Đất ấm tình đồng đội

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã có thể xác quyết về một dòng riêng văn học viết về cuộc sống và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia trong nguồn chung văn học cách mạng.

Trong mấy thập kỷ trở lại đây, những tác phẩm thuộc dòng văn học này xuất hiện liên tục với mật độ khá dày. Về tiểu thuyết, chúng ta có "Đất không đổi màu", "Làng khóc mướn", "Bên rừng thốt nốt" của Nguyễn Quốc Trung, "Mùa xa nhà" của Nguyễn Thành Nhân... Về bút ký, hồi ký, tự truyện có "Rừng khộp mùa thay lá" của Nguyễn Vũ Điền, "Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa tháp" của Trần Ngọc Phú, "Lính Hà" của Nguyễn Ngọc Tiến, "Mùa chinh chiến ấy" của Đoàn Tuấn... Và tự truyện "Đất K" của Bùi Quang Lâm (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2020) là một trong những cái tên mới nhất làm phong phú thêm, dày dặn thêm dòng văn học này. Mặc dù được viết bằng một lối văn thô mộc đến thật thà, không mấy dụng công về nghệ thuật, không tài hoa trong câu chữ nhưng "Đất K" đúng như nhận xét của Trần Võ Thành Văn là “gam màu của tuổi trẻ đầy mộng mơ rồi cả khiếm khuyết, đặt nhân cách giữa lằn ranh sinh tử, thách đố định mệnh mà đạt tới những giây chạm ngưỡng xúc cảm của con người”.

Cũng như các cuốn sách cùng đề tài khác, điều hấp dẫn và làm nên thành công của "Đất K" là sự chân thực trong tái hiện cuộc sống, chiến đấu của bộ đội Quân tình nguyện Việt Nam trên nước bạn Campuchia. Để sinh tồn nơi chiến trường khắc nghiệt, tác giả cùng đồng đội buộc phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Bùi Quang Lâm cũng không hề né tránh, bi hóa hay hùng hóa khi nói về những mất mát hy sinh. "Đất K" có nhiều trang viết xúc động về sự ra đi của người lính. Có người lính, tác giả còn chưa kịp làm quen, chưa nhớ mặt, nhớ tên; có những người lính là chỉ huy, đồng đội thân thiết của tác giả như: Đại đội trưởng Mộc hay Phước “cô Ba”, Long... tất cả đều ngã xuống khi đang thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn trong những hoàn cảnh khác nhau. Người chết trận, người mất vì giẫm phải bom, mìn, người ra đi vì ốm đau, bệnh tật... Cái chết trong chiến trường, như tác giả cảm nhận “chỉ diễn ra trong tích tắc” và việc “tìm sự sống trong cái chết quả là điều không đơn giản”.

Điều làm nên sự khác biệt và đặc biệt cho "Đất K", giúp cuốn tự truyện này đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2020, như nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đã chỉ ra nằm ở những trang viết về đời sống tinh thần của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong "Đất K", Bùi Quang Lâm dành một dung lượng kha khá miêu tả đời sống tinh thần của Quân tình nguyện Việt Nam. Sau mỗi cuộc chiến, tác giả và đồng đội lại có những phút giây “buôn chuyện” trên trời dưới bể, những buổi sinh hoạt thơ ca, những buổi biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Có thể nói, Bùi Quang Lâm đã sưu tầm, ghi chép lại cả một “tuyển tập” thơ “con cóc”, thơ trường phái “bút tre” của bộ đội trong những năm tháng chiến đấu ở Campuchia. Những vần thơ tếu táo kiểu như: "Hôm nay đại đội chúng ta/ Có hai giới tính đàn bà, đàn ông/ Cô trước thì quần xà rông/ Cô sau quân phục xung phong chỉnh tề/ Các anh thấy vậy rề rề/ Nhưng cô khôn lắm làm huề các anh"... đã đem lại những tiếng cười sảng khoái, xua tan cái mệt mỏi, căng thẳng của người lính giữa chiến trường khốc liệt, giúp bạn đọc có thêm một góc nhìn mới mẻ về đời sống tinh thần của người chiến sĩ. Một điểm nhấn khác về đời sống tinh thần của người lính cũng được tác giả miêu tả thành thực là chuyện tình cảm, những rung động đầu đời trong sáng, thánh thiện giữa họ với những người con gái Campuchia hay với những nữ chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện sang nước bạn phục vụ chiến đấu. Những câu chuyện tình cảm đôi lúc còn vượt ra khỏi khuôn khổ cá nhân, tác động đến cuộc chiến đấu theo một cách nào đó. Được một cô gái Campuchia yêu mến, tin tưởng, tác giả đã tranh thủ khuyên nhủ anh trai cô và gia đình không theo bè lũ diệt chủng Pol Pot, giúp bộ đội ta bớt một kẻ địch, thêm một người bạn, đỡ thêm một phần vất vả, xương máu trong cuộc chiến dai dẳng.

Cuộc sống của người lính sau khi “giã từ vũ khí” cũng làm nên sức hấp dẫn riêng của "Đất K". Khác với nhiều cuốn hồi ký cùng đề tài thường kết thúc ở việc người lính ca khúc khải hoàn trở về nước hoặc lướt nhanh đến hiện tại, thời điểm cách xa cuộc chiến mấy chục năm, ở "Đất K", Bùi Quang Lâm chú tâm miêu tả quãng đời mình trở về sau cuộc chiến. Những trang hồi ký của anh viết về quãng đời sau khi giải ngũ hé lộ về “một cuộc chiến khác” khốc liệt không kém chiến trường mịt mù đạn bom họ vừa thoát ra: Cuộc chiến cơm-áo-gạo-tiền giữa đời sống thường nhật. Anh đã làm đủ nghề, từ thợ phụ cho cửa hàng vàng bạc đến đi vẽ thuê, tập tành sáng tác thơ ca... để mưu sinh, khỏi mang tiếng ăn bám gia đình.

Và nếu điều có thể khiến họ tạm quên đi những lạc lõng, hối hả giữa dòng đời tấp nập, đó chính là đồng đội. Tình cảm thiêng liêng, cao quý nảy sinh bên chiến hào, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết là chất keo gắn kết những người lính với nhau và cả với cuộc đời. Càng về cuối cuốn tự truyện, Bùi Quang Lâm càng có những trang viết cảm động về tình đồng đội. Tác giả thường cùng các đồng đội xưa ngồi bên nhau, cùng nhau ôn lại những hồi ức chiến trường, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Đất K, mảnh đất một thời bom đạn chết chóc ấy, vẫn mãi ấm tình người, tình đồng chí, đồng đội.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/dat-am-tinh-dong-doi-658798