Đát lát vỉa hè mỗi nơi làm một kiểu: Khó hiểu...

Trong khi chất lượng đá lát vỉa hè đang bị đặt nhiều nghi vấn thì nhiều quận lại ồ ạt tổ chức thay mới, mỗi nơi một kiểu làm khác nhau.

Ngày 18/12/2020, trao đổi với Đất Việt về tình trạng nhiều quận trên địa bàn TP. Hà Nội đang tổ chức thay lại đá lát vỉa hè sau khi hư hỏng trầm trọng nhưng lại theo kiểu "mạnh ai lấy làm", không có sự thống nhất nào, PGS.TS Trần Ngọc Linh - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bày tỏ sự khó hiểu.

"Nguyên nhân của việc đá lát vỉa hè hư hỏng chỉ sau 2 năm đưa vào sử dụng được chỉ rõ là do một phần đến từ việc thi công không đồng bộ, xử lý cốt nền chưa tốt và kích thước viên đá không đảm bảo nhưng các quận vẫn tiếp tục cho sửa chữa theo lối mòn cũ, không có sự thống nhất với nhau thì thật là khó hiểu" - ông Linh bày tỏ.

Theo ông Linh, vỉa hè thuộc về dự án chỉnh trang đô thị, là bộ mặt của giao thông Thủ đô. Đồng thời, với đặc thù phải có sự thi công đồng bộ, tránh sự đứt gãy trong các giai đoạn hoặc làm vỉa hè trước làm cống ngầm sau nên phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Sở Xây dựng và Sở GTVT.

Nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục được lát đá tự nhiên (Trong ảnh: Công nhân lát đá vỉa hè trên phố Trần Khánh Dư, Ảnh: baogiaothong)

Nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục được lát đá tự nhiên (Trong ảnh: Công nhân lát đá vỉa hè trên phố Trần Khánh Dư, Ảnh: baogiaothong)

Vị chuyên gia này cho rằng, không thể giao việc lát đá vỉa hè hiện nay cho các quận của TP. Hà Nội thực hiện, điều đó dẫn đến việc không đồng nhất. Trách nhiệm của việc này phải thuộc Sở Xây dựng hoặc Sở GTVT.

Trước đó, khi nói về tình trạng đá vỉa hè bị hư hỏng nặng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng này.

Theo vị chuyên gia, muốn để vật liệu đá lát bền thì cần có một lớp lót nền đảm bảo bền vững. Lớp lót nền vỉa hè hiện nay ở TP. Hà Nội đang được thực hiện bằng bêtông. Dưới lớp bêtông thì vỉa hè lại có nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác nhau như đường ống cấp thoát nước, đường thông tin liên lạc... nên khó có thể xử lý khâu lót nền bền vững.

Bên cạnh đó, vỉa hè ở TP. Hà Nội cũng rất đa dạng, nơi ít nơi nhiều xe đi lại. Do đó, nếu việc xử lý liên kết mặt đá với lớp bêtông ở dưới không căn cứ vào thực trạng, chức năng của vỉa hè mà chỉ xử lý đồng bộ thì sẽ làm hư hỏng lớp mặt đá.

Kết cấu đá có mục tiêu bền vững nhưng việc nghiệm thu chất lượng đá lát nền hiện nay của TP. Hà Nội chưa được giám sát chặt chẽ. Có những viên đá tốt, ổn định nhưng cũng có rất nhiều viên đá có chất lượng kém. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của các cơ quan thi công.

"Để tình trạng này xảy ra thì trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương. Các đơn vị này khi nghiệm thu nhưng lại chưa kiên quyết xử lý các vi phạm dẫn đến tình trạng sụt lún, vỡ nát khi mới sử dụng.

Mặc dù mục tiêu bền vững từ 50-70 năm nhưng khi chỉ sử dụng 1-2 năm đã hư hỏng sẽ khiến gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài sản và gây bức xúc cho nhân dân.

Các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý cần xem xét lại vấn đề này, cụ thể là các quận, huyện và cả cấp phường. Nếu không giám sát thường xuyên, kiểm tra các nguồn vật liệu, quá trình thi công, sẽ dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Sở Xây dựng là một trong những đơn vị có liên quan chính, và có trách nhiệm chung phải giải quyết vấn đề này" - ông Nghiêm chỉ rõ.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Hoàng Ngọc Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, tình trạng này xuất phát từ việc thi công hiện nay rất dàn trải, không xuyên suốt, đang làm đoạn này lại chuyển tiếp sang đoạn khác (do vướng công trình ngầm, dây thông tin…). Khi quay lại thi công, các mạch nối tiếp không được xử lý cẩn thận.

Lãnh đạo Chi cục Giám định xây dựng cũng cho rằng, tình trạng hư hỏng của vỉa hè còn có thể do gặp sự cố khó kiểm soát như mặt bằng thi công rơi vào vị trí bị rò rỉ đường ống nước, dẫn đến tình trạng rút cát ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng các lớp lót phía dưới, làm giảm độ bền của vỉa hè.

Trả lời câu hỏi vì sao cuối năm lại ồ ạt lát đá vỉa hè, có phải để giải ngân cho hết vốn, lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng của một quận ở Hà Nội cho biết, công tác phân bổ vốn, lập thẩm định phê duyệt dự án và đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thường cuối năm mới xong nên lúc này mới triển khai thi công.

“Thời gian phê duyệt nhanh hay chậm phụ thuộc vào quy mô dự án (cấp 1 hay cấp 2). Có dự án mất hơn nửa năm mới xong thủ tục; dự án quy mô lớn có thể kéo dài hơn nữa”, vị này nói.

Cũng câu hỏi này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, dù không nhất trí việc cứ cuối năm các dự án cải tạo hè phố lại thi công nhưng đơn vị không làm gì được do dự án thuộc quận, huyện quyết định. Chi cục chỉ chấn chỉnh, không cho các đơn vị cắt đá trên vỉa hè gây bụi bẩn, chỉ cho đơn vị thi công đổ bê tông vào ban đêm.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dat-lat-via-he-moi-noi-lam-mot-kieu-kho-hieu-3424569/