Đáp ứng tốt hơn nhu cầu chứng thực

Hơn 1 năm có hiệu lực thi hành, đến nay, Thông tư số 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch đã phát huy hiệu quả trong thực tế.

Người dân thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Cờ Đỏ.

Người dân thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Cờ Đỏ.

Ông Nguyễn Văn Tân, ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, vừa được UBND phường ký chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Ông Tân cho biết: “Cha tôi ủy quyền cho tôi nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi đến UBND phường để yêu cầu chứng thực giấy ủy quyền và được xem xét, giải quyết rất nhanh chóng, thuận lợi”.

Trước đây, các trường hợp chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP rất chung chung, chưa thống nhất. Do đó, một số văn bản ủy quyền có nội dung liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thuộc diện không được chứng thực chữ ký nhưng vẫn được cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký, gây tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, rủi ro trong quan hệ, giao dịch dân sự, hành chính... Thông tư số 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp ra đời, đã tháo gỡ những vướng mắc này, đảm bảo quy định pháp luật được thực hiện thống nhất.

Theo đó, Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định cụ thể 4 trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền, gồm: ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền; ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa; ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Thông tư cũng quy định rõ đối với các giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký và chứng thực bản sao từ bản chính không đúng quy định thì không có giá trị pháp lý. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực sai quy định đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực và phải đăng tải lên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chỉ quy định thủ tục đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, chưa quy định thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch trong trường hợp tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” nên các cơ quan thực hiện chứng thực còn lúng túng, người dân cũng gặp khó khăn trong thực hiện. Thông tư số 01/2020/TT-BTP bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” đã tháo gỡ vướng mắc này, giúp công chức Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả có cơ sở pháp lý rõ ràng trong xử lý công việc và người dân thuận lợi trong thực hiện thủ tục giao dịch, hợp đồng. Ông Nguyễn Văn Hoài ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Đến UBND xã chứng thực hợp đồng vừa gần, tiết kiệm chi phí đi lại so với ra công chứng mà quyền, lợi ích hợp pháp của các bên vẫn được đảm bảo”.

Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định các bên tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện việc ký hợp đồng, giao dịch trước mặt người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu chứng thực tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả; công chức tiếp nhận hồ sơ (công chức của Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND cấp xã) có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực và cùng ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch trước khi người có thẩm quyền thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch. Người tiếp nhận hồ sơ phải bảo đảm người yêu cầu chứng thực chữ ký minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có năng lực hành vi dân sự, tự nguyện giao kết hợp đồng, giao dịch. “ Việc quy định này cũng nhằm tăng trách nhiệm của công chức làm công tác tư pháp, nhằm phục vụ người dân tốt hơn và tránh những tranh chấp về sau” - ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, nói.

Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dap-ung-tot-hon-nhu-cau-chung-thuc-a132343.html