Đặt máy tạo nhịp tạm thời, cứu sống cụ bà 98 tuổi

Sáng 10-2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT), các bác sĩ Khoa Tim mạch và Khoa Nội tiêu hóa đã điều trị thành công cụ bà 98 tuổi cùng lúc bị 2 bệnh lý cấp cứu tim mạch và tiêu hóa. Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất mà BV can thiệp đặt máy tạo nhịp tạm thời.

Ê kíp đặt máy tạo nhịp cho cụ bà.

Ê kíp đặt máy tạo nhịp cho cụ bà.

Bệnh nhân T.T.B, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, nhập viện vì ói ra máu, tiêu phân đen. Bệnh nhân có bệnh lý tăng huyếp áp nhiều năm. Hội chẩn nhiều chuyên khoa xác định bệnh nhân có đồng thời 2 bệnh lý cấp cứu: xuất huyết tiêu hóa trên nghĩ do viêm loét dạ dày tá tràng và blốc nhĩ thất độ III. Thống nhất hội chẩn xử trí cấp cứu rối loạn nhịp chậm trước vì nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Ê kíp đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch. Thời gian thủ thuật là 10 phút. Sau đặt máy, nhịp tim bệnh nhân 60 lần/phút. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nội tiêu hóa để tiếp tục điều trị xuất huyết tiêu hóa. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định, được chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn trong thời gian tới.

Theo bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc BVĐKTWCT: Đây là một loại rối loạn nhịp nguy hiểm, khả năng dẫn đến ngưng tim và tử vong rất cao, đặc biệt là người cao tuổi, vốn đã có sẵn nhiều bệnh trong người như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy kiệt tuổi già.

Thầy thuốc đang khám cho cụ bà.

Blốc nhĩ thất độ III (hay còn gọi là blốc nhĩ thất hoàn toàn) là một loại rối loạn nhịp tương đối hiếm gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 0,04% dân số. Nguyên nhân của blốc nhĩ thất độ III rất đa dạng, bao gồm dị tật bẩm sinh, độc chất, bệnh lý nhiễm trùng, tự miễn, nhồi máu cơ tim… Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân và được xem là vô căn. Tùy từng nguyên nhân cụ thể mà loạn rối loạn nhịp này có thể hồi phục được khi điều trị nguyên nhân hoặc không thể hồi phục.

Một số trường hợp, blốc nhĩ thất độ III ở người cao tuổi hoàn toàn không có triệu chứng, một số người lại ghi nhận được các triệu chứng gợi ý như ngất, xây xẩm, chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực, đau ngực hay giảm khả năng gắng sức. Vì vậy, nếu có một trong số các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến khám bác sĩ.

Đặt máy tạo nhịp là một trong những liệu pháp không dùng thuốc thành công nhất và xuất hiện sớm nhất trong xử lý rối loạn nhịp tim. Đặt máy tạo nhịp tạm thời để khắc phục các vấn đề tạm thời về nhịp tim như nhịp tim chậm sau nhồi máu cơ tim, sau phẫu thuật tim hoặc dùng thuốc quá liều…, thường thì đặt máy tạo nhịp tạm thời dùng để cấp cứu và sử dụng cho đến khi các rối loạn về nhịp hồi phục hoặc được điều trị ổn.

H.Hoa

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dat-may-tao-nhip-tam-thoi-cuu-song-cu-ba-98-tuoi-a118047.html