Đất lưới điện quốc gia thành nghĩa trang: Giật mình số lượng lăng mộ

Thống kê chưa đầy đủ, hiện số lăng mộ tồn tại trên phần đất thuộc hành lang an toàn lưới điện quốc gia thuộc địa bàn xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) có thể lên tới 1.000 trường hợp.

Tình trạng tùy tiện cải tạo, đào bới hành lang lưới điện quốc gia 500kV để làm nơi chôn cất người chết như thế này ở Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, TT-Huế) xảy ra rất nhiều.

Tình trạng tùy tiện cải tạo, đào bới hành lang lưới điện quốc gia 500kV để làm nơi chôn cất người chết như thế này ở Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, TT-Huế) xảy ra rất nhiều.

Theo ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, nhiều năm nay, trên địa bàn không có vùng quy hoạch nghĩa trang nhân dân phục vụ chôn cất tập trung cho dân, dù địa phương xây dựng nông thôn mới, và đây là một trong những tiêu chí cần thực hiện.

Thẩm quyền giải quyết quy hoạch này là của tỉnh. Trong khi đối với vùng dự án Công viên vĩnh hằng thuộc xã Thủy Bằng theo quy hoạch của tỉnh, không phải người dân nào tại địa phương cũng đủ điều kiện kinh phí để mai táng người quá cố vào đây.

Vì khó khăn đó, người dân chôn cất thân nhân khi qua đời theo hình thức tự phát tại các khu vực đất đồi, đất sản xuất, đất vườn, rừng thông. Đặc biệt, từ khi có các hệ thống đường dây cao thế 500kV đi qua, cây cối bị giải tỏa, đất để hoang hóa, người dân tự ý đưa thân nhân qua đời vào đây chôn cất. Trong đó, có những trường hợp phải “linh động” vì người dân không biết chôn cất người mất chỗ nào, đặc biệt là những trường hợp hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn.

Hiện có gần 1.000 ngôi mộ được chôn cất tự phát lên phần đất dưới đường dây 500kV như thế này.

Với chiều dài các tuyến đường dây cao thế 500kV đi qua địa bàn Thủy Bằng khoảng 5km, hiện có gần 1.000 ngôi mộ được chôn cất tự phát lên phần đất này, ông Thìn cho biết thêm.

Điều đáng nói, bên cạnh những gia đình tại Thủy Bằng có nhu cầu chính đáng và làm “liều” chôn cất người thân lên đất hành lang lưới điện, không ít trường hợp tự ý chiếm dụng, đầu cơ, xí phần để ngầm phân lô bán lại cho người có nhu cầu.

“Chúng tôi xác định có 2 cá nhân từng bán đất huyệt mộ trên hành lang lưới điện cho người ngoài địa phương. Một người từng là bảo vệ lâm trường, người còn lại sinh sống tại Thủy Bằng. Do bị ngăn chặn quyết liệt, nên những người này hiện dừng ngầm bao chiếm, bán đất huyệt mộ dưới đường dây điện”, ông Lê Văn Thìn cho biết.

Những khoảnh đất huyệt mộ như thế này được ngầm "giao dịch" với giá từ 4-5 triệu đồng/huyệt mộ, tùy theo vị trí.

Ông Thìn còn thông tin, qua nắm tình hình, đất huyệt mộ dưới hành lang lưới điện 500kV từng được giao dịch ngầm với giá từ 4-5 triệu đồng/lô, việc mua bán diễn ra lén lút nên rất khó phát hiện, ngăn chặn, xử lý.

Theo một lãnh đạo khác tại xã Thủy Bằng, qua kiểm tra, chủ nhân của những phần đất huyệt mộ, sinh phần, hay mồ mả chôn cất, cải táng trên đất hành lang lưới điện thời gian gần đây không phải hoàn toàn là dân địa phương, mà là người ở các huyện Phú Vang, thành phố Huế và các phường, xã khác của thị xã Hương Thủy.

Do liên quan đến mai táng người chết, là vấn đề tâm linh, tế nhị, nên khi phát hiện có người ngoài địa phương chuyển đến chôn cất, cải táng trên đất lưới điện tại xã Thủy Bằng, chính quyền địa phương cho rằng, rất khó xử lý.

Cũng theo vị lãnh đạo này, do liên quan đến mai táng người chết, là vấn đề tâm linh, tế nhị, nên khi phát hiện có người ngoài địa phương chuyển đến chôn cất, cải táng trên đất lưới điện tại xã Thủy Bằng, chính quyền địa phương rất khó xử lý.

Việc quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng bao chiếm đất lưới điện, do đó cần phải có sự phối hợp từ cơ quan quản lý, vận hành đường dây cao thế, thậm chí cả cơ quan công an. Lãnh đạo xã Thủy Bằng còn cho biết, hiện đất đai nằm dưới lưới điện quốc gia đi qua địa bàn không thuộc hệ thống quản lý đất công của địa phương, đất này là của dân hoặc lâm trường trước đây, từng được sử dụng vào mục đích canh tác nông nghiệp, trồng rừng; không phải đất mai táng...

Trước đó, như Tiền Phong thông tin, thời gian gần đây, đất hành lang an toàn lưới điện quốc gia 500kV qua địa bàn thị xã Hương Thủy (TT-Huế) rơi vào tình trạng thiếu được quản lý, bị xâm lấn, mua bán tràn lan… trước sự bất lực, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/dat-luoi-dien-quoc-gia-thanh-nghia-trang-giat-minh-so-luong-lang-mo-1731984.tpo