Đạt đột phá sau cuộc đàm phán nước rút, thỏa thuận trần nợ mới của Mỹ có gì?

Ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa đã đạt được một thỏa thuận tạm thời đình chỉ trần nợ và giới hạn một số chi tiêu liên bang để ngăn chặn kịch bản vỡ nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỹ đạt được một thỏa thuận tạm thời đình chỉ trần nợ. (Nguồn: Twitter)

Mỹ đạt được một thỏa thuận tạm thời đình chỉ trần nợ. (Nguồn: Twitter)

Kết quả đột phá này đạt được sau cuộc đàm phán nước rút trước thềm hạn chót đạt thỏa thuận nâng trần nợ công vào tháng 6/2023.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã điều chỉnh dự báo về thời hạn chót để nâng giới hạn nợ liên bang cho rằng, chính phủ nước này có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 5/6 tới thay vì ngày 1/6 đưa ra trước đó.

Các bên hiện đã sẵn sàng chuyển thỏa thuận này lên Quốc hội để bỏ phiếu.

Việc gia hạn nợ sẽ kéo dài đến hết năm 2024, đồng nghĩa là Quốc hội sẽ không phải lại đối mặt vấn đề gây chia rẽ sâu sắc này cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận gay gắt về cách phân bổ tiền theo giới hạn chi tiêu mới vẫn sẽ diễn ra tại Quốc hội năm nay.

Dưới đây là một vài điểm chính trong thỏa thuận được đăng trên một trang web của Quốc hội Mỹ.

Giới hạn chi tiêu không thiết yếu, tăng chi tiêu quốc phòng

Thỏa thuận sẽ đình chỉ trần nợ 31.400 tỷ USD cho đến ngày 1/1/2025, cho phép chính phủ Mỹ thanh toán các hóa đơn tới thời điểm đó. Đổi lại, các khoản chi tiêu không thiết yếu, không bao gồm chi tiêu quốc phòng, sẽ "gần như không đổi" so với mức hiện tại vào năm 2024 khi tính đến các điều chỉnh phân bổ đã được thống nhất.

Các quan chức Nhà Trắng ước tính, tổng chi tiêu không thiết yếu phi quốc phòng (không bao gồm phúc lợi cho cựu chiến binh) sẽ đạt tổng cộng 637 tỷ USD cho tài khóa 2024 (kết thúc vào ngày 30/6/2024), giảm nhẹ so với 638 tỷ USD của tài khóa trước đó. Tổng số tiền này sẽ tăng 1% vào tài khóa 2025.

Ở chiều ngược lại, thỏa thuận này sẽ nâng tổng chi tiêu quốc phòng lên 886 tỷ USD, phù hợp với đề xuất chi tiêu ngân sách năm 2024 của Tổng thống Biden. Đó sẽ là mức tăng khoảng 3% so với 858 tỷ USD được phân bổ trong ngân sách hiện tại cho Lầu Năm Góc và các chương trình liên quan đến quốc phòng ở các cơ quan khác.

Điều chuyển khoản tài trợ cho IRS

Tổng thống Biden và các đảng viên Dân chủ đã bảo đảm được khoản tài trợ mới trị giá 80 tỷ USD trong một thập niên để giúp Sở Thuế vụ (IRS) thực thi chính sách thuế đối với những người Mỹ giàu có trong Đạo luật Giảm lạm phát năm ngoái. Động thái này dự kiến sẽ mang lại thêm 200 tỷ USD doanh thu trong 10 năm tới cho ngân sách.

IRS đã dành khoản tiền để thuê thêm hàng nghìn nhân viên mới. Khoản doanh thu thuế bổ sung dự kiến sẽ bù đắp cho một loạt khoản tín dụng thuế thân thiện với khí hậu.

Luật mới và các khoản phân bổ tiếp theo sẽ chuyển 10 tỷ USD trong mỗi năm dương lịch 2024 và 2025 khỏi khoản tài trợ cho IRS. Nhưng các quan chức chính quyền tin rằng IRS có thể chấp nhận điều này trong thời gian trước mắt vì cơ quan sẽ được tài trợ trong 10 năm.

Thu hồi các quỹ Covid-19 chưa sử dụng

Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đồng ý thu hồi phần lớn các quỹ cứu trợ Covid-19 chưa được sử dụng như một phần của thỏa thuận ngân sách. Số tiền chưa sử dụng ước tính trong khoảng từ 50 - 70 tỷ USD.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, một số quỹ sẽ được giữ lại, bao gồm các hạng mục liên quan đến tài trợ vaccine, hỗ trợ vấn đề nhà ở và trợ giúp người Mỹ bản địa.

Yêu cầu bổ sung về việc làm

Các nhà lập pháp lưỡng đảng đã đấu tranh gay gắt về việc áp đặt các yêu cầu công việc khắt khe hơn đối với những người Mỹ có thu nhập thấp, để xét xem họ có đủ điều kiện tham gia các chương trình cứu trợ thực phẩm và chăm sóc sức khỏe hay không.

Không có thay đổi nào đối với chương trình hỗ trợ y tế Medicaid trong thỏa thuận, nhưng thỏa thuận sẽ áp đặt các yêu cầu công việc mới đối với một số người có thu nhập thấp nhận hỗ trợ lương thực theo chương trình được gọi là SNAP cho đến 54 tuổi thay vì tới 50 tuổi như trước đây.

Các khoản vay sinh viên

Dự luật mới sẽ yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden tuân theo kế hoạch chấm dứt việc tạm hoãn thanh toán các khoản vay sinh viên vào cuối tháng Tám. Tuy nhiên, dự luật không loại bỏ được kế hoạch xóa khoản nợ 430 tỷ USD cho sinh viên do Tổng thống Biden đề xuất.

Tòa án Tối cao Mỹ hiện đang xem xét kế hoạch này.

Nới lỏng yêu cầu giấy phép cho các dự án năng lượng

Các bên đã đồng ý về những quy tắc mới để giúp các dự án năng lượng - bao gồm cả các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch - dễ dàng nhận được giấy phép hơn.

Nghị sĩ McCarthy và các đảng viên Cộng hòa của ông đã xác định việc cải cách quy trình cấp phép là một trong những trụ cột của bất kỳ thỏa thuận nào.

Phía Nhà Trắng đã ủng hộ kế hoạch này hồi đầu tháng 5/2023.

(theo Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dat-dot-pha-sau-cuoc-dam-phan-nuoc-rut-thoa-thuan-tran-no-moi-cua-my-co-gi-228937.html