Đạt chuẩn nhưng chưa có năng lực thật sự

Hầu hết các trường ĐH đều có những quy định về chuẩn trình độ ngoại ngữ với giảng viên. Tuy nhiên, chuẩn này khác nhau ở các trường.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM từ năm 2016 quy định, giảng viên (GV) dạy ngoại ngữ cần đạt IELTS 6.0 trở lên, năm 2017 phải từ 6.5 trở lên. GV các ngành khác phải đạt chuẩn TOEIC 500 điểm trở lên. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với việc tuyển dụng giảng viên mới; giảng viên trên 45 tuổi (nữ) và trên 50 tuổi (nam) không bắt buộc.

Tiến sĩ Tô Văn Phương, phụ trách Phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Nha Trang, cho biết hơn 10 năm qua, trường đã áp dụng quy định muốn hoàn thành tập sự để thành GV chính thức, phải có năng lực ngoại ngữ thể hiện qua chứng chỉ quốc tế. Theo tiến sĩ Phương, trường hiện có khoảng 70% GV có năng lực ngoại ngữ tương đương bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN (tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu hoặc IELTS 6.0 điểm). “Tỷ lệ này có được là nhờ quy định khuyến khích giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài”, ông Phương cho hay.

Theo quy định của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, những cán bộ GV có bằng tốt nghiệp sau ĐH được các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được Bộ GD-ĐT công nhận, đảm bảo các điều kiện học, viết, bảo vệ luận văn, luận án bằng tiếng Anh thì được công nhận là sử dụng thành thạo tiếng Anh, tương đương mức C1. Với GV khoa ngoại ngữ kinh tế, chuẩn tiếng Anh là C2 hoặc tương đương. GV các khoa còn lại phải đạt chuẩn tối thiểu là B2 hoặc tương đương, GV dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh phải đạt chuẩn tối thiểu C1 hoặc sử dụng thành thạo tiếng Anh. Trước năm 2020, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đặt mục tiêu 70% GV đạt chuẩn trình độ tiếng Anh.

Hầu hết GV đều đạt chuẩn theo quy định xét theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN. Tuy nhiên, năng lực thực tế để sử dụng ngoại ngữ 4 kỹ năng là chuyện khác. Trưởng phòng phụ trách nhân sự một trường ĐH cho biết, hầu hết GV trường này đều đạt chuẩn ngoại ngữ nhưng thực tế khi kiểm tra mở ngành, chỉ chưa tới 40% GV có năng lực sử dụng ngoại ngữ thực sự. Người này cho biết, vấn đề ở đây là sử dụng tiếng Anh. Với môi trường hiện tại, GV chủ yếu sử dụng tiếng Anh để đọc và dịch tài liệu nên khả năng giao tiếp hạn chế. Ngay cả những người học tiếng Anh bài bản nhưng giảng dạy, làm việc trong môi trường không sử dụng thứ tiếng này cũng chịu sự tác động qua thời gian.

Trước đó, theo số liệu tổng kết thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2015 - 2016, các trường đều thiếu GV có thể dạy bằng tiếng Anh. Đơn cử tại Khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tỷ lệ chung sinh viên/GV của khoa này 15/1, trong đó tỷ lệ sinh viên/GV có thể sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy lên 130/1. Tương tự, Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM hiện cũng có khoảng 20/50 GV có khả năng sử dụng tiếng Anh giảng dạy.

Theo lãnh đạo một trường ĐH, “góc khuất” còn tình trạng bằng thật nhưng học giả của một số người. “Các trường chỉ quy định đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia như B1, B2 và hầu hết đều được công nhận trình độ tương đương. Nhưng để đánh giá năng lực ngoại ngữ đến đâu thì rất khó nói, nếu nhìn vào những tiêu cực trong tổ chức thi và công nhận năng lực ngoại ngữ quốc gia từng xuất hiện tại một số trường.

Hà Ánh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/dat-chuan-nhung-chua-co-nang-luc-that-su-1016246.html