Đất hiếm dưới đáy Biển Đông: Cần chiến lược tổng thể

Đất hiếm cũng sẽ là một loại lợi ích cần được bảo vệ nằm trong tất cả những loại quyền và lợi ích liên quan tới quyền, chủ quyền biển đảo.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đất hiếm dưới đáy Biển Đông là một trong số những loại tài nguyên đã được ông nhắc tới từ 1-2 năm trước.

Đất hiếm là một loại lợi ích cần được bảo vệ. Ảnh minh họa

Đất hiếm là một loại lợi ích cần được bảo vệ. Ảnh minh họa

Trong một cuốn sách viết về tài nguyên biển của mình, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đã trưng ra tấm bản đồ cổ do Hoàng gia Anh chụp nổi dưới đáy Biển Đông.

Phân tích dựa trên tấm bản đồ, vị chuyên gia phát hiện dưới đáy Biển của Việt Nam có tồn tại những lòng sông, cửa sông, đường bờ cổ... đó là những tiền đề để tìm kiếm đất hiếm. Càng vào sâu vùng thềm lục địa thì đất hiếm càng nhiều.

Vị chuyên gia phân tích, đặc điểm của đất hiếm là tồn tại cộng sinh cùng các nguyên tố hiếm trong những mỏ sa khoáng có cả trên đất liền và cả dưới lòng biển. Càng ở các mỏ sa khoáng bị chôn vùi, trữ lượng đất hiếm càng lớn.

Vì điều này, ở Thái Lan, Malaysia và cả Việt Nam cũng phát hiện có nhiều mỏ đất hiếm, nhất là ở khu vực cửa vịnh Bắc Bộ.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, khoa học, kỹ thuật còn hạn chế, vấn đề nghiên cứu, thăm dò của Việt Nam cũng khó khăn hơn.

"Về mặt tiền đề, Việt Nam có thể đưa ra những dự báo về loại tài nguyên này, tuy nhiên, từ dự báo tới khai thác, thăm dò, quản lý, sử dụng được loại tài nguyên này thì còn là vấn đề rất phức tạp, không dễ làm được.

Trong khi, Trung Quốc là một trong số quốc gia đi đầu trong nghiên cứu khai thác đất hiếm. Chính nhờ việc làm chủ công nghệ, tài chính, hiện Trung Quốc đã thực hiện thăm dò, đánh giá đất hiếm ở nhiều khu vực", PGS.TS Chu Hồi cho biết.

Trong điều kiện hiện nay, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho rằng, dù có phát hiện đất hiếm dưới đáy Biển Đông nhưng Việt Nam cũng chưa thể có điều kiện khai thác ngay được loại tài nguyên này.

Khi chưa khai thác được thì vấn đề quản lý, bảo vệ tài nguyên, đất hiếm sẽ càng khó khăn, phức tạp. Do đó, quan điểm của vị chuyên gia là đặt việc quản lý tài nguyên, quản lý đất hiếm trong tổng thể chiến lược bảo vệ chủ quyền của đất nước hay còn gọi là chiến lược quản trị biển và đại dương.

Với cách tư duy này, đất hiếm cũng sẽ là một loại lợi ích cần được bảo vệ nằm trong tất cả những loại quyền và lợi ích liên quan tới quyền, chủ quyền biển đảo. Nói cách khác, năng lực quản lý tài nguyên cũng chính là năng lực bảo vệ chủ quyền.

"Khi gắn những lợi ích này cùng với tính pháp lý của các vùng biển của Việt Nam đã được luật pháp quốc tế thừa nhận quyền, chủ quyền thì đó chính là cách bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tài nguyên tốt nhất", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhìn nhận.

Bên cạnh đó phải kết hợp với các giải pháp quản trị theo không gian. Cụ thể là không gian pháp lý của Việt Nam đã được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển cũng như các pháp lý luật pháp quốc tế liên quan thừa nhận để sớm có giải pháp khoanh vùng những không gian triển vọng để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch biển, hoàn thiện các giải pháp bảo vệ, quản lý phù hợp.

Trong đó, ông nhấn mạnh tới việc quy hoạch đô thị biển, xây dựng hệ sinh thái đa chiều tạo sự kết nối, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.

Để triển khai chiến lược này, có rất nhiều việc phải làm, trong đó cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, bao gồm kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế thuần biển.

Vị chuyên gia cho hay, tổ chức lại không gian kinh tế biển cần dựa trên một “quy hoạch không gian biển” có chất lượng, sát thực, phù hợp với Luật Quy hoạch (2017).

Theo cách tiếp cận nói trên, để hướng ra biển, dựa vào biển, vươn ra biển lớn thì cần xây dựng một “Mạng lưới các đô thị biển” với tư cách là những “Cực phát triển” chủ lực, có động lực lan tỏa rộng lớn và có khả năng kết nối không gian kinh tế ven biển, không gian kinh tế đảo và không gian kinh tế biển.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới có “chuỗi đô thị ven biển” (Coastal cities), chưa có đô thị đảo (Island city) và đô thị biển (Ocean-based city). Cho nên, về lộ trình phát triển, theo vị PGS cần ưu tiên cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng chuỗi đô thị ven biển, bao gồm các đô thị ven biển hiện có (cũ) từ Móng Cái cho đến Hà Tiên. Trong đó có các đô thị trung tâm đóng vai trò chủ lực cho vùng như: Hạ Long, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu,...) và các đô thị ven biển mới gắn với khu kinh tế ven biển và cảng nước sâu như: thành phố Nghi Sơn gắn với khu kinh tế và cảng nước sâu cùng tên (tỉnh Thanh Hóa); thành phố Kỳ Anh gắn với khu kinh tế và cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Chu Lai gắn với khu kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và cảng nước sâu Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi); thành phố Vạn Tường gắn với khu kinh tế Dung Quất và cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi)... Đồng thời, xây dựng các tuyến giao thông (đường bộ cao tốc và đường sắt hiện đại ven biển, đường hàng không) để hình thành các “tuyến lực” giúp gia tăng khả năng liên kết các đô thị ven biển nói trên, tạo động lực cho liên kết vùng.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết thêm, đô thị biển gồm có 3 kiểu loại: Đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị biển được tổ chức thành các chuỗi đô thị tương ứng.

"Đô thị biển không chỉ là đô thị, mà phải là một cực tăng trưởng trên không gian biển, phải là điểm kết nối các điểm cực tăng trưởng trong ba mảng không gian biển, đảo và ven biển.

Ngoài phát triển chuỗi đô thị ven biển như nói trên, thì cần chuẩn bị để sớm xây dựng một chuỗi đô thị đảo ở 12 huyện đảo của nước ta.

Tương tự như đô thị ven biển, phát triển đô thị đảo nhằm tạo kết nối đảo với biển và vùng ven biển (đất liền), hình thành các cực phát triển, tạo khả năng tích tụ dân số, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực kinh tế biển, giúp tăng cường thực thi chủ quyền dân sự, tạo “đối trọng” với các sáng kiến chiến lược qua Biển Đông nói trên, góp phần khắc phục những thách thức trong bối cảnh mới ở Biển Đông,...

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, cần phải mạnh dạn tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện mạng lưới các chuỗi đô thị biển, đô thị ven biển và đô thị đảo, để góp phần khẳng định thế đứng của một “Quốc gia biển” chứ không phải “Quốc gia ven biển”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhận định.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/dat-hiem-duoi-day-bien-dong-can-chien-luoc-tong-the-3432797/