Đất lành

Bây giờ tôi mới hiểu câu của anh tôi... Vâng, cha tôi chỉ là một con người bình thường trong làng và cả cuộc đời chỉ như một giọt nước nhỏ bình thường.

 Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Anh cả tôi, con trai người vợ trước của cha tôi, tự nhiên mất tích. Cha tôi đi đâu về, vất bạch cái nón giữa sân, kể từ khi ấy cha tôi không nói với ai một lời nào. Một việc khó hiểu và đầy dị nghị làm cho cha tôi sốc. Dù không ai nói ra nhưng mọi nghi kị đều đổ dồn vào mẹ tôi, chuyện dì ghẻ con chồng.

Khi lấy cha tôi thì mẹ tôi vẫn là một thiếu nữ xinh giòn, còn cha tôi đã “gà trống nuôi con”. Mà những bốn đứa. Sinh thời, người mẹ cả của tôi, nghe nói cũng hiền dịu và xinh đẹp lắm, bà sinh hạ được bốn người con trai nhưng các trận dịch sởi, đậu mùa… đã lần lượt cướp đi ba người. Rồi bà sau một trận ốm kịch liệt, cha tôi lại mất nốt người vợ thân thương, sự chống chếnh tột cùng khiến ông chao đảo như con thuyền gặp bão lớn chưa biết sẽ trôi dạt về đâu.

Nhà tôi, cụ và ông nội tôi xa xưa, đều là những người có chút “chức sắc” trong làng, cũng chẳng to tát gì mà chủ yếu do có tí chữ nho và lành nên được dân bầu. Song chính những chức sắc “có tiếng mà chẳng có miếng” rất hão huyền ấy đã làm nhà tôi kiệt quệ. Bởi lẽ, những sào ruộng được chia do lên lão, do có công trông nom đình, đền… đều phải bán non để lấy tiền khao vọng và có khao vọng dân làng mới công nhận. Cũng do chữ “lí” chữ “phó” chữ “nhiêu” chữ “học”… ấy, mà dù nhà thiếu thốn đến đâu, cha tôi vẫn cố nuôi cho tôi ăn học ở trường làng và khi tôi lớn lên cũng sẽ được ông mua cho một chức sắc nho nhỏ gì đó để tránh cái thân phận bạch đinh, bố cu mẹ đĩ…

Thế rồi một hôm dân làng rủ nhau đi phá kho thóc Nhật, cả đêm rầm rập những đội quân hừng hực khí thế. Cũng là người làng cả thôi nhưng khác lạ quá. Rồi một hôm thấy ông Lí, ông Chánh đi đâu cả, ngồi trên đình làng cắt cử việc làng việc xã lại là những người khác. Cha tôi cũng chẳng có việc gì nữa khi không còn ông lí ông chánh, cha tôi nghiễm nhiên trở lại là người nông dân tay cày vai bừa với việc cuốc việc cày suốt ngày lấm láp ngoài đồng áng.

Một năm sau đó thì cha tôi cưới mẹ tôi, cảnh gà trống nuôi con mới đỡ chòng chành. Cái nghèo vẫn còn đeo đẳng nhà tôi vì mẹ tôi cũng chỉ là cô thiếu nữ chỉ biết cấy hái, non nớt mà đã phải làm dâu, làm vợ. Những ngày giáp hạt, mẹ tôi theo từng đoàn người quang gánh đi đò Mơ sang các chợ bên kia sông hoặc chợ Chiền để mua khoai sắn, đem luộc rồi gánh vào nội thị bán kiếm đồng lời. Cánh đàn ông như cha tôi, khi cấy hái xong, lại vác chiếc búa lên vai đi rong khắp phố phường bổ củi thuê. Có khi gặp cái gộc hay khúc chạc ba, bổ cả buổi mồ hôi như tắm, không ra, chủ ái ngại cho bữa cơm rồi về. Một nghề khổ sở vất vả và mạt hạng như vậy mà cũng truyền được bao nhiêu đời và nuôi sống được bao nhiêu người.

