Đất có được gọi là khoáng sản làm vật liệu xây dựng không?

Ông Hoàng Anh Hùng (Hà Tĩnh) hỏi, có văn bản nào quy định cụ thể đất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không? Có cần giám định cát để xác định cát là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường làm căn cứ xử phạt không?

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Điều 64 Luật Khoáng sản đã quy định các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong đó bao gồm:

- Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 cátnhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật cansiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, xi măng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;

- Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

Như vậy, đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đối với các khoáng sản cát thì cần lấy mẫu phân tích để xác định mục đích sử dụng như làm vật liệu xây dựng hoặc cát sản xuất thủy tinh.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/dat-co-duoc-goi-la-khoang-san-lam-vat-lieu-xay-dung-khong/385330.vgp