Đắt, khó học, sinh viên vẫn 'chuộng' chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
Dù biết IELTS, TOEIC... tốn kém, đắt đỏ, nhiều sinh viên vẫn chọn những chứng chỉ này để tăng cơ hội nghề nghiệp thay vì học chứng chỉ nội hay đơn thuần là thi đầu ra của trường.
“Mình không nhớ mình đã chi bao nhiêu tiền cho việc học IELTS, hơi đắt đỏ, nhưng mình thấy xứng đáng”.
Đây là điều mà Phạm Chi, sinh viên tại một trường đại học ở Hà Nội, chia sẻ với Tri Thức - Znews khi nói về việc học tiếng Anh nói chung và học IELTS nói riêng.
Là sinh viên năm cuối, ngấp nghé trước cánh cửa nghề nghiệp, Chi nói rằng việc học chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đã mang lại cho cô rất nhiều cơ hội mới. Nếu không xác định học IELTS ngay từ đầu, nữ sinh e rằng bản thân sẽ không đạt được nhiều điều như hiện tại.
Chấp nhận bỏ ra chi phí gấp 10 lần
Phạm Chi theo học ngành liên quan lĩnh vực kinh tế nên chỉ cần chứng chỉ tiếng Anh B2 hoặc các chứng chỉ tương đương là đủ điều kiện tốt nghiệp. Ngay từ năm nhất, nữ sinh đã xác định học IELTS để cải thiện kỹ năng, đồng thời thi lấy chứng chỉ nộp về trường làm chuẩn đầu ra.
Do học IELTS, Chi phải chấp nhận bỏ ra số tiền lớn hơn so với việc học các loại chứng chỉ khác, thi cũng sẽ đắt hơn. Trung bình mỗi khóa học, nữ sinh sẽ tốn khoảng 5-7 triệu đồng, hoặc thậm chí có thể cao hơn nếu nâng cao trình độ theo thời gian.
Nhờ đầu tư học IELTS từ sớm, trình độ, kỹ năng tiếng Anh của Chi được cải thiện theo thời gian, nhất là ở kỹ năng Đọc - kỹ năng giúp cô tìm đọc các tài liệu nước ngoài để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu các môn chuyên ngành. Học tốt tiếng Anh cũng giúp cô tìm được những công việc bán thời gian, mang lại thu nhập khá hấp dẫn, đồng thời giúp cô được đánh giá cao khi tham gia thực tập tại doanh nghiệp.
“Thực ra, mình nghĩ học - thi chứng chỉ tiếng Anh nội hay ngoại đều được, miễn là bạn thực sự nghiêm túc với việc học. Dù vậy, mình vẫn sẵn sàng đầu tư để học IELTS vì tin rằng loại chứng chỉ này giúp mình mở rộng nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường”, Chi nói.
Tương tự, dù có thể thi chuẩn đầu ra tiếng Anh tại trường với chi phí rẻ (chỉ 900.000 đồng), T.B. (sinh viên năm cuối tại Hà Nội) cho biết cô vẫn lựa chọn học - thi TOEIC bên ngoài rồi nộp chứng chỉ về trường. Chi phí để học và thi chứng chỉ này lên tới gần 9 triệu đồng.
Theo B., việc thi tại trường dù rẻ hơn, song kết quả này chỉ sử dụng để xét tốt nghiệp, không thể dùng nó trong quá trình xin việc. Bên cạnh đó, nhà trường yêu cầu sinh viên hệ chính quy phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ bậc 3, B. đánh giá mức này chỉ đảm bảo chất lượng đầu ra của trường chứ chưa phải trình độ nhà tuyển dụng mong muốn.
Nữ sinh cũng không chọn thi chứng chỉ trong nước như VSTEP dù chi phí rẻ hơn. B. cho rằng chứng chỉ TOEIC sẽ có giá trị công nhận rộng rãi cả trong và ngoài nước, đặc biệt là ở các công ty, tập đoàn đa quốc gia, thuận tiện để cô xin việc sau này.
“Nếu mục đích thi là vì chuẩn đầu ra, VSTEP là một lựa chọn không tồi. Nhưng cân nhắc về cả cơ hội nghề nghiệp, mình nghĩ TOEIC vẫn sẽ đem lại lợi thế hơn”, B. nhìn nhận.
Học và thi chứng chỉ quốc tế cũng khó hơn
Dù thi đạt bậc 4 chứng chỉ VSTEP (tương đương B2), Thùy Linh (sinh viên tại Hà Nội) cũng cho rằng nếu muốn học lên cao hoặc áp dụng cho công việc, cô cần trau dồi thêm hoặc thi chứng chỉ ngoại ngữ khác.
Nữ sinh đánh giá VSTEP chỉ là chứng chỉ dùng trong nước, phù hợp với sinh viên cần đủ điều kiện ra trường vì dễ ôn, đề thi không quá khó, tài liệu rộng mở và nhanh có kết quả.
Trong khi đó, các chứng chỉ quốc tế khác có phần khó học, khó thi hơn để đạt kết quả tương đương. Từng tham gia cả kỳ thi lấy chứng chỉ TOEFL ITP (3 kỹ năng Nghe - Đọc - Ngữ pháp) và đạt 530 điểm, tương đương bậc 4 của VSTEP. Linh nhận định kỹ năng Nghe và Đọc của VSTEP dễ hơn nhiều.
Theo đó, các chủ đề từ vựng ở bài Đọc có phần quen thuộc hơn đối với thí sinh Việt Nam, tốc độ nói ở phần Nghe cũng chậm hơn. Trong khi đó, tốc độ bài Nghe của chứng chỉ TOEFL nhanh, bài Đọc yêu cầu vốn từ vựng chuyên sâu hơn với các chủ đề khoa học, thiên văn…
Chung quan điểm với Linh, Phạm Chi chia sẻ không chỉ chi phí cao hơn, việc học các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng khó hơn vì theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cô lấy ví dụ với chứng chỉ IELTS, ngoài việc thông thạo Nghe, Nói, Đọc, Viết, người thi cần có kỹ năng tư duy nhạy bén và có những hiểu biết nhất định về học thuật, kinh tế, khoa học, xã hội... mới có thể đạt band điểm cao.
Nữ sinh cho rằng đó cũng là lý do khiến các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được đánh giá cao hơn và có thể sử dụng với nhiều mục đích như du học, ứng tuyển việc làm…
“Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vừa đắt vừa khó học, nhưng mình thấy đắt xắt ra miếng. Nếu các bạn chỉ cần có chứng chỉ để ra trường, các bạn học chứng chỉ nội cũng được. Nhưng nếu thực sự cần chứng chỉ để mở rộng cơ hội việc làm, các bạn có thể cân nhắc học IELTS, TOEIC hoặc TOEFL”, Chi đưa lời khuyên.