Rồi cũng đến lúc mẹ tôi ngẩng cao đầu nhìn vào sự dị nghị mấy năm qua, cha tôi cũng đã dãn những nếp nhăn sầu muộn trên mặt khi nhận được tin anh cả tôi trốn nhà đi bộ đội, theo đoàn quân cách mạng lên Việt Bắc. Mẹ tôi thở phào, một giọt nước mắt thương thân rơi xuống như chấm dứt một đoạn đời âm thầm chịu đựng nỗi oan khiên.

Chín năm trôi qua, những ngày đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản cha tôi cứ ra bờ đê nhìn sông cuộn chảy rồi mắt ngước về phía thượng nguồn. Mãi đến gần một tháng sau, gia đình tôi cũng nhận được một lá thư tay. Bấy giờ thì cả nhà mới biết những ngày ở Tây Bắc, anh tôi công tác ở ngành quân khí. Thư anh viết, vì công việc nên sẽ về Hà Nội sau, thế là một niềm hy vọng tưởng chừng như tắt lịm thì giờ đây lại đang được thắp sáng trong cha tôi.

Vài năm nữa trôi qua, khi tôi học lên cấp hai, mẹ tôi năng chạy chợ hơn, để tôi có thêm tiền mua sách vở. Mẹ tôi đã hết mặc cảm chuyện anh tôi bỏ nhà đi nhưng có lúc tôi bắt gặp bà buồn. Lúc chỉ có hai anh em, tôi hỏi anh tôi, sao ngày anh đi bộ đội mà không nói gì với cha mẹ? Anh tỏ ra áy náy rồi bảo, anh đã xin lỗi mẹ rồi. Còn cha, tôi hỏi. Cha là người dân bình thường với đạo lí nhân nghĩa cha ông xưa. Em hãy tin anh… Chuyện giữa hai anh em tôi chỉ có vậy, tôi không biết nói sao nữa. Cha là người dân bình thường sống với đạo lí nhân nghĩa của cha ông xa xưa, là anh khen hay chê cha? Thời buổi này, đạo lí cũng có nhiều thay đổi, chuẩn mực bị xê dịch, có thứ lộn ngược, có san mà mãi chẳng có định. Ngày xưa người ta thờ thần Tài dưới đất nay bàn thờ thần Tài cao hơn cả bàn thờ Tổ tiên. Thấy người giàu có là sợ, là ngưỡng mộ, quỵ lụy cả với những người giàu có bất lương. Anh tôi không biết là người thế nào đây?

Khi anh cả lấy vợ, cũng người cùng quê và làm ruộng, cha tôi đã tạo điều kiện cho anh chị ra ở riêng để sớm biết tự lập. Dù vậy, cha tôi vẫn coi mình là chỗ dựa tinh thần cho anh và anh cũng tôn trọng ý cha tôi, thường trước khi định làm những việc gì hệ trọng bao giờ anh cũng hỏi và xin ý kiến ông. Ngay tên của những đứa con, anh đều nằn nì cha tôi đặt cho mà mỗi lần gọi thấy niềm tin và nỗi khát vọng của lớp người đi trước.

Tính anh tôi hiền, ít nói, chẳng mấy khi anh phô phang chuyện về mình, chỉ đến lúc nghỉ hưu thì mới biết anh là thợ bậc cao và có đủ mọi Huân, Huy chương kháng chiến. Biết vậy cha tôi rất hài lòng và cũng chẳng đòi hỏi gì thêm. Tính cha tôi vốn vậy, biết thế nào là đủ. Nước loạn thì con cái ra trận như mọi người, nước yên lành về làm ruộng, vui vẻ cày cấy tự nuôi thân, không nhìn lên so bì chức này tước nọ.

