Đất hóa 'vàng' nhờ công nghệ

Những cánh đồng trồng hoa, rau, cây ăn quả… cho doanh thu từ vài trăm triệu đồng tới hàng tỷ đồng tại Sơn La giờ đây không còn là chuyện hiếm. Đó là thành quả của việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Hiệu quả kinh tế

Ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở KH&CN Sơn La - cho biết, Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, để phát triển nông nghiệp, với các sản phẩm nông sản chất lượng cao. Đồng thời, với vai trò và vị thế là trung tâm của vùng Tây Bắc, Sơn La luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, các đơn vị nghiên cứu trong hoạt động KH&CN. Nhờ đó, hoạt động KH&CN trên địa bàn được đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây trồng kém hiệu quả

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây trồng kém hiệu quả

Tiêu biểu như việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây trồng kém hiệu quả được tỉnh Sơn La tập trung nghiên cứu trong thời gian qua. Hay việc xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã. Từ hiệu quả của mô hình vài ha đến nay đã mở rộng được hơn 4.000 ha tại Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, TP. Sơn La…, với thu nhập 200 - 300 triệu đồng/ha. Sản phẩm nhãn Sông Mã đã được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, cấp mã vùng xuất khẩu, nhằm xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc...

Tương tự, mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Mai Sơn cho thu hoạch 20 tấn/ha, với giá bán 30.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha. Từ kết quả của dự án, Mai Sơn đã mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ và thành lập hợp tác xã sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn là 133 ha, sản lượng 404 tấn.

Đặc biệt, mô hình sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP và hoa chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Hoa nhiệt đới đã hình thành nghề trồng hoa, rau chất lượng cao tại địa phương, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho hơn 150 lao động (bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng). Hiện tại, công ty vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa, với doanh thu khoảng 1,5-2 tỷ đồng/ha/năm.

Sát thực tiễn

Theo ông Phạm Quang An, các nhiệm vụ KH&CN triển khai trên địa bàn đã bám sát yêu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nhất là trước nhịp chảy công nghệ 4.0 trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thời gian tới, Sở KH&CN Sơn La tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KH&CN.

Trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đặc biệt, ứng dụng các công nghệ mới trong bảo quản, chế biến sản phẩm có lợi thế của tỉnh; ứng dụng phần mềm điều khiển các thiết bị kỹ thuật số trong nông nghiệp nhằm điều khiển hệ thống tưới tiêu, hệ thống thiết bị thông minh nhà lưới, nhà kính...

Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong xây dựng đề xuất nhiệm vụ KH&CN sát với thực tiễn tại địa phương; tăng cường truyền thông về kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó tập trung vào các quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi, kỹ thuật nhân giống, bảo quản sản phẩm nông sản, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, canh tác theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, đẩy mạnh xây dựng mạng lưới thông tin giữa các đơn vị nhằm cung cấp, trao đổi và khai thác hiệu quả nguồn thông tin KH&CN…

Hiện nay, 70% số nhiệm vụ KH&CN của tỉnh đã được ứng dụng, duy trì và nhân rộng; góp phần quan trọng thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dat-hoa-vang-nho-cong-nghe-141097-141097.html