Đặt lên bàn cân, dòng phim hoán đổi thân xác của Việt Nam đang ở đâu so với nền phim ảnh châu Á?

Vốn là dòng phim không quá xa lạ với khán giả và đã có 'kha khá' tác phẩm từ truyền hình đến điện ảnh của Việt Nam khai thác câu chuyện bằng cách hoán đổi thân xác nhân vật. Tuy nhiên vấn đề đặt ra chính là sau nhiều bộ phim được ra mắt, chúng ta có đang thành công hay chỉ là sự 'ăn theo' hời hợt?

Hoán đổi thân xác hay còn gọi là body swap được xem như dòng phim có sức hút tương đối lớn. Tuy nhiên thực tế đây không phải thể loại dễ làm, dễ đóng và dễ cảm như nhiều người vẫn nghĩ. Tạo tiếng cười và truyền tải thông điệp bằng chính những mâu thuẫn giữa hai con người bị hoán đổi linh hồn, xây dựng mạch truyện bằng những điều tưởng chừng đối lập đến phi lý nhưng đến cuối cùng người chấp bút kịch bản phải hợp lý hóa chúng một cách thuyết phục đến tinh tế, nhìn chung là đặc trưng không thể thiếu của phim body swap.

Ở thị trường phương Tây, phim loại này xuất hiện từ khá sớm và nhanh chóng ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Nhiều tác phẩm nổi bật phải kể đến như Dating the Enemy (1996), 13 Going on 30 (2004), 17 Again (2009),… Việc hoán đổi thân xác của hai nhân vật trong phim có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, và cũng không giống nhau ở thị trường phim châu Á và châu Âu.

Trở lại với nền phim ảnh nước nhà, dòng phim body swap cũng có nhiều tác phẩm nổi trội từ những năm 2000 trở về sau này: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (2006), Cô nàng bất đắc dĩ (2009),… Tuy nhiên cho đến gần đây, thực tế cho thấy phim đề tài này đang cạn kiệt ý tưởng với những kịch bản có rất nhiều nét tương đồng.

Năm vừa qua, điện ảnh Việt đón chào Hoán đổi của đạo diễn Võ Thanh Hòa và Hồn Papa, da con gái “cộp mác” hot couple Thái Hòa - Charlie Nguyễn. Cơ bản, nội dung hai bộ phim là hoàn toàn khác nhau nhưng cách hai nhân vật trong phim hoán đổi thân xác và thông điệp truyền tải thực tế lại không mấy mới mẻ.

Vẫn lột tả những khía cạnh rất riêng của đời sống, song chung quy lại, hai bộ phim kể trên đều tải đi lời nhắn nhủ về việc lắng nghe và đặt mình vào vị trí người khác, đồng thời tô đậm, đề cao tình cảm gia đình. Vào mỗi giai đoạn ra mắt, Hoán đổiHồn Papa, da con gái đều có riêng cho mình những vị trí nhất định tại phòng chiếu bởi nhiều lý do khác nhau. Nhưng nếu dừng lại và xét trên một đoạn đường dài hơn, chúng ta sẽ nhận ra hướng phát triển câu chuyện đang đi vào lối mòn bởi những tình tiết tương đối cũ.

Hoán đổi thân phận sau một hiện tượng siêu nhiên, trải qua cuộc sống trong thân phận người khác, lần đầu tiên lắng nghe và hiểu được tâm tư của những người bên cạnh dưới một hình thức khác, học cách trân trọng cuộc sống và cuối cùng là trở lại chính mình khi hiện tượng siêu nhiên xảy ra lần nữa. Đó là những gì chúng ta thường thấy ở phim body swap và thậm chí là đoán được kết cục một cách khá dễ dàng.

Dần dần, mọi điều quen thuộc sẽ trở nên nhàm chán và cũ kĩ, mặc cho trước đây nó từng trở thành làn sóng trào lưu mạnh mẽ ra sao, đó là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận nhìn vào, đối mặt và giải quyết nếu muốn phát triển lâu dài. Không nói rộng ra thế giới, hãy dừng lại ở khu vực châu Á mà nhìn nhận ,dòng phim body swap đã tiến xa hơn một bậc. Khoan bàn đến lĩnh vực truyền hình, điện ảnh châu Á đầu năm nay đã mang đến phòng chiếu Việt Linh hồn tạm trúĐại ca hóa soái ca. Thật không ngoa khi nói rằng hai tác phẩm một của đất nước Chùa Vàng, một của xứ Kim Chi đã khiến chúng ta nhìn rõ hơn độ chênh giữa chúng và phim Việt khi đặt lên bàn cân so sánh.

Nếu Linh hồn tạm trú vẽ ra hành trình li kì tìm lại chính mình của một cậu học sinh trung học, từ đó truyền tải nhiều thông điệp quý giá về các mối quan hệ xã hội cùng những vấn đề nóng hổi, đáng báo động trong cuộc sống hiện đại thì Đại ca hóa soái ca lại mang đến không khí tương đối nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Đó là cuộc hoán đổi thân xác giữa bộ găng tơ và một nam sinh trung học, gây cười bằng những mâu thuẫn trong chính nhân vật và giải quyết việc hoán đổi về cơ bản là hợp lý và thỏa mãn người xem. Một phim tâm lý khai phá nhiều vấn đề xã hội thời sự, một là tác phẩm hài đan cài nhiều thông điệp nhân sinh cùng những bài học về tình cảm gia đình và giá trị của nó đối với cuộc đời mỗi con người. Tất cả đặt trong mối tương quan với phim Việt cùng đề tài có sự chênh lệch tương đối rõ ràng.

Đương nhiên, chúng ta không phủ nhận điện ảnh Việt đang hoàn thiện và tốt hơn từng ngày nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là đổi mới tư duy về hài nói riêng và xây dựng mạch phim nói chung. Thực tế cho thấy phim hài đang chiếm “spotlight” cực kì lớn ở phòng chiếu Việt, điều này khiến nhiều tác phẩm trở thành phim “trăm tỷ” nhưng theo quy luật thoái trào, mọi thứ cũng dần trở nên nhàm chán và bão hòa. Năm 2016, Your Name của xứ hoa anh đào đã lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Đó là một tác phẩm anime body swap sâu sắc và giằng xé, được điểm xuyến đôi chút yếu tố hài nhưng chừng mực, tạo điểm nhấn tốt. Điều quan trọng chính là yếu tố hài không làm mất đi tinh thần chính của bộ phim cùng những giá trị nhân văn ẩn sau câu từ và hình ảnh. Và đó cũng là điều phim Việt cần khắc phục.

Để khán cười xuyên suốt và gieo lại sự lắng đọng ở cuối phim là điều chúng ta vẫn thường làm. Thời gian qua đi, tư duy khán giả đổi mới và nó đòi hỏi khâu kịch bản nhiều hơn sự sáng tạo lẫn nhạy bén. Làm sao để cảm xúc người xem đong đầy và ổn định suốt bộ phim, khiến họ trong nụ cười có nước mắt là điều không hề dễ làm nhưng là mục tiêu chung cần hướng đến. Sau tất cả, việc chúng ta cần làm chính là nhận thức ưu - khuyết điểm của mình, bắt kịp dòng chảy xu thế để tốt hơn từng ngày.

Ba Trân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/dat-len-ban-can-dong-phim-hoan-doi-than-xac-cua-viet-nam-dang-o-dau-so-voi-nen-phim-anh-chau-a-4491797.html