Lại nói, khi vợ chồng anh cả đã có cuộc sống tạm được gọi là no đủ thì anh mời cha tôi sang bên đó để trông nom cửa nhà, kỳ thực anh muốn bù đắp một phần vất vả của cha tôi ở quãng đời còn lại. Từ chối thì sợ anh buồn nên cha tôi cứ khất lần, còn tôi thì biết ông không đành lòng và muốn san sẻ khó khăn cùng mẹ con tôi nhất là lúc này tôi vẫn đang đi học, có nghĩa là chưa thể tự lập thân được.

Năm nay, cha tôi đã có tuổi mà vẫn suốt ngày ngoài đồng. Hôm nào không ra đồng thì lại chiếc búa trên vai đi ra phố bổ củi thuê. Tấm lưng mỏng của cha tôi đã bắt đầu còng xuống, bước chân đi đã chùng. Đúng lúc này, bệnh thấp khớp làm mẹ tôi quỵ hẳn. Mọi khó khăn lại dồn hết trên đôi vai người cha già, khi mà tôi chưa có nghề ngỗng gì.

Năm ấy tôi lên lớp bảy trường huyện, hàng ngày vẫn phải đi bộ nhiều cây số đi học, việc nhà chẳng đỡ đần được bao nhiêu, tôi đành xin cha cho được nghỉ học. Bao nhiêu vất vả cha tôi đều chịu được, chỉ đến lúc này khi “lực bất tòng tâm” đã khiến mái đầu của ông bạc trắng, ông đành chấp nhận.

Sau khi bỏ học, tôi xin vào làm thợ xẻ ở một xưởng chế biến gỗ. Có người bảo có biết cha tôi, vài lần nhìn thấy ông đội chiếc nón mê, vai vác chiếc búa đi bổ củi thuê… Tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ, tôi liền chối bảo đấy không phải cha tôi. Nhưng đêm ấy, tôi đã âm thầm khóc đau đớn, vừa thương cha vừa lại không muốn bạn mới khinh mình nghèo. Cũng may, sau này khi đã quen thân, bạn bè đã không trách tôi, họ nói, cha mẹ họ cũng lam lũ như như vậy cả.

Cha tôi không hút thuốc lào mà hút thuốc lá, một thứ thuốc ông tự trồng ở góc vườn nhà. Đợi mùa hanh hao khi lá thuốc ngả vàng thì hái phơi khô gác bếp, mùi thuốc hăng hắc cứ nhạt dần. Những lúc chẳng có việc gì, cha tôi trải giấy trên chiếu rồi kê chiếc gối gỗ để thái những sợi thuốc nhỏ như tăm rồi dùng những tờ giấy bản để cuốn thành điếu. Tôi ngạc nhiên khi thấy những điếu thuốc sâu kèn cứ hút gần hết thì cha tôi lại tắt đi và dán lên chiếc cột nhà, lâu dần một mảng cột ở góc khuất xuất hiện những mẩu thuốc nằm xếp hàng la liệt. Rồi những ngày mưa dầm lê thê, những chiếc lá khô gác bếp cũng không còn để thái, cha tôi bóc những mẩu thuốc dán trên cột nhà, lựa những mẩu chưa cháy gom lại cũng đủ được một vài điếu. Ông ngậm điếu thuốc trên môi, như nhấm nháp vị cay cay từ sợi thuốc để khỏa lấp lúc mưa gió ngồi một mình và không biết làm gì hơn.

Thỉnh thoảng cha tôi cũng uống rượu, nhưng chẳng bao giờ thấy ông mua cả chai. Bằng chiếc chén “mắt trâu” tý xíu ông thong thả nhấp từng ngụm nhỏ. Tôi nhìn cái chén lọt thỏm trong những ngón tay thô ráp mà các đầu ngón tay thì cứ bè ra và vuông chằn chặn. Thấy người ta hay nói “Làm cùn đầu ngón tay”, tôi mới thấy điều ấy hiện hữu ở cha tôi. Cả đời cha tôi đã chắt chiu nhặt nhạnh từng củ khoai hạt thóc cũng như những điều thiện lương giành lại cho chúng tôi, thế hệ sau, con cháu người là tối đa mà chi phí cho bản thân mình chỉ mức tối thiểu…

Một hôm có bà hành khất vào ngõ, tôi giả vờ xịt chó cho bà sợ dù nhà tôi không nuôi chó. Cha tôi liền lừ mắt, bảo đừng làm thế phải tội, con. Rồi ông không bảo tôi mà tự mình vào lấy bò gạo đầy, không như thường lệ chỉ lưng bò. Biếu bà, cha tôi nói thế.

