'Đất lành' cho doanh nghiệp, doanh nhân

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Nai đã cùng cả nước bắt tay vào xây dựng và phát triển kinh tế. Tiên phong trong phát triển công nghiệp, đến nay Đồng Nai là một trong số ít các địa phương có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) đông đảo của cả nước. Các DN, doanh nhân hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất, thương mại đến dịch vụ tư vấn, từ chế tạo máy đến chế biến sản phẩm nông nghiệp...

Doanh nhân Trần Bá Dương (trái), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải, người anh cả của đội ngũ doanh nhân Đồng Nai

Doanh nhân Trần Bá Dương (trái), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải, người anh cả của đội ngũ doanh nhân Đồng Nai

Thời mở cửa, DN, doanh nhân Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung không ngừng học hỏi, nâng cao kinh nghiệm quản trị sản xuất, quản trị chất lượng để tham gia vào sân chơi chung toàn cầu, bước đầu tạo nên những thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế.

* Những người “truyền lửa” khởi nghiệp

Trong mọi thời điểm, doanh nhân luôn gắn liền với những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung đang đứng ở thời điểm 2020, mốc thời gian quan trọng đối với sự chuyển mình phát triển kinh tế.

Trong vòng 2 thập niên đầu thế kỷ XXI, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Doanh nhân, DN ngày càng có vai trò trụ cột, động lực cơ bản cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng doanh nhân gắn với sự phát triển của DN, đặc biệt là DN khu vực tư nhân. Hiện nay, với trên 715 ngàn DN, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký), số lượng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lên đến trên 5 triệu người. Khu vực DN đã đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động.

Theo đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Việt Nam không thua kém các nền kinh tế khác trong khu vực. Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh được với thế giới nhưng số lượng còn ít. Ngoài ra, Việt Nam đã có những doanh nhân riêng lẻ với sức cạnh tranh cao và từ cơ sở này, cần xây dựng được một thế hệ DN, doanh nhân hùng mạnh, qua đó để các DN Việt kết nối với nhau và đủ sức tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Đồng Nai, một trong những nơi phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước, đội ngũ doanh nhân, DN cũng ngày càng lớn mạnh. Thời kỳ mở cửa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cộng đồng DN Việt ở Đồng Nai cũng đã xuất hiện những DN, doanh nhân phát triển lớn mạnh, mang tầm vóc quốc gia. Những người truyền cảm hứng cho doanh nhân Đồng Nai phải kể đến như: ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai khóa I, II) hay ông Phạm Đức Bình (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai khóa III), doanh nhân Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư golf Long Thành… Đây đều là những lãnh đạo DN lớn, đã khẳng định được tên tuổi, vươn tầm quốc gia, quốc tế.

Không chỉ những doanh nhân thuộc thế hệ đầu tiên tự lập, gầy dựng cơ đồ mà nhiều doanh nhân “thế hệ thứ 2” cũng đều tỏ rõ được bản lĩnh của mình. Từ các nhà máy, xí nghiệp nhỏ, những doanh nhân như Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành), Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán)... đã phát triển DN gia đình của mình một cách lớn mạnh.

Nhiệt huyết truyền “lửa” cho tinh thần khởi nghiệp từ những người đi trước như ông Trần Bá Dương và ông Phạm Đức Bình, ông Lê Văn Kiểm rồi các thế hệ doanh nhân kế tiếp đã góp sức để càng về sau đội ngũ doanh nhân càng phát triển.

Tại Đồng Nai, phải kể đến Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Hội đã có gần 500 hội viên là chủ các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp trên địa bàn. Các lĩnh vực hoạt động của thành viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai rất đa dạng, từ sản xuất công nghiệp đến chế biến, sản xuất nông nghiệp, từ cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ đến dịch vụ vận tải, ăn uống, tiêu dùng...

