năng gắng sức. Vì vậy, nếu có một trong số các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến khám bác sĩ để được đánh giá khả năng bị blốc nhĩ thất độ III.

Đây là một loại rối loạn nhịp nguy hiểm, khả năng dẫn đến ngưng tim và tử vong là rất cao, đặc biệt trên đối tượng người cao tuổi, vốn đã có sẵn nhiều bệnh trong người như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy kiệt tuổi già.

Chính vì sự nguy hiểm đến tính mạng của loại rối loạn nhịp này nên người bệnh cần được theo dõi sát sao và xử lí kịp thời. Những bệnh nhân có sinh hiệu không ổn định cần phải được can thiệp cấp cứu bằng các loại thuốc nâng nhịp tim và đặt máy tạo nhịp cấp cứu.

Ở các trường hợp ổn định hơn, phần lớn người cao tuổi cũng cần phải được đặt máy tạo nhịp tim để phòng ngừa nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Biện pháp điều trị hữu hiệu nhất trong blốc nhĩ thất có triệu chứng là tạo nhịp tim. Tạo nhịp tạm thời rất cần thiết với bệnh nhân blốc nhĩ thất hoàn toàn.

Đặt máy tạo nhịp là một trong những liệu pháp không dùng thuốc thành công nhất và xuất hiện sớm nhất trong xử lý rối loạn nhịp tim. Đặt máy tạo nhịp tạm thời để khắc phục các vấn đề tạm thời về nhịp tim như nhịp tim chậm sau nhồi máu cơ tim, sau phẫu thuật tim hoặc dùng thuốc quá liều… Thường thì đặt máy tạo nhịp tạm thời dùng để cấp cứu và sử dụng cho đến khi các rối loạn về nhịp hồi phục hoặc được điều trị ổn.

Máy tạo nhịp tạm thời là một thủ thuật cấp cứu trong Tim mạch. Tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch là phương thức áp dụng nhiều nhất trong tạo nhịp tạm thời ở các Khoa Tim mạch. Đây là cách tiếp cận ít biến chứng nhất mà đạt được hiệu quả tái tạo lại khử cực tim và co bóp cơ tim.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chẩn đoán và can thiệp kịp thời trường hợp blốc nhĩ thất độ III ở đối tượng người cao tuổi có bệnh lý cấp cứu xuất huyết tiêu hóa đi kèm tạo sự an tâm và tin tưởng của nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác cấp cứu những trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh lý khó, nguy kịch.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dat-may-tao-nhip-tim-tam-thoi-cho-cu-ba-98-tuoi-chay-mau-da-day-n168748.html