Chữ Quốc ngữ cha tôi thuộc loại đọc thông viết thạo, làm được bốn phép tính, còn chữ Nho thì tôi ước chừng ông thuộc độ bốn năm trăm chữ vì ông đọc hết cả bài văn khấn. Tôi nhớ hình như khi lên năm, sáu tuổi, sợ tôi đi chơi nghịch cha tôi bắt tôi học Tam tự kinh, ngày ba chữ, tối cha tôi kiểm tra phải thuộc lòng. Cha tôi viết chữ Nho trên vở, tôi nhìn vào đó mà học thuộc. Đâu được dăm trang thì cha tôi xin cho tôi vào học lớp năm trường làng. Lớp năm thời đó như lớp một hoặc mẫu giáo lớn bây giờ. Cái vở chữ Nho cha tôi viết, tôi cũng không còn biết ở đâu nữa. Một hôm cha tôi ở đâu về, tay đập đập vào vai tôi và chìa cuốn vở tôi học Tam tự kinh ra bảo, chữ thánh hiền không học thì đốt đi đừng để người ta dẫm lên, nghe chưa. Rồi cha tôi cầm vào bếp đốt. Hóa ra cha tôi cũng mê tín.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến cả làng tôi phải chạy tản cư, thóc lúa ngô khoai phải trút vội ra những chiếc thúng để gánh đi. Cha sợ mất những cuốn sách trên treo sách, liền cho hết vào chum. Ngày trở về rêu xanh và cỏ dại mọc đầy sân và lan vào đến đầu hè nhưng nhìn chiếc chum sành vẫn còn nguyên nắp, ông thở phào.

Rồi đến một ngày cha tôi lâm bệnh và qua đời, ở phút lâm chung của người, tôi cảm thấy mình thực sự phải tự tin để gánh trách nhiệm cuộc đời và tự thấy mình đã trưởng thành.

*

Bây giờ thì căn nhà một thời được coi là đẹp nhất vùng, nay lại lọt thỏm và chìm lấp sau những ngôi nhà hai, ba tầng chóp nhọn hoắt. Tôi vẫn giữ nguyên nếp nhà hương hỏa tổ tiên để lại, chỉ thay ngói thay tường, sân vôi được lát lại bằng gạch Giếng Đáy, còn ngoài vườn vẫn còn nguyên cau, cây xoài, cây vạn tuế mà cha tôi đã trồng từ khi tôi còn bé, vẫn nguyên những búi sói, búi nhài vẫn hoa thơm ngát suốt đêm. Mỗi dịp giỗ cha tôi, anh cả lại sửa soạn đèn hương hoa quả trầu rượu trên bàn thờ, đó là công việc mà sinh thời cha tôi vẫn làm trước những ngày giỗ trọng. Tôi hỏi anh mấy chữ trong văn khấn mà trước tên húy của cha thấy đề ba chữ “Hương Trung Trưởng”, anh tôi bảo:

- Ba chữ ấy muốn nhắc đến một người đã khuất là người bình thường sinh ra và trưởng thành ở trong làng, có tên húy là…

Bây giờ tôi mới hiểu câu của anh tôi khi nói cha chỉ là một người bình thường… Vâng, cha tôi chỉ là một con người bình thường trong làng và cả cuộc đời chỉ như một giọt nước nhỏ bình thường.

Làng Mơ, tháng 6/2020

Trần Huy Quang

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dat-lanh-d281992.html