Đắt hàng sách 'mẫu' cho tu bổ di tích

'Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Bảo tồn di tích' tập 1 có thể xem là cẩm nang soi rọi vào các công trình kiến trúc đình làng Việt, đặc biệt dòng sách rất kén độc giả này nhanh chóng 'cháy' hàng.

Một trong những lần hiếm thấy một cuốn sách nghiên cứu chuyên ngành và kén người đọc lại bán rất chạy. Trước lễ ra mắt chính thức hôm 9/8 tại Viện Bảo tồn Di tích, hỏi tác giả chủ biên đã thấy khan sách rồi. Không phải ngẫu nhiên cuốn này lại được săn lùng nhiều như vậy: Cuốn sách kỳ công do TS Hoàng Đạo Cương (Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) và TS Nguyễn Hồng Kiên chủ biên.

Công phu của những người làm sách mang tới ấn phẩm chuẩn, đáng tin cậy. Không chỉ là cuốn sách ảnh thông thường, nó cung cấp cho các nhà nghiên cứu, tu bổ di tích cả bản vẽ và bài viết khảo cứu dài chừng 2.000 chữ. Ảnh chụp, bản vẽ và bài viết khảo cứu về 15 ngôi đình tiêu biểu của miền Bắc là những thông tin trực quan, khoa học và khá tỉ mỉ. Có thể xem đây như cuốn sách để soi chiếu công tác tu bổ di tích? TS Nguyễn Hồng Kiên đồng tình, bởi những tư liệu này “rút” từ hồ sơ từ vài chục năm trước của Viện Bảo tồn di tích.

Một cuốn sách quý và hay về đình làng Việt.

Một cuốn sách quý và hay về đình làng Việt.

Không chỉ riêng tu bổ, sách trang bị kiến thức chuẩn cho độc giả để nắm bắt cấu trúc, kiến trúc của di tích thuần Việt này. Tuy nhiên, TS Nguyễn Hồng Kiên cũng lấy làm tiếc bởi không ít mảng kiến trúc, trang trí gốc của nhiều ngôi đình mẫu trong sách nay bị biến dạng sau những lần tu bổ. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình- người sáng lập nhóm Đình làng Việt và tổ chức hàng chục chuyến điền dã về các đình làng tiêu biểu ở miền Bắc- cho rằng hồ sơ của các di tích trong sách được lập ở thời kỳ di tích còn khá nguyên vẹn. Anh đánh giá cao tư liệu này có thể giúp ích lớn trong công tác tu bổ, phục hồi di tích, đồng thời là cuốn cẩm nang để giáo dục về tình yêu và bảo vệ di sản.

Phát biểu trong buổi ra mắt sách, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên nói rằng việc xuất bản những cuốn sách như thế này cực kỳ cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Thực tế Viện Bảo tồn di tích sở hữu kho tư liệu khổng lồ về di tích và di sản, nếu được các tác giả chủ biên thành những bộ sách như thế này rất đáng quý. Để cuốn sách thực sự đi vào đời sống, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đề nghị Viện gửi tặng các viện nghiên cứu, trường đại học phục vụ công tác nghiên cứu, sau đó tái bản cung cấp cho nhu cầu đọc giả. Ngay hôm ra mắt sách, đại biểu ở một số đơn vị như Viện Kiến trúc Quốc gia lần lượt xếp hàng đăng ký mua sách, có người ôm cả dăm cuốn mang về làm quà.

Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Bảo tồn di tích là cuốn mở đầu trong loạt sách về kiến trúc di sản này. Trong hàng ngàn bộ hồ sơ di tích gốc, các nhà chuyên môn còn cho ra đời những tập tiếp theo về đình, chùa Việt. TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết, các nhà nghiên cứu, bảo tồn đang chuẩn bị tư liệu cho cuốn tiếp theo về chùa Việt.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/dat-hang-sach-mau-cho-tu-bo-di-tich-1176821.tpo