Một tổ chức khác mới được du nhập vào nước ta là mạng lưới kinh doanh quốc tế (BNI) cũng đã có mặt ở Đồng Nai với chapter (chi hội) có gần 300 thành viên. Trong năm 2020, BNI Đồng Nai phấn đấu thành lập thêm 2 chapter, nâng tổng số thành viên tham gia BNI lên gấp đôi so với hiện nay.

Đồng Nai còn có các hiệp hội ngành nghề như: Hiệp hội Gốm mỹ nghệ, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ, Hội Doanh nhân cựu chiến binh hay các hội doanh nhân của những địa phương có nhiều người sinh sống ở Đồng Nai… Tất cả nhằm tạo dựng nên các tổ chức DN để kết nối, chia sẻ thông tin và đóng góp vào chính sách phát triển cho tỉnh.

* Thay đổi tư duy, vươn mình ra biển lớn

Cùng với sự phát triển kinh tế năng động, Việt Nam ngày một tham gia sâu hơn vào sân chơi toàn cầu, hội nhập với quốc tế. Qua thời gian, chúng ta đàm phán, trở thành thành viên của hầu hết các tổ chức thương mại chủ chốt, ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương lớn nhất thế giới.

Thương hiệu Trứng gà Thanh Đức đã có mặt trên thị trường Nhật Bản

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào những “sân chơi” lớn như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... vai trò của đội ngũ doanh nhân, kinh tế tư nhân ngày càng rõ nét. Sự học hỏi, vươn mình để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu thể hiện khát vọng vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Thay đổi về tư duy sản xuất, tiến ra thế giới đã giúp cho ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành), doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm nhựa, cao su, hàng phụ trợ cho doanh nghiệp cơ khí, chế tạo… đưa được hàng của mình vào chuỗi cung ưng toàn cầu. Một khi có cơ hội hợp tác với đối tác quốc tế, người làm chủ DN cần nhạy bén để nắm bắt, không nên có tâm lý tự ti, sợ không làm được. Nhờ mạnh dạn nắm bắt cơ hội, tự tin hợp tác với đối tác lớn nước ngoài mà công ty đã trở thành một trong 25 nhà cung cấp chuyên nghiệp của Việt Nam cho các tập đoàn lớn.

Đó cũng là khát vọng để các DN tư nhân khác của Đồng Nai như Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food, H.Trảng Bom) với các sản phẩm từ nông sản như: nha đam, dừa, nho, táo, dưa lưới xuất sang nhiều nước ở châu Á, châu Âu, Mỹ; trứng gà của Công Ty TNHH TMDV Sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (H.Xuân Lộc) xuất đi Nhật, Hàn Quốc...

Bên cạnh những phẩm chất nổi bật, đội ngũ doanh nhân mới của Việt Nam hiện nay cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, số lượng thương hiệu toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn, các DN chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, sự kết nối giữa các DN còn khá lỏng lẻo, sức mạnh cộng đồng của đội ngũ doanh nhân chưa cao... Tuy nhiên, đây là những hạn chế khó tránh khỏi đối với đội ngũ doanh nhân còn khá non trẻ đang trong quá trình vươn mình để phát triển.

Do đó, trong tương lai cộng đồng DN cần mạnh mẽ, táo bạo hơn nữa trong nắm bắt các cơ hội kinh tế, vươn mình ra thế giới, thể hiện khát vọng hùng cường của cộng đồng DN, doanh nhân Việt, tiếp bước những thương hiệu quốc gia đã có công khai phá, mở đường.

Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có hơn 37 ngàn DN, HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh, khoảng 125 ngàn hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký thành lập. Riêng giai đoạn từ năm 1991 đến nay, toàn tỉnh có hơn 35 ngàn DN dân doanh. Đây là khu vực phát triển nhanh nhất về số lượng, đa dạng về ngành nghề kinh doanh và rất năng động ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Về thu ngân sách, đóng góp của các DN trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 70% tổng thu ngân sách.

Bài, ảnh: Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202004/ky-niem-45-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2020-dat-lanh-cho-doanh-nghiep-doanh-nhan-3001244/