Đặt bẫy ảnh, phát hiện 4 loài cầy hiếm ở Khu bảo tồn Xuân Liên

Nhờ trợ thủ đắc lực 'bẫy ảnh', Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã phát hiện 4 loài cầy quý hiếm cần được bảo tồn.

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai dự án khoa học “Điều tra, bảo tồn và phát triển các loài trong họ Cầy (Viverridae) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên" giai đoạn 2021-2023. (Ảnh: TTXVN)

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai dự án khoa học “Điều tra, bảo tồn và phát triển các loài trong họ Cầy (Viverridae) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên" giai đoạn 2021-2023. (Ảnh: TTXVN)

Tới thời điểm này, dự án đã điều tra thực địa với 8 đợt bẫy ảnh, từ đó phát hiện được 4 loài cầy quý hiếm gồm cầy vằn bắc, cầy vòi mốc, cầy vòi hương và cầy móc cua đang sinh sống, kiếm ăn tại các tiểu khu rừng.

Việc đặt "bẫy ảnh" sẽ giúp các cán bộ nơi đây phát hiện được nhiều cá thể quý hiếm cần được bảo tồn. Khi có cảm ứng nhiệt và cảm ứng chuyển động của các loài động vật hoang dã, động vật quý hiếm, máy cảm biến sẽ tự động chụp hoặc quay lại hình ảnh trong phạm vi di chuyển. (Ảnh: TTXVN)

Cầy vằn bắc hay lửng chóc là loài cầy sống trong các khu rừng và thung lũng có cây gỗ ở ven sông thuộc miền Bắc Việt Nam, bắc Lào và Hoa Nam. Cầy vằn bắc là loài cầy có kích thước trung bình, dài khoảng 57 cm, đuôi dài 43 cm. Chúng chủ yếu ăn giun đất và các loài không xương sống.

Bộ lông Cầy vằn bắc mầu vàng nhạt hoặc xám bạc. Có 4 - 5 sọc đen lớn vắt ngang lưng xuống 2 bên sườn; 2 sọc đen chạy song song từ đỉnh đầu qua cổ và mở rộng xuống bả vai, đến đùi chân trước; tiếp nối 2 vạch tách biệt xuống đến đùi theo 2 sọc trên. Mặt có 3 sọc đen nhỏ kẹp giữa 2 sọc trắng chạy từ mũi đến đầu. Gốc đuôi có 2 vòng đen trắng, phần còn lại của đuôi (3/4) đồng mầu nâu đen.

Cầy vằn bắc có giá trị nghiên cứu khoa học và giúp cân bằng sinh thái tự nhiên. Tuyến xạ có thể sử dụng làm dược liệu hoặc trong công nghệ sản xuất mỹ phẩm.

Trước đây khá phổ biến ở các khu rừng miền Bắc và miền Trung. Hiện nay, do săn bắt, buôn bán quá mức và hủy hoại sinh cảnh trữ lượng bị giảm sút nghiêm trọng. Tình trạng săn bắt và buôn bán cầy vằn bắc vẫn còn khá phổ biến. Đây là loài đã có tên trong Sách Đỏ Việt Nam cần được bảo tồn.

Cầy vòi mốc là một loài động vật có vú thuộc họ cầy. Vùng bản địa của cầy vòi mốc là vùng Nam Á và Đông Nam Á cùng các hải đảo Indonesia trong rừng nhiệt đới.

Cầy vòi mốc có chung những đặc điểm của loài cầy. Tuy nhiên cầy vòi mốc lông không có đốm. Mặt cầy có "mặt nạ" tiêu biểu gồm một vệt trắng chạy dài từ đầu xuống mũi. Mắt và má có khoảng trắng nhưng có vòng đen khoanh hai mắt nên tên tiếng Anh dùng "masked" (có nghĩa là mặt nạ) để đặt tên loại cầy này.

Lông trên thân màu nâu cam ngả sang màu xám. Bốn chân lông màu sẫm, gần như đen. Thân cầy dài 51–76 cm, thêm phần đuôi là 51–63 cm tức là đuôi dài xấp xỉ bằng nửa chiều dài động vật. Cầy cân nặng từ 3,6–6 kg.

Cầy vòi hương, vòi đốm hay vòi mướp là một loài động vật có vú thuộc họ Cầy, là loài bản địa của khu vực Nam Á, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Đây là loại cầy phổ biến nhất tại Việt Nam. Loài thú này gắn liền với thương hiệu Cà phê chồn nổi tiếng trên toàn thế giới với tên gọi là chồn hương.

Cầy móc cua là loài thú ăn thịt nhỏ. Chiều dài đầu – thân: 440 – 480 mm. Chiều dài đuôi: 265 – 310 mm. Trọng lượng: 4 – 3 kg. Đặc điểm nổi bật là có một vệt trắng kéo dài từ góc mép qua cổ đến bả vai. Đuôi dài gần bằng 1/2 thân, lông đuôi xù. Bộ lông màu nâu xám, cổ đen, ngực nâu đỏ, bụng nâu nhạt, chân nâu sẫm hoặc đen.

Xem thêm video: Những “kiệt tác kiến trúc” hoàn hảo nhất thế giới động vật. Nguồn: Kienthucnet.

Thiên Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dat-bay-anh-phat-hien-4-loai-cay-hiem-o-khu-bao-ton-xuan-lien-1